Đất đóng băng, Đà Nẵng bí tiền

Cập nhật 26/08/2013 15:19

Không còn “rủng rỉnh” như thời điểm thị trường bất động sản sôi động trước đây, nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng đang bị sụt giảm mạnh, nhiều công trình dự án bị đình trệ đã cho thấy kinh tế của thành phố năng động nhất miền Trung đang bộc lộ nhiều vấn đề...

Do thiếu tiền, nhiều tuyến đường ở khu dân cư E2 (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) không được trải nhựa khiến cuộc sống người dân nơi đây bị xáo trộn.


Tổng thu ngân sách nói chung và thu từ đất tại Đà Nẵng trong thời gian gần đây - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Trong lịch sử phát triển của mình sau hơn 15 năm chia tách, “lột xác”, trực thuộc trung ương, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế mà chính quyền TP này phải đối mặt...

Khi đất không còn là “phao”

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 7 vừa qua, trong sáu tháng đầu năm 2013, thu ngân sách của địa phương này chỉ đạt 44% (tương đương 5.200 tỉ đồng), trong khi tổng chi lại vượt trên con số 56,5% (tương đương 7.600 tỉ đồng). Việc bội chi ngân sách lên đến hơn 2.400 tỉ đồng đã khiến những người điều hành công tác thu chi ngân sách của địa phương này hết sức đau đầu. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên mà trước đó khi kết thúc năm công tác 2012, có đến 7/11 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế của địa phương này đã không về đích khiến nghị trường HĐND kỳ họp thứ 5 (tháng 12-2012) nóng lên khi tổng chi cả năm của địa phương này lên đến hơn 13.600 tỉ đồng, trong khi tổng thu ngân sách chỉ đạt 81% (tương đương 10.910 tỉ đồng).

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu HĐND “Vì sao ngân sách địa phương liên tục bị thâm hụt?”, ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã đăng đàn cho rằng: do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là việc đóng băng thị trường bất động sản khiến nhiều dự án dừng, bỏ triển khai dẫn tới nguồn thu từ đất giảm mạnh. Năm 2012, kế hoạch đặt ra của TP Đà Nẵng là thu 3.500 tỉ đồng từ đất, thế nhưng đến cuối năm 2012 chỉ thu được gần 1.300 tỉ đồng. Đây cũng là năm Đà Nẵng có mức thu tiền sử dụng đất đạt thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Đến sáu tháng đầu năm 2013 địa phương này chỉ thu được 750 tỉ đồng, đạt 41,7% dự toán giao.

Theo ông Trần Văn Miên - cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng, sự giảm sút mạnh của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng lớn đến thu lệ phí trước bạ mà còn khiến số thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp. Nếu so với năm 2011, nguồn thu từ đất của Đà Nẵng lên đến 5.102 tỉ đồng (đạt 138% kế hoạch) thì hai năm trở lại đây, đất không còn là chiếc “phao” cho nền kinh tế của địa phương này nữa.

Dự án dở dang, dân khổ

Do thiếu tiền nên hạ tầng ở một số dự án tái định cư trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện vẫn ngổn ngang, xây dựng chắp vá. Đơn cử như tại dự án E1 nam cầu Cẩm Lệ. Dù dân đã chuyển về xây nhà, vào ở hơn ba năm nay nhưng nhiều tuyến đường tại đây vẫn chưa được trải nhựa.

