Đất đẹp có nguy cơ thành xấu

Cập nhật 18/10/2007 14:00

Ở thành phố Hải Phòng, xung quanh vấn đề quy hoạch trục trung tâm Tam Bạc đang có những ý kiến khác nhau. Trong khi một số chuyên gia quy hoạch, kiến trúc ở thành phố này cho rằng, dải vườn hoa trung tâm là một cảnh quan - kiến trúc độc đáo cần được tôn trọng và không nên xây bất cứ công trình cao tầng nào, thì bản quy hoạch của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) mới trình UBND lại cho rằng, nên xây dựng ở Khu công viên Rồng Biển (trên dải vườn hoa này) một tổ hợp thương mại dịch vụ du lịch cao tầng.
 
Tại Hà Nội, nhiều chung cư cũ xuống cấp nằm ở những vị thế đẹp cũng có thể "mất đẹp" nếu không đạt được sự thống nhất giữa người dân và nhà đầu tư trong việc cải tạo lại.

1. Hiện Hà Nội có khoảng 30 khu chung cư từ 4 tầng trở lên nằm trong diện cũ nát nguy hiểm. Thành phố đã có ý định tiến hành cải tạo một số khu chung cư có vị thế đẹp đó như Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Thành Công... từ 4 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.

Về phía chủ đầu tư, lý do chậm trễ là nếu xây dựng với hệ số sử dụng đất và hệ số tầng cao theo quy hoạch tổng thể của thành phố, doanh nghiệp dễ bị lỗ. Để khắc phục điều đó, mới đây thành phố đã cam kết rằng nhà đầu tư khi tham gia các dự án loại này sẽ được hưởng ưu đãi, như miễn hoặc giảm tiền thuê đất, doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp (khoảng 0,5%/tháng) từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện các dự án trên.

Song có một vấn đề chưa được làm rõ là trong dự thảo Quy chế thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ nát hư hỏng, khoản kinh phí hỗ trợ người dân như tiền thuê nhà trong thời gian di chuyển, tiền di chuyển nhà và kinh phí hỗ trợ khi di chuyển..., sẽ do chính quyền hay nhà đầu tư chi trả và cụ thể số tiền này sẽ là bao nhiêu chưa rõ.

Về phía người dân, dù phải sống trong nỗi lo "nhà nguy hiểm", nhưng không phải hộ dân nào ở đây cũng sẵn sàng di dời, khi nguồn thu nhập hàng tháng của họ trông vào bán hàng, gửi xe... Vả lại, vì là Quy chế thí điểm nên nhiều người cũng ngại rằng chính sách có thể bị điều chỉnh bất cứ lúc nào.

2. Ở thành phố Hải Phòng, toàn bộ dải vườn hoa trung tâm từ công viên Rồng Biển đến bến xe Tam Bạc là một không gian liên tục, nơi vui chơi công cộng của người dân thành phố. Có nên tạo những "điểm nhấn" cao tầng ở đây hay không?

Theo bản quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam sông Cấm do Công ty Nikken Sekei Civil (Nhật Bản) thực hiện, hưởng ứng cuộc thi do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức và đã đạt giải nhất, cần xây dựng khu công viên Rồng Biển hiện nay thành vườn hoa và kéo dài ra sát mép sông khu vực cảng chính hiện nay), tạo thành một trục không gian cây xanh - mặt nước liên tục từ Nam sông Cấm đến cuối hồ Tam Bạc.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hải Phòng Phạm Vũ Hội cũng cho rằng, không nên xây các công trình cao tầng ở khu công viên Rồng Biển mà nên mở bung không gian ở đây ra sát mép sông, tạo thành một vườn hoa và quảng trường. Nhưng quy hoạch của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn đã chỉ rất rõ các vị trí xây dựng trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao, khu du lịch giải trí ở công viên Rồng Biển và coi đây là "khu vực điểm nhấn của toàn trục".

Vấn đề đặt ra là với trục trung tâm Tam bạc được xem là bộ mặt thành phố, nên tổ chức thi thiết kế quy hoạch, như trước đây thành phố từng làm, để chọn phương án tối ưu, thay vì chỉ có duy nhất một đơn vị lập quy hoạch như hiện nay.

Nhiều khu đất đẹp có nguy cơ thành xấu đều có lý do của nó.

Theo Bộ TN & MT