Đất công, nhà ở công nhân sẽ nóng nghị trường

Cập nhật 10/07/2018 08:27

Bên cạnh việc thu hồi đất công bị thất thoát cần phải xử lý nghiêm, đại biểu HĐND TP HCM đề nghị chính quyền phải mạnh tay xử lý cán bộ làm sai

Kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-7. Tại kỳ họp này, dự kiến một nội dung gây "nóng", bức xúc trong dư luận thời gian gần đây sẽ được đưa ra "mổ xẻ". Đó là hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP, trọng tâm là tài nguyên đất do nhà nước quản lý. Đó là xây dựng nhà ở xã hội và chỗ ở cho công nhân.

Phải minh bạch đất công

Theo UBND TP, kết quả giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất vẫn chưa đạt kế hoạch sử dụng đất. Sau khi được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích vẫn còn nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng… ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất. "Thực tế, thời gian qua, nhiều mặt bằng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã được giao quản lý sử dụng nhưng các đơn vị này bố trí cho CB-CNV ở, cho thuê kinh doanh, hợp tác kinh doanh sai mục đích, trái quy định" - báo cáo của UBND TP nhìn nhận.

Cũng theo UBND TP, trong niên độ 2016-2017, Thanh tra TP, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều cuộc thanh - kiểm tra, qua đó phát hiện có 86 mặt bằng sử dụng sai phạm. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến từng cho rằng trước hết là quản lý không chặt, còn biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào quản lý trực tiếp của đơn vị, xử lý không nghiêm và đến giờ vẫn vậy. Có đơn vị tùy tiện trong việc chuyển nhượng, cho thuê. Đây chính là tiền đề dẫn đến những sai phạm trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc chậm triển khai quy hoạch đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm rồi những sai phạm trong quá trình giao đất dẫn đến khiếu nại của dân.


Trung tâm Hội nghị CLB Văn hóa Phú Lâm (thuộc Công viên Phú Lâm, quận 6) trước đây vốn là nhà hàng tiệc cưới Sun Palace bị cơ quan chức năng tuýt còi vì sử dụng sai mục đích Ảnh: GIA MINH

Trong khi đó, đại biểu HĐND TP cũng nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, cho biết giá cho thuê nhà công hiện nay mỗi đơn vị làm một kiểu. "Một số đơn vị áp dụng đơn giá cho thuê từ năm 1994, có đơn vị lại căn cứ theo giá thị trường, có nơi lại đấu giá. TP sẽ xử lý như thế nào?" - ông Danh đặt vấn đề.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung nói rằng nhiều công viên cho thuê sử dụng không đúng công năng. Một số đơn vị hiện nay có diện tích đất tương đối lớn như Công ty Cấp nước Sài Gòn cho một đơn vị thuê hơn 9.500 m2 ở đường Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình, trong khi nhu cầu quy hoạch xây dựng trường THPT của quận Tân Bình gặp nhiều khó khăn. Hay như địa chỉ số 10, 11 đường số 10, khu phố 3, phường Tân Kiểng, quận 7 với diện tích 5.800 m2 hiện nay bỏ trống rất nhiều. Vì vậy, TP nên bố trí đất dành cho giáo dục và công viên. "Với những địa chỉ sử dụng không đúng công năng như vậy, TP đã bảo đảm tiến độ thu hồi như thế nào?" - bà Nhung nói.

Đặc biệt, đại biểu Trần Xuân Điền cho rằng UBND TP nên có kế hoạch về tiến độ xử lý và giải quyết để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất trong thời gian tới. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Vũ Thanh Lưu nói để lãng phí, thất thoát tài nguyên đất mới thấy thu hồi tiền chứ cán bộ làm sai thì chưa xử lý.

Lo 35.000 chỗ ở cho công nhân cách nào?

Để tạo điều kiện cho công nhân an cư, UBND TP còn trình HĐND TP tờ trình về dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016-2025. Theo UBND TP, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP, gắn liền với việc chỉnh trang và phát triển đô thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Do đó, UBND TP đề ra mục tiêu là phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2020 của toàn TP là 19,8 m2/người, tổng diện tích nhà ở xây mới tăng thêm trong giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 sàn; đến năm 2025 là 22,8 m2/người, dự kiến tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 là 45 triệu m2 sàn. UBND TP tính toán để phát triển nhà ở đến năm 2020 là gần 317.000 tỉ đồng, đến năm 2025 là hơn 370.000 tỉ đồng.


9.000 m2 đất công bị bỏ hoang tại số 620 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) gây lãng phí lớn Ảnh: TẤN THẠNH

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, TP sẽ phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội (10.000 căn cho các đối tượng người thu nhập thấp và 10.000 căn cho các đối tượng tái định cư); 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân, tương đương 350.000 m2 sàn và 6.750 chỗ ở tập trung cho sinh viên, tương đương 74.000 m2 sàn.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND TP cho biết sẽ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975; đồng thời không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020 tại khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1 và 3). Bên cạnh đó, UBND TP cũng thực hiện nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trong đó sẽ công khai, minh bạch thông tin để dân biết, bàn và góp ý, tránh việc có nguồn nhà nhưng không đồng bộ hạ tầng xã hội nên dân không vào ở. Ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt cho các đối tượng rất khó khăn về nhà ở (người lao động nhập cư) được thuê, góp phần hạn chế việc xây dựng nhà không phép, trái phép ở các khu vực ngoại thành. Quản lý chặt chẽ việc sang nhượng đất đai, nhà ở.

Khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM

Kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX sẽ khai mạc vào sáng nay, 10-7. Kỳ họp kéo dài 3 ngày với các nội dung quan trọng như nghe báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018; báo cáo đánh giá việc giải quyết các kiến nghị cử tri của UBND TP.

Bên cạnh đó, UBND TP sẽ trình các tờ trình liên quan đến các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Ủy ban MTTQ TP sẽ thông báo về tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2018. Thường trực HĐND TP báo cáo chương trình hoạt động giám sát của HĐND năm 2019. Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả năm học 2017-2018 và công tác chuẩn bị năm học 2018-2019.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong ngày làm việc thứ ba là 12-7, được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
 

Ông Nguyễn Nho Trung làm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng

Cần Thơ: Thu hồi hơn 5 tỉ đồng sai phạm

Chiều 9-7, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã bầu ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, giữ chức Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng với 47/48 phiếu.

Các đại biểu cũng bầu ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng với 44/48 phiếu. Ông Lê Minh Trung, Hiệu trưởng Trường Chính trị TP Đà Nẵng, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng với 48/48 phiếu bầu.

HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua tờ trình miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đối với bà Phan Thị Thúy Linh và bầu bà Linh giữ chức Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng; miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND TP Đà Nẵng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, do nghỉ hưu theo chế độ.

Sáng cùng ngày, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018 của UBND TP Cần Thơ tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, nêu rõ TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện 108 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 56,8% kế hoạch. Qua thanh, kiểm tra đã thu hồi hơn 5 tỉ đồng từ các đơn vị vi phạm; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 3 tập thể và 19 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ, 4 người. Đồng thời, đã ban hành 743 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,78 tỉ đồng. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra đã thụ lý 4 vụ với 4 bị can, đã giải quyết 1 vụ. TAND 2 cấp thụ lý 3 vụ với 3 bị cáo, đã giải quyết được 2 vụ.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