Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|
Thị trường nhà đất Hà Nội những ngày tháng 4.2011 đang có những diễn biến trái chiều. Trong khi những người “ôm” đất dịch vụ ở Yên Nghĩa, Dương Nội… vẫn chưa tìm được đầu ra để thu hồi vốn, thì những người sở hữu những lô đất đấu giá ở Gia Lâm lại dễ dàng thanh khoản.
Âm thầm tăng giá
Tại con đường Ngô Xuân Quảng, trục giao thông chính của huyện Gia Lâm không thấy những trung tâm môi giới nhà đất mọc lên nhan nhản chèo kéo khách, “hét” giá “một tấc đến trời” như ở Chương Mỹ hay Đông Anh. Cũng không thấy người đi làm “cò đất”, nhà nhà đi buôn bán đất.
Nhưng, vào những ngày trung tuần tháng 4 này, người ta vẫn bàn tán râm ran về chuyện một cán bộ đang công tác ở một đơn vị trên địa bàn huyện chỉ vì “giỏi tính toán” mà lãi tới 1.5 tỉ đồng tiền chênh lệch khi bán một suất đất biệt thự đấu giá, trong khi chẳng tốn đồng vốn nào. Hay chuyện một doanh nghiệp tư nhân chuyên buôn bán thức ăn chăn nuôi ở Gia Lâm, mua một lúc cả 7 lô đất đấu giá chỉ vì giá cả hợp lý trước sức nóng tăng giá của đất các khu vực khác, hay vàng và đôla.
Anh Hưng, một người chuyên mua bán đất đấu giá ở Long Biên - Gia Lâm thừa nhận: “Mặc dù không tạo nên một “cơn sóng” lớn trên thị trường, nhưng đất đấu giá ở Gia Lâm vẫn có những cú bứt phá ngoạn mục”. Anh kể, vào cuối tháng 11.2010, anh mua một lô đất biệt thự rộng 240m2 ở khu đấu giá 31ha Trâu Quỳ với giá 19 triệu đồng/m2. Tổng mức đầu tư ngót 4.5 tỉ đồng.
Thời điểm đấy, bạn bè chê cười anh là “dở hơi”, đi bán đất ở Hà Đông đẹp thế, lại mua đất biệt thự diện tích to, khó bán, tận ở Trâu Quỳ. Ấy vậy mà vào tháng 1.2011 lô đất của anh đã được khách trả tới 26 triệu đồng/m2 và hiện tại, giá đã bật lên ở mức 29 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ có 5 tháng mà một lô đất của anh từ chỗ đầu tư có 4.5 tỉ đồng mà đã thu về được 7 tỉ đồng, tiền lãi là 2.5 tỉ đồng.
Anh Hưng phân tích: “Người ta cứ đổ xô mua đất ở Hà Đông, nhưng tính ra không lãi bằng đầu tư ở Gia Lâm. Ví dụ lô đất liền kề 80m2 ở Xa La Hà Đông tôi bán vào thời điểm tháng 11.2010 có giá 54 triệu đồng/m2, được tổng cộng 4.3 tỉ đồng. Hiện tại, giá đất Xa La tăng được xem là rất cao, tới 70 triệu đồng/m2. Nhưng nếu bán mảnh 80m2 đó thì tôi cũng chỉ thu về được 5.6 tỉ đồng, lãi có 1,3 tỉ đồng, chỉ bằng 50% mức lãi khi đầu tư ở Gia Lâm”.
Đất đấu giá tăng giá - tại sao?
Với nhiều người khác thì việc mua đất đấu giá ở Gia Lâm ban đầu chỉ là mua cho yên tâm vì tính pháp lý rất chặt chẽ, hạ tầng lại hoàn chỉnh, có thể xây nhà để ở, nhưng không ngờ, tiền lãi thu về cũng đáng kể. Trường hợp chị Hà, nhà ở quận Long Biên là một ví dụ. Sau khi bán được mấy mảnh đất thổ cư ở Đông Anh của gia đình bên chồng, chị cứ băn khoăn mãi vì không biết để tiền vào “phân khúc” nào.
Mua đất dự án thì chị sợ bị lừa đảo bởi báo chí gần đây đưa tin rất nhiều về những vụ lừa tiền tỉ khi bán nhà trên giấy. Mới nhất là vụ mua đất ở Dương Nội khi “chủ đầu tư” làm toàn bộ giấy tờ bằng con dấu giả. “Cuối cùng tôi quyết định mua đất đấu giá cho yên tâm bởi nhận đất xong là có sổ đỏ ngay, hạ tầng ở những khu này lại hoàn thiện đồng bộ, khang trang sạch đẹp. Còn nhiều dự án khác thì chưa biết đến bao giờ, chủ đầu tư mới hoàn thiện xong cơ sở hạ tầng. Không ngờ lô đất biệt thự đó từ 5 tỉ đồng tăng lên 7 tỉ đồng chỉ trong 3 tháng” - chị Hà nói.
Hiện tại, đất biệt thự đấu giá ở Gia Lâm được chia làm hai loại. Một số lô trúng đấu giá từ cuối năm 2009, chủ nhân đã nhận đất xây nhà và đã được cấp sổ đỏ. Giá của những khu đất này dao động từ 26-28 triệu đồng/m2, tùy vị trí do phải thanh toán 100% tiền đất cho người bán.
Loại thứ hai là một số lô biệt thự mới trúng đấu giá vào tháng 12.2010 chưa phải nộp tiền, được bán với giá cao hơn: Từ 28-30 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Người mua phải trả tiền chênh lệch cho người trúng đấu giá. Loại đất này người mua có thời gian chuẩn bị tài chính. Ưu điểm chung của cả hai loại đất này là người mua có quyền tự thiết kế, xây dựng chứ không bị hối thúc tiến độ và đóng tiền xây thô như một số dự án khác.
Tại văn phòng nhà đất Lộc Phát Tài, nằm sát khu quy hoạch 31ha đất đấu giá ở Trâu Quỳ, anh Túc - phụ trách văn phòng cho biết: “Trong khi nhiều nơi khác chủ yếu giao dịch cầm chừng thì đất đấu giá Gia Lâm vẫn có giao dịch. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra không nhiều bởi hầu hết người trúng đấu giá đều mua để ở hoặc đầu tư lâu dài bởi mức giá 29 triệu đồng, chỉ khoảng 7 chỉ vàng/m2 cũng là mức giá hợp lý. Giá trên không bị sốt ảo do lượng vốn đầu tư đất biệt thự không nhỏ, nên các “cò” nhà đất không dám “lướt cọc” để nhằm trục lợi, tăng giá như ở Đông Anh, hay Dương Nội”.
Khi được hỏi liệu giá đất đấu giá Gia Lâm có hạ thêm khi mà thị trường phía tây đang “đóng băng’ hay không, anh Túc nhận định: “Hầu hết người trúng đấu giá đợt cuối đã phải mua ở mức xấp xỉ 27 triệu đồng/m2, đây được xem là giá gốc nên không thể hạ hơn được. Vả lại, sau khi TP ban hành khung giá đất mới để làm cơ sở cho đền bù GPMB, nộp thuế trước bạ... thì có nơi đã tăng tới 40%.
Ngay cả khu vực huyện Gia Lâm, mức đền bù của Nhà nước đã lên tới 25 triệu đồng/m2 ở một số khu vực trung tâm thì đương nhiên, giá đất sẽ khó có cơ hội giảm thêm. Đó là chưa kể hàng loạt các con đường được đầu tư mới ở Gia Lâm đang được tiến hành”.
Tại trụ sở của Ban quản lý dự án đất đấu giá huyện Gia Lâm trên đường Cổ Bi, ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng ban quản lý cho biết, dự án 31ha Trâu Quỳ đã hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, rất nhiều người trúng đấu giá đã làm thủ tục nhận sổ đỏ và xin cấp phép xây dựng biệt thự.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động