Ông Phạm Em, ở khu tái định cư E1 nam cầu Cẩm Lệ (Q.Cẩm Lệ), bức xúc: “Tôi nhận đất lên ở đây đã tròn ba năm. Nhà cửa đã xây dựng ổn định nhưng đường sá bầy hầy quá. Đường không được trải nhựa, vỉa hè cũng không có khiến cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn”. Theo ông Em, tình trạng này được người dân ở đây phản ảnh lên TP đã mấy năm nay, nhưng TP hứa mãi không làm, bảo hết tiền. Dân không chịu nổi, đành phải tự bỏ tiền ra lót vỉa hè trước nhà mình. Quá bức xúc nên tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 7 vừa qua, nhiều cử tri đã điện đến đường dây nóng HĐND đề nghị trả lời. Tại đây, sau khi giải thích quanh co, ông Phạm Việt Hùng, giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, “xin hứa” sẽ hoàn tất việc trải nhựa trong tháng 8-2013. Tuy nhiên, theo ghi nhận đến nay mọi chuyện vẫn như cũ.

Theo tìm hiểu của PV, hiện có đến 31 tuyến đường giao thông cũng như lát gạch vỉa hè, điện chiếu sáng... tại dự án khu E1 nam cầu Cẩm Lệ chưa được trải nhựa và hoàn thiện mặc dù phần lớn các tuyến đường đã có hơn 70% người dân làm nhà, ổn định cuộc sống... Ngoài khu E1 nam cầu Cẩm Lệ, hạ tầng tại nhiều dự án khác như Bá Tùng (Q.Ngũ Hành Sơn), Chính Gián (Q.Thanh Khê), Chơn Tâm, Quảng Thắng (Q.Liên Chiểu)...cũng bị chậm trễ, khiến cuộc sống người dân tại các vùng tái định cư này bị xáo trộn.

Còn tại dự án cải tạo mở rộng kênh Đa Cô (Q.Liên Chiểu) hiện đang tiến hành dang dở. Tại đây, việc giải tỏa đền bù tuyến đường chạy dọc kênh dù đã áp giá nhưng buộc phải dừng lại vì thiếu tiền. Ông Phan Văn Minh, một người dân ở đây, than thở: “Chúng tôi cũng chẳng muốn giải tỏa nhưng chủ trương TP thì phải chấp hành. Cán bộ đến đo đạc áp giá đền bù, nói sẽ làm sớm nhưng bây giờ thì đột nhiên tạm dừng”. Việc thiếu vốn cũng làm cho tiến độ xây dựng bố trí tái định cư cho dân vùng giải tỏa chậm. Hiện có đến gần cả nghìn hộ dân ở các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ... chưa được giao đất, đành phải đi thuê nhà ở một cách tạm bợ để chờ đất tái định cư.

Giải ngân nhỏ giọt

Theo ông Võ Tiến Dũng - trưởng ban quản lý dự án các công trình đường Bạch Đằng Đông, đến giữa tháng 8-2013 đơn vị ông chỉ mới giải ngân được 16,5 tỉ đồng tiền xây lắp hạ tầng trong tổng số 29,4 tỉ đồng của cả năm mà TP ghi vốn trước đó. Tương tự, số tiền đền bù, giải tỏa cũng chỉ thực hiện được 15 tỉ đồng trên tổng vốn ghi cả năm là 63 tỉ đồng. “Theo ý kiến chỉ đạo của TP Đà Nẵng, từ nay đến cuối năm 2013 nhiều khả năng số vốn ghi còn lại sẽ tiếp tục bị cắt giảm thêm 30-40%. Như vậy, sẽ có một số dự án đền bù, giải tỏa mới buộc phải dừng không triển khai nữa” - ông Dũng dự báo.

Ngân sách thâm hụt cũng khiến nhiều đơn vị sự nghiệp ở Đà Nẵng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, mà ngành giáo dục là một ví dụ. Sáng 19-8, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới, ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP Đà Nẵng, cho biết cuối năm 2012 TP Đà Nẵng đã phê duyệt 106,5 tỉ đồng cho đơn vị để hoàn thành chương trình nông thôn mới, bao gồm xây dựng trường lớp và đào tạo dạy nghề cho con em vùng nông thôn. Thế nhưng, đến thời điểm này chỉ duy nhất một trường được đầu tư xây dựng hoàn tất với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ đồng (Trường THCS Trần Quốc Tuấn).

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh