Do giá vàng liên tục biến động, dẫn đến nhiều giao dịch nhà phố bị “bể kèo”, trong khi đó nguồn tiền vẫn tiếp tục đổ vào đất nền.
Đó là nghịch lý hiện nay của thị trường nhà đất TPHCM. Giá vàng tăng giảm như chong chóng đang làm khổ người bán lẫn người mua bất động sản (BĐS). Trước tình thế này, khá nhiều khách hàng buộc phải chuyển đổi hình thức niêm yết bán nhà từ vàng sang tiền đồng hoặc ngoại tệ để bảo đảm tính thanh khoản.
Chết ở phút 89
Khi giá vàng lên mốc 21,7 triệu đồng/lượng SJC thì những thương vụ lớn phải hết sức cân nhắc, đó là tâm lý chung của khách hàng tham gia thị trường BĐS. Qua ghi nhận tình hình giao dịch tại một số sàn BĐS trong hai tuần qua, nhiều giao dịch buộc phải hủy bỏ vào phút cuối, vì bên bán lẫn bên mua sợ rủi ro do khoản chênh lệch giá trị khi chuyển đổi từ vàng sang tiền hoặc ngược lại. Những trường hợp “bể kèo” này dân môi giới thường so sánh liên tưởng với những trận cầu mà phần thắng tưởng như đã thuộc về mình, song cuối cùng lại “chết” ở phút 89.
Được giới thiệu khu đất đẹp có diện tích 1.800 m2 ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh để xây dựng chung cư hoặc văn phòng cho thuê, thế nhưng ông Q., giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc khá nổi tiếng ở TPHCM, phải lưỡng lự khi chủ nhà yêu cầu chọn phương thức thanh toán bằng vàng.
Khi chủ đất đưa ra con số tham khảo là 9.000 lượng vàng SJC, ông Q. tính ngay: Nếu tính giá vàng vào thời điểm cao nhất là 21,7 triệu đồng/lượng, số tiền bỏ ra sẽ khoảng 195,3 tỉ đồng. Theo ông Q., trong khi cách đó vài ngày nếu hai bên cùng ra công chứng mua bán vào thời điểm giá vàng nằm ở khoảng 19,5 triệu đồng/lượng thì số tiền phải trả chỉ có 175,5 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn nếu chấp nhận phi vụ mua bán trên, công ty sẽ tốn một khoản tiền bù chênh lệch do vàng tăng giá lên đến 19,7 tỉ đồng. “Khi đặt cọc mua nhà, đến kỳ thanh toán, chỉ cần giá vàng tăng thêm 1 triệu đồng/lượng là coi như mất thêm 9 tỉ đồng - một con số không hề nhỏ”- ông Q. nói.
Không chỉ có những “đại gia” lớn mới khóc ròng vì vàng tăng giá, những người mua nhà phố cũng âu lo không kém khi giá vàng nhảy múa. Đơn cử như trường hợp chị H., sau khi bỏ ra 3 tuần để chọn lựa căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Trãi, quận 5 giá 800 lượng vàng, chị H. đành bỏ cuộc chơi bởi nếu tiếp tục thương vụ chị phải chi thêm ít nhất 1,6 tỉ đồng.
Số là khi chọn được nhà giá vàng chỉ có 19,5 triệu đồng/lượng, còn khi tính đặt cọc thì giá vàng nằm ở mức 21,5 triệu đồng/lượng. Một trường hợp ghi nhận tại sàn ACBR, anh N. mua căn nhà hẻm trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, giá 105 lượng vàng nhưng đã phải mất hơn một tháng trời mới hoàn tất thương vụ.
Người khách này cho hay, tính từ lúc thương lượng cho tới khi tất toán, giá vàng ở mức 19,6 triệu đồng đã vọt lên 21 triệu đồng/lượng. “Nếu không vì ưng ý căn nhà và chuẩn bị sẵn tâm lý chấp nhận giá vàng biến động mạnh thì tôi đã buông vụ mua bán này” - anh N. nói. Sự việc càng làm điên đầu cho khách hàng hơn, khi giá vàng dao động hằng ngày với biên độ quá lớn, đôi khi chỉ ngày hôm trước, hôm sau giá vàng đã có mức chênh lệch gần 230.000 đồng/lượng.
Giao dịch èo uột vì vàng
Ngày 3-6, dạo quanh các sàn giao dịch BĐS, chúng tôi nhận thấy một số sàn BĐS đã chuyển từ niêm yết bằng tiền đồng sang bằng vàng hoặc niêm yết cả hai giá song song. Theo anh Hồng Long, một nhân viên môi giới tại quận 6- TPHCM, cho biết hiện nhiều khách hàng dù rao bán nhà bằng tiền, nhưng khi chốt giá cho bên mua lại quy đổi sang vàng.
Giải thích về việc này, anh Long cho rằng nguyên nhân là do khách hàng lo vàng tăng giá, nên cầm vàng là an toàn hơn. Còn qua số liệu thống kê của sàn ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu - nơi có tỉ lệ rao bán địa ốc bằng vàng lớn nhất TPHCM - lượng giao dịch nhà đất bằng vàng từ nửa cuối tháng 5 đến nay đã giảm 15% so với hồi đầu tháng.
Cụ thể, tính từ ngày 15 đến 31-5, trong 29 cuộc mua, bán nhà đất thành công tại sàn, chỉ có 7 giao dịch bằng vàng, chiếm 24%, số còn lại đều bằng tiền đồng. Phần lớn các cuộc mua bán nhà đất thành công bằng vàng trong 2 tuần qua đều có giá trị trung bình dưới 100 lượng, tương đương 2 tỉ đồng trở xuống, chiếm trên 85% tổng số giao dịch bằng hiện kim, trong đó căn nhà có giá bán bằng vàng giao dịch thành công lớn nhất là 250 lượng, tức trên 5 tỉ đồng.
Điều này cho thấy những căn nhà có giá trị lớn niêm yết bằng vàng đang trở nên kén khách hơn, trong khi trước đó thời kỳ giá vàng chưa vượt mốc 21 triệu đồng/lượng, tỉ lệ giao dịch nhà phố bằng vàng tại đây thường đạt trên 35%. Theo một nhân viên môi giới tại sàn BĐS ACBR, giá vàng biến động đã khiến những căn có giá 500 lượng trở lên càng khó giao dịch hơn.
Việc giá vàng tăng khiến cơ hội mua được nhà ở của người dân ít tiền lại càng xa tầm tay. Nếu giá vàng vẫn biến động thất thường thì nhiều hợp đồng mua, bán nhà chắc chắn sẽ không thể thực hiện được. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), lo ngại giá vàng tăng ảnh hưởng thêm đến thị trường BĐS hiện đang khá ảm đạm.
Tuy trước mắt chỉ có nhà phố trong khu dân cư hiện hữu mới gặp phải trở ngại khi giá vàng lên xuống liên tục, còn nhà chung cư, đất nền dự án, nhà biệt thự hoặc nhà phố mới xây do được niêm yết giá bán bằng tiền đồng, nên việc giao dịch không bị ảnh hưởng trực tiếp khi giá vàng có biến động nhưng lại vướng rào cản do tâm lý khách hàng.
Chuyển từ vàng sang tiền đồng
Ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc ACB (ACBR), cho biết mua, bán nhà bằng vàng là thói quen rất lâu đời của người Sài Gòn. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, do giá vàng trong nước trải qua nhiều biến động nên tỉ lệ mua, bán nhà tính theo đơn vị lượng vàng ngày càng giảm, chiếm 50-50 so với giao dịch bằng tiền đồng. Việc giá vàng tăng cao đã khiến giao dịch nhà cá thể bằng hiện kim trở nên ì ạch và khó khăn hơn so với trước đây rất nhiều. Chính vì thế, việc mua, bán nhà sẽ có chiều hướng niêm yết giá mua, bán từ vàng sang tiền đồng sẽ tăng mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động