Theo ông Vũ Xuân Thiện – Nguyên Phó cục trưởng cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) quỹ đất để xây nhà ở xã hội (NƠXH) hiện rất khó khăn trong khi đó lại quy hoạch quanh bãi tha ma hoặc khu vực khó giải toả. Quy hoạch như vậy cũng không ổn.
Đẩy nhà ở xã hội ra bãi tha ma
Chia sẻ tại Hội thảo Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều-cung ít, vì sao? được tổ chức mới đây, ông Vũ Xuân Thiện - Nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nhu cầu cần ở nhà giá rẻ, đặc biệt là NƠXH vẫn cao, chiếm trên 60%. NƠXH hiện nay còn thiếu rất nhiều đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Nêu lên những bất cập trong việc phát triển NOXH hiện nay, ông Thiện cho rằng có nhiều khó khăn trong đó đặc biệt là về quỹ đất.
Hội thảo Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - Cung ít, Vì sao?
“Không địa phương nào muốn “nhả” quỹ đất ra để làm NƠXH. Đất làm nhà thương mại thì thu được thuế, có lợi hơn. Thêm vào đó, các khu đô thị phải trích quỹ đất 20% làm NƠXH nhưng các địa phương lại không đôn đốc các doanh nghiệp “nhả” đất đó ra mà lờ đi để doanh nghiệp xoay sở chuyển đổi cuối cùng vẫn là làm nhà ở thương mại” – ông Thiện nói.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng chỉ ra thực trạng đối với các khu nhà ở thương mại giá trị cao, quỹ đất 20% làm NƠXH doanh nghiệp được quyền nộp tiền chênh lệch cho địa phương. Về nguyên lý là thu để bù quỹ đất khác làm NƠXH nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đủ khiến quỹ đất rất khó khăn.
Vấn đề về quy hoạch NƠXH hiện nay theo ông Thiện cũng không ổn. “Quỹ đất để xây NƠXH lại quy hoạch quanh quẩn bãi tha ma hoặc quây vào những khu khó giải toả không làm được. Quy hoạch như vậy cũng không ổn” – ông Thiện nêu ý kiến.
Đánh giá việc phát triển NƠXH, ông Thiện cho rằng, Chính phủ rất quan tâm đến xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp từ nhà thương mại giá rẻ đến NƠXH nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện còn hạn chế, không đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đặt ra những vấn đề trên, ông Thiện đề xuất Chính phủ cần có chỉ thị rà soát tổng thể tại các địa phương.
“Theo tôi, cần rà soát lại các loại căn hộ thương mại giá thấp đã làm được bao nhiêu bán được bao nhiêu, nhu cầu thế nào, được ưu đãi ra sao. NƠXH chính sách như vậy các cơ quan từ trung ương đến địa phương có thực hiện hay không và thực hiện như thế nào. Cần sự vào cuộc của cả trung ương và địa phương” - Nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nói.
Cũng tại cuộc hội thảo, trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về thực tế hiện nay tại Hà Nội quỹ NƠXH vẫn thiếu nhưng lại xảy ra thực trạng “ế” NƠXH phải mở bán nhiều lần, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới, thừa nhận: Đúng là tại Hà Nội hiện đang có tình trạng dự án NƠXH mở bán hơn 10 lần vẫn không bán hết nhưng cũng có dự án phải chen chân vừa mở ra đã hết hàng.
“Những dự án này tôi cũng biết và thấy rằng các dự án đó thiếu và yếu rất nhiều điều kiện phục vụ thiết yếu cho cuộc sống của người dân về hạ tầng, tiện ích…. Họ mua nhà đến ở rồi cho con học ở đâu, mua sắm, vui chơi chỗ nào… Vì vậy kể cả giá rẻ nữa thì tôi cũng không đến ở” – ông Đính phân tích.
Cũng theo vị này, ở phân khúc nào cũng vậy phải đảm bảo về chất lượng, tiện ích, hạ tầng….tối thiểu xung quanh của dự án thì người tiêu dùng mới chấp nhận.
Nhà ở giá rẻ vẫn tắc vốn
Một trong những khó khăn trong việc phát triển nhà bình dân được nhiều chuyên gia nêu ra tại hội thảo là vấn đề về nguồn vốn. Nêu ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, ông không đồng ý quan kiểm nhà nước không nên hỗ trợ lãi suất đối với dự án nhà ở giá thấp.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khả năng người ở Việt Nam mua nhà thu nhập thấp mà không được hỗ trợ lãi suất sẽ khiến tình hình trở nên khó khăn.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, cũng như số liệu điều tra kinh tế hộ gia đình của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, phân khúc nhà ở trung bình, giá thấp ở nước ta chiếm tới 80% cầu về nhà ở, phân khúc giá trung bình cao, giá cao chỉ chiếm 20% nhu cầu (Ảnh minh hoạ).
|
Dẫn chứng về trường hợp mua căn hộ hơn 1 tỷ nếu vay khoảng 70% tại các ngân hàng thương mại ông Hiếu đưa ra tính toán: Tháng đầu trả gốc khoảng 3,3 triệu, lãi 7 triệu, tổng tháng đầu phải trả 10,4 triệu. Như vậy phải thu nhập tới 20 triệu mới đủ đóng tiền nhà và trang trải cuộc sống. “Bao nhiêu người ở TP. Hà Nội có thu nhập 20 triệu?” – ông Hiếu đặt vấn đề.
Trong khi đó, nêu trong tham luận GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam mang tính bao cấp, trông chờ vào Ngân hàng Chính sách xã hội - vốn là một ngân hàng Nhà nước nên chưa phát huy được hiệu quả.
Hơn nữa, theo ông Nhà nước sẽ không đủ lực để làm điều đó. Kể cả những dự án nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ, hiện Việt Nam chưa huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển. Hệ quả đã nhìn thấy là nhiều dự án đang bị hụt hơi từ gói tín dụng ưu đãi. Chủ đầu tư không thể đi vay tín dụng với lãi suất lớn để thực hiện khi biết chắc không có lợi nhuận.
Ông dẫn chứng câu chuyện của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả lực cung và cầu hoặc để lại những dở dang, đứt đoạn. Chính sách nhà ở xã hội không phát triển thêm được.
Theo chuyên gia này, nhà xã hội và nhà thương mại giá rẻ có thể tìm được vốn tín dụng ưu đãi từ nhiều nguồn khác nhau. Ông cũng cho rằng cần hình thành quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức xã hội, cá nhân... đóng góp. Những người có thu nhập thấp cũng phải góp tiền vào quỹ này tới mức nhất định mới được mua nhà giá rẻ.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Phạm Thị Vân Anh - Phó trưởng phòng Tín dụng Công nghiệp và xây dựng - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nguồn vốn là một trong những khó khăn trong điều tiết với các dự án trong phân khúc nhà giá thấp. Theo bà Vân Anh, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách phát triển; đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình chính sách như gói 30.000 tỷ, chính sách cho vay nhà ở xã hội để thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.
“Hiện nay khó khăn vướng mắc nhất là ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng xã hội. Vấn đề quan trọng là phải rà soát hoàn thiện quy định chính sách có liên quan và cần phải sớm thành lập các quỹ trung và dài hạn.” – bà Vân Anh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet