Đất nền phía Tây Hà Nội “rớt giá“ hàng loạt

Cập nhật 20/05/2011 09:10

Chịu không thấu trước áp lực thắt chặt tín dụng, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tháo chạy khỏi thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội…

“Tiến thoái lưỡng nan”


Khác với những năm trước khi đất nền phía Tây Hà Nội “chỉ có lên mà không xuống”, cứ mua được đất cầm chắc có lãi, từ khoảng 2 tháng lại đây, phân khúc thị trường này đã có dấu hiệu chững lại. Thậm chí, có những nhà đầu tư đã rao bán với mức giá giảm 10% so với 2 tháng trước do áp lực lãi suất cao từ đồng tiền vay ngân hàng.

Cuối năm 2010 đầu năm 2011, bất chấp những thông tin bất lợi do Hà Nội rà soát dự án, có dự án phía Tây tăng giá một cách bất thường, giá tăng tới 30% chỉ trong vài tuần. Khi đó, nhiều chuyên gia đã nhận định sự tăng giá bất thường là sản phẩm của “cò” đất đẩy giá, và có quan chức Hà Nội đã cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi mua bán ở các dự án có tăng giá một cách bất thường.


Thực tế đã chứng minh những nhận định trên là đúng. Từ đầu tháng 5.2011, đã xuất hiện dấu hiệu của một làn sóng giảm giá bán để chạy hàng của các nhà đầu tư đối với đất nền tại một số dự án “nóng” trước đây. Ví dụ, tại một dự án có mặt tiền bám Quốc lộ 32, cách không xa trung tâm thành phố, vào tháng 2.2011, giá một căn liền kề 100m2 đường 10.5m khoảng 55 triệu/m2 thì nay được gia chủ chấp nhận bán ở mức 44 triệu/m2. Giá cũng giảm khoảng 10 – 15% ở một số dự án khác như Tân Tây Đô, Văn Phú, Bắc Quốc lộ 32, Geleximco Lê Trọng Tấn, Thanh Hà…

Theo các chuyên gia, giảm giá đất nền dự án phía Tây không phải là bất ngờ. Đúng là bất động sản (BĐS) là chỗ náu an toàn khi vàng, USD bị thắt chặt. Nhưng, kiểu tăng giá như đã diễn ra cách đây vài ba tháng là kiểu “thổi giá ảo”, bất chấp thực tế tiến độ dự án và hạ tầng chưa hoàn thiện.

Không thể phủ nhận nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào BĐS phía Tây đã kiếm bộn tiền qua các thương vụ mua đi bán lại. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thị trường ảm đạm, tính thanh khoản ít, BĐS lại chính là chỗ chôn vốn mà không phải muốn bán là bán ngay được. Thực trạng “tiến thoái lưỡng nan” của người đi trước chính là tấm gương để những nhà đầu tư đi sau cân nhắc khi dành tiền cho BĐS, và cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường càng trở nên mất thanh khoản hơn.

Còn lâu mới “tươi sáng” trở lại

Nếu như cách đây chừng năm, nhà đầu tư hối hả mua đất nền phía Tây ngay khi có cơ hội, thì giờ đây, dường như họ đã bình tĩnh hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Bởi lẽ, nếu suy xét kỹ, thì chỉ những dự án chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng hoặc bị đẩy giá nóng do yếu tố làm giá của cò đất, mức độ giảm giá mới đáng kể.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công và đưa ra thông điệp thận trọng với BĐS, thì theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS, nhất là đối với các phân khúc nhà cao cấp và đất nền, rất khó khởi sắc.

Nhưng theo ông Trần Lê Vinh – chuyên gia kinh tế, việc giảm giá đất nền ở Hà Nội dù chưa bao giờ rõ nét như lúc này, cũng sẽ không kéo dài lâu. Thị trường BĐS Hà Nội vẫn còn rất hấp dẫn so với những người tỉnh khác, nhất là các gia đình có con cái đang học hành sinh sống ở Hà Nội. “Tâm lý buôn bán của người Bắc cũng là “chậm mà chắc”, và không phải cứ xuống giá là họ sẽ đem bán tháo. Vì thế, sự giảm giá này sẽ khiến giá đất nền tiệm cận hơn với điều kiện thực tế của dự án, chứ sẽ không giảm quá sâu” – ông Vinh trấn an.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, cũng sẽ còn rất lâu đất nền BĐS phía Bắc mới có thể tạo lập mặt bằng giá mới bằng một đợt lên giá khác. Và đã đến lúc, các nhà đầu tư phía Bắc nhìn thực trạng thị trường phía Nam để rút ra những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đầu tư, dù rằng, tiền đầu tư BĐS phía Bắc đa phần là tiền nhàn rỗi.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN