Đất nền hạ nhiệt, nhà đầu cơ 'tháo chạy' khỏi đặc khu

Cập nhật 28/06/2018 14:06

Việc Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến cho việc chuyển nhượng đất nền tại các đặc khu chững lại, giá đất nền cũng hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu cơ đã “tháo chạy” bởi giao dịch ế ẩm, trong khi tiền thuê mặt bằng ở đây vẫn cao.


Đất nền hạ nhiệt, nhà đầu cơ 'tháo chạy' khỏi đặc khu.

Siết chặt quản lý

Từ khi có chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang nơi có các đặc khu đang trở thành thị trường hấp dẫn, thu hút lượng khách đến đầu tư khá lớn. Nhiều nhà đầu tư đã “nhanh chân” chớp lấy cơ hội để đẩy giá đất tại các địa bàn trên “lên trời”...

Trước tình hình phức tạp về giá đất đai tại các địa phương trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Đồng thời, phải bảo đảm trật tự xã hội, không để "cò đất", xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải dồn nỗ lực vào công tác quy hoạch để có một quy hoạch dài hơi, thực sự có chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kể cả nhân lực quản lý và các ngành nghề được xem là ưu tiên phát triển. Đồng thời quan tâm vấn đề chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai, xây dựng trái phép, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, dự án và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn Vân Đồn. Trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét.

Tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi 10 dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm pháp luật với tổng diện tích trên 350 ha; thu hồi chủ trương đầu tư 13 dự án chưa được giao đất. Bên cạnh đó, Vân Đồn còn “trục xuất” ra khỏi địa bàn huyện 13 sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện hành nghề theo quy định.

Tỉnh Kiên Giang cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình đất đai trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, ngăn ngừa những hệ lụy có thể xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện Phú Quốc tạm dừng ngay việc cho phép các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt có hiệu lực và quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chính thức. Trường hợp cấp bách, cần thiết thì báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh xem xét.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng hữu quan và huyện Phú Quốc tăng cường thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chức năng và từng thành viên chịu trách nhiệm thực hiện những phần việc được giao.

Ngoài ra, tỉnh cũng xử lý những tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào khai thác; rà soát lại diện tích đất rừng sau khi điều chỉnh quy hoạch do UBND cấp xã quản lý để quản lý chặt chẽ hoặc trình cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích, buộc đối tượng vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc, chỉ thị cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh về việc chỉ đạo tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra các dự án lớn; các dự án có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi, tăng giá đất; làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý, trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với các xã, thị trấn là đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của tỉnh, những trường hợp nào vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho việc vi phạm về quản lý đất đai, sẽ xử lý nghiêm minh.

Nhà đầu cơ tháo chạy

Tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 258 ha và 215 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Thế nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 1.859 trường hợp chuyển nhượng với diện tích 356 ha và 162 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó chủ yếu là chuyển nhượng, chuyển mục đích từ đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, năm 2016 có 684 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến năm 2017 con số này tăng lên gần gấp 3, với trên 1.600 trường hợp. Đến Quý I/2018 có 519 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giai đoạn 2015-2017 có 288 trường hợp chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, riêng năm 2018 địa phương này không giải quyết trường hợp nào.

Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2018 có 5 tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 8,5 ha; 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 699 ha.

Việc chính quyền siết chặt quản lý chuyển nhượng đất đai khiến giao dịch ở các đặc khu kinh tế tương lai hạ nhiệt. Các văn phòng công chứng đất đai không còn sôi động như trước. Nhiều nhà đầu cơ phải bỏ tiền cọc vì không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu thực hiện việc mua bán. Nhiều văn phòng mô giới bất động sản đã “tháo chạy” khỏi Phú Quốc vì không có giao dịch.

Tuy nhiên, giá đất không có dấu hiệu giảm. Ở Phú Quốc, đất tại ấp Ông Lam, ấp Rạch Hàm, Ba Trại, các công đất được vẫn được rao bán từ 6-8 tỷ đồng/công. Tại Bắc Vân Phong, khu vực thị trấn Vạn Giã, đất trên đường Trần Hưng Đạo vẫn đang được chào bán 60-70 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Nguyễn Huệ giá vẫn là 15-20 triệu đồng/m2… Tại Vân Đồn, đất nền khu tái định cư Thống Nhất vẫn được chào bán 25-27 triệu/m2, đất nền khu tái định cư Đoàn Kết là 13-14 triệu/m2…

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamfinance