Doanh nghiệp bán lẻ phải đầu tư nhiều để tạo không gian mua sắm. Ảnh: Minh Phúc |
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cả nhà kinh doanh Việt Nam đều kêu ca rằng giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam, cụ thể hơn là tại TP.HCM quá cao. Thậm chí có kết quả khảo sát còn cho rằng giá không chỉ cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, mà còn cao hơn cả ở Nhật Bản.
Thuê mặt bằng: chợ giảm, nhà tăng
Giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại cao cấp đã cao, nhưng so với giá thuê ở sạp chợ trung tâm vẫn còn chưa thấm. Công bố của một tập đoàn bất động sản được báo trong nước đưa lại vào tháng 10.2006, giá sang nhượng một mét vuông sạp chợ Bến Thành lên tới 230 lượng vàng. Mức giá này quy đổi ra USD còn cao hơn 30% giá sang nhượng ở khu Ginza, Tokyo (Nhật), vốn được xem là khu đất đắt nhất thế giới. Thời đó, giá một căn mặt tiền đường Ba Tháng Hai, quận 10 có diện tích trên 200m2 khoảng 1.000 lượng vàng, chưa bằng giá 5m2 ở chợ Bến Thành.
Ba năm sau, giá vàng và giá USD có thay đổi, dù giá sang nhượng hiện giờ giảm cả chục lượng vàng nhưng theo bà Nguyễn Thị Loan, tiểu thương chợ Bến Thành, “một chỗ buôn bán vẫn có giá vài trăm ngàn đô”. So với các trung tâm thương mại cao cấp ở khu vực quận 1 – chỉ khoảng 120 – 150 USD/m2 vị trí đẹp, thì giá sạp chợ Bến Thành vẫn còn đứng hàng đỉnh với mức 300 – 550 USD/m2 . Tương tự như vậy, những quầy hàng vị trí mặt tiền, góc ngã tư trục chính tại chợ An Đông mới có giá cho thuê từ 1.000 USD/tháng trở lên, tính ra tương đương với giá thuê quầy tại thương xá Tax, Zen Plaza hay Parkson.
So với sự biến động giá trị mặt bằng và giá thuê, thì những căn nhà mặt tiền có mức thay đổi lớn hơn. Căn nhà mặt tiền đường Ba Tháng Hai nêu trên nhích giá thêm một chút, khoảng 1.200 – 1.300 lượng, nhưng giá cho thuê từ 2.000 USD/tháng nay vọt lên 4.500 USD/tháng.
Phải xắt ra miếng
Theo kết quả khảo sát thị trường bán lẻ của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương do tạp chí bán lẻ châu Á – Retail Asia vừa công bố, doanh thu trên mỗi mét vuông kinh doanh, trung tâm mua sắm Nguyễn Kim đạt hiệu quả cao nhất với 311,5 triệu đồng/m2 /năm, SJC 286,6 triệu đồng/m2 /năm, PNJ 224,3 triệu đồng/m2 /năm và Saigon Co.op khoảng 18,9 triệu đồng/m2 /năm.
Dựa trên mức doanh thu trên, ông Nguyễn, một chuyên gia trong ngành điện tử điện máy cho biết: “Tính ra, bình quân mỗi tháng tiền thuê mặt bằng của trung tâm mua sắm mặt tiền Trần Hưng Đạo vào khoảng 700.000đ/m2, chi phí cho cả năm sẽ vào khoảng 8,5 triệu đồng, xấp xỉ 50% của lợi nhuận của doanh nghiệp”. Ông Nguyễn giải thích thêm, tỷ lệ lợi nhuận tối đa có thể khoảng 5%/ doanh thu.
Với cơ cấu chi phí như vậy, theo tính toán của những người đang kinh doanh trong nhiều ngành nghề, chỉ có cách xây dựng thương hiệu cao cấp, bán hàng cao cấp mới có lãi. Chẳng hạn một đôi giày nếu bán giá 150.000đ với giá vốn 80.000đ thì không có cách gì thuê được quầy trong trung tâm thương mại để bán. Nhưng nếu làm hàng cao cấp, bán giá 800.000đ/đôi với giá vốn 250.000đ thì sẽ giải quyết được chi phí mặt bằng này. Ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc tổng công ty may Việt Tiến vừa khai trương cửa hàng bán sơmi cao cấp hiệu Sanciaro tại thương xá Tax giải thích: “Với thương hiệu cao cấp, giá bán thấp nhất cũng 650.000đ/sơmi thì chúng tôi chọn những mặt bằng có giá thuê từ 60 USDm2 trở lên”.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị