Đất công ở TP.HCM bỏ hoang vì vướng lý do phi lý

Cập nhật 28/05/2018 09:04

Ở TP.HCM, có 320 địa chỉ nhà đất công phải thu hồi thì mới thu được 279 địa chỉ, trong đó khối 110 địa chỉ thuộc trung ương và 169 địa chỉ của khối thành phố.

Nguyên nhân thu hồi chậm là do các đơn vị sử dụng không đúng mục đích, công năng, như cho thuê một phần hoặc toàn bộ nhà đất, bị chiếm dụng một phần diện tích, đang có khiếu nại…

"Đất do trung ương quản lý, sợ thu hồi là mất hết"

Nhiều lãnh đạo cấp sở ở TP.HCM cho rằng đất do trung ương quản lý thì rất khó khăn để thu hồi, vì không thể tự quyết hay cưỡng chế theo đúng luật. Theo quy định, thu hồi đất do đơn vị trung ương sử dụng thì Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính chủ trì, khi kiểm tra rà soát thành phố phải phối hợp.

Không dễ thu hồi những khu đất thuộc trung ương quản lý là nguyên nhân khiến TP.HCM tồn tại nhiều đất công bỏ hoang. Ảnh: Lê Quân.

Theo ông Ngô Quang Vinh, Trưởng Phòng Công sản, Sở Tài chính TP.HCM, đối với những kiến nghị của quận, huyện phát hiện đất do trung ương quản lý sử dụng không đúng mục đích hoặc sai công năng, khi phản ánh tới UBND TP.HCM, thành phố phải kiến nghị lên Cục Quản lý công sản. Cục tổ chức kiểm tra thì mới phối hợp, ra quyết định thu hồi cũng xuất phát từ cơ quan này.

"Các đơn vị trung ương sợ thu hồi, vì thu hồi là mất hết. Bởi nếu bán đấu giá sẽ được cơ chế chia lại 7/3, hoặc quy định mới đây sau khi bán thành phố và đơn vị sử dụng sẽ được chia đôi. Đó là nguyên nhân thu hồi đất do các đơn vị trung ương quản lý khó khăn”, ông Ngô Quang Vinh nói.

Trước đó, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM đã nghe báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường về công tác quản lý, sử dụng và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Sở TN&MT cho biết các yếu tố lịch sử còn tồn tại trên đất đang gây khó khăn rất nhiều cho công tác quản lý, thu hồi. Đây cũng là lý do khiến việc thu hồi đất kéo dài trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: “Ban chỉ đạo giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và yêu cầu xử lý nhanh, để tạo nguồn cho thành phố thì lại vướng nhiều bất cập. Trong đó, những tồn tại lịch sử như giao đất không đúng thẩm quyền trước đây, khiến hộ dân hay cán bộ công chức ở trong khu đất này quá lâu, giờ rất khó xử lý đúng pháp luật”.

Theo Thông tư 83/2007 của Bộ Tài chính, thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà đất. Chi phí hỗ trợ di dời (nếu có) xác định theo quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ của địa phương.

Đất công thành bãi rác, phủ cỏ dại trên đường Kinh Dương Vương Trong khi công trình công cộng thiếu đất để xây dựng thì trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM), chỉ đoạn đường hơn 1 km đã có 4 khu đất rộng hàng nghìn ha bỏ hoang.
Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý sử dụng đất này chỉ bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất theo hiện trạng. Không có phương án nào để di dời gia đình, cá nhân đang sinh sống theo quy định nêu trên.

“Chủ trương của thành phố là mong muốn có nguồn đất lớn để đầu tư hay đấu giá, nhưng việc di dời các hộ dân đang vướng về thủ tục. Cụ thể là thực hiện Quyết định 23 về di dời của UBND TP.HCM lại không có điều chỉnh Quyết định 09 của Thủ tướng, nên rất khó để giải quyết”, ông Thắng chia sẻ.


Hiện trạng trên đất vẫn đang là bài toán khó đối với cơ quan chức năng trong việc thu hồi. Ảnh: Lê Quân

Vướng nhiều lý do phi lý

Mới đây, tại buổi giám sát về quản lý sử dụng đất công của Đoàn đại biểu HĐND TP.HCM, ông Bùi Thanh Tân, Phó chủ tịch UBND quận 4, cho biết trên địa bàn tồn tại 4 trường hợp hết sức phi lý, là các tổ chức kinh tế thuê đất công, không còn sử dụng mặt bằng phục vụ cho việc kinh doanh kéo dài cả chục năm nay nhưng quận không thể xử phạt hoặc thu hồi được. Nguyên nhân là đang thực hiện thủ tục phá sản tại tòa.

Cụ thể, khu đất số 131 Nguyễn Khoái do Công ty nuôi trồng thủy sản sử dụng, TAND TP.HCM đã mở thủ tục phá sản từ tháng 7/2005, đến nay công ty vẫn sử dụng mặt bằng và đem cho thuê lại.

Hay khu đất 219B Tôn Thất Thuyết, do Xí nghiệp chế biến xuất nhập khẩu Chiến Thắng sử dụng, TAND TP.HCM mở thủ tục phá sản vào tháng 10/2005; khu đất số 26-34 Lê Văn Linh do Công ty xây lắp công nghiệp sử dụng, mở thủ tục phá sản vào tháng 8/2006; khu đất số 3 Tôn Thất Thuyết do Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn đang sử dụng cho thuê, mở thủ tục phá sản vào năm 2013.

Thậm chí có trường hợp Công ty cổ phần xây lắp III - Petrolimex, trực thuộc Bộ Công Thương, thuê khu đất 800 m2 ở 232 Nguyễn Tất Thành hết hạn thuê từ năm 2015, nhưng chưa trả mặt bằng. UBND TP.HCM đã 2 lần gửi công văn cho Bộ Công Thương để đòi đất, nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn không trả lời.

Ngoài ra, công tác thẩm định giá được các đơn vị liên quan cho là quá khó khăn, khi còn ràng buộc bởi nhiều quy định.

Ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng phòng Tài chính vật giá, Sở Tài chính, cho biết trước Luật Đất đai 2013, việc thẩm định giá có thể dựa vào thông tin thu thập trên thị trường, gồm có thông tin đã giao dịch thành công hoặc những thông tin đang chào mua, chào bán vẫn được sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, công tác xác định phương án giá đất được chuyển từ ngành tài chính sang ngành TN&MT. Bộ TN&MT đã ban hành thông tư mới hướng dẫn việc thẩm định giá. Trong đó, phương pháp so sánh giá phải căn cứ vào 3 thông tin chuyển nhượng thành công trên thị trường.


Khu đất công gần 5.000 m2 ngay trung tâm quận 1 sau nhiều năm bán rẻ vẫn là bãi giữ xe, không có hoạt động đầu tư. Ảnh: Lê Quân.

“Sau khi Bộ TN&MT ban hành thông tư này thì việc thẩm định giá gặp rất nhiều khó khăn. Sau này Bộ TN&MT có ban hành thêm văn bản điều chỉnh một số nội dung nhỏ, tháo gỡ được phần nào cho quá trình thẩm định giá, nhưng việc phải tìm ra 3 thông tin chuyển nhượng thành công trên thị trường là rất khó”, ông Hướng nói.

Một bất cập nữa là quy chế đấu giá đang rối với nhiều đơn vị có thể tiến hành thủ tục đấu giá đất, gây chồng chéo và thất thoát.

Theo Sở Tài chính, TP.HCM có 12.832 địa chỉ nhà, đất công. Thành phố quản lý hơn 10.800 địa chỉ, còn lại là do các cơ quan trung ương quản lý. Trong số này có hơn 7.900 địa chỉ tiếp tục sử dụng, 320 địa chỉ phải thu hồi và gần 1.750 địa chỉ được duyệt bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cả hai khối trung ương và TP.HCM.

Thời gian qua đã bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 423/938 mặt bằng, thu được hơn 3.800 tỷ đồng. Bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức đang thuê 167/569 địa chỉ, thu gần 4.000 tỷ đồng.

Theo Sở Tài chính, trong số mặt bằng phải thu hồi có 41 trường hợp là rất khó thực hiện. Đa phần các địa chỉ nhà, đất này hiện sử dụng không đúng mục đích và sai công năng, hoặc không phù hợp quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing