Đất Ba Vì - lặng hơn cả chợ chiều

Cập nhật 11/06/2010 10:40

Dù đã biết những thông tin đất Ba Vì hết sốt, đất Ba Vì xuống giá… nhưng khi có mặt tại đây sáng 9/6, nhóm phóng viêng cũng không thể tin nổi lại có thể tĩnh lặng đến thế.


Sau một tuần, giá đất ở Ba Vì đã giảm hơn 30%.

Mua đất à? bác đừng lừa chúng em!


Chạy xe chầm chậm suốt quãng đường hơn 7km từ cây xăng Tản Lĩnh qua xã Vân Hoà, nông trường Việt Mông đến xã Yên Bài, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mới cách đây chưa đầy 3 tuần, chỉ cần thấy bóng xe ôtô, các cò đất đã đua nhau chạy túa ra bám theo xe mời gọi cứ như cảnh chèo kéo khách chùa Hương mùa lễ hội. Đó là chưa kể ở đoạn đường này cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua không dưới 100 chiếc bảng “Mua bán đất” viết vội trưng đầy đường.

Vậy mà, hôm nay, nơi đây tĩnh lặng đến lạ thường. Chúng tôi có cảm giác nơi đây tĩnh lặng hơn cả trước khi “cơn bão sốt đất” đi qua bởi ánh mắt dò xét của người dân ven đường khi thấy một xe ôtô mang biển số lạ (Sài Gòn) chạy đến. Dừng xe bên một ruộng cỏ voi (cỏ nuôi bò sữa) ven đường đã được quây lô bằng một tường bao mới xây chỉ cao khoảng 50cm nằm cách trụ sở UBND xã Yên Hoà chưa tới 200m, tôi hỏi:

Chị ơi, tôi muốn mua một vườn trại khoảng 1.000m2 có đường ôtô vào được. Nhà có bán không hoặc biết ai bán chị chỉ dùm chúng tôi với?

Các bác cứ đùa em. Ai lại đi mua đất giờ này.

Chúng tôi mua làm vườn trại thật mà. Nghe nói giá xuống lắm rồi thì tôi mới dám đi tìm đất chứ cứ sốt như trước, làm gì có tiền mà mua.

Các bác mua thật không? - dừng tay liềm cắt cỏ, chị nhìn chúng tôi dò xét - Đừng có lừa em đấy nhé. Mấy ngày nay cũng có người hỏi nhưng đều hỏi bỏ đấy rồi đi...

Không nỡ nói dối người nông dân tên Nhung thật thà này, chúng tôi đành nói rõ mục đích của mình. Khi biết chúng tôi là nhà báo, chị thật thà:

Ở Yên Bài rất nhiều nhà đã bán đất. Ngay mảnh ruộng hơn 3 sào mà em đang trồng cỏ voi cũng đã bán từ sau Tết Canh Dần với giá 70 triệu đồng/sào. Lúc cao điểm, ở đây đất lên đến 300 triệu đồng/sào khiến người dân tiếc đứt ruột. Nhưng bây giờ giá đất nghe nói chỉ chưa đến 200 triệu/sào mà chẳng có ai mua.

Thế khi bán đất, chị có ra xã làm giấy tờ mua bán không?

Đất 50 năm, có sổ đỏ đâu mà làm giấy!

Chia tay chị Nhung, tôi vẫn nhớ câu chuyện với một cán bộ Văn phòng UBND huyện Ba Vì vào đầu tháng 6. Anh bảo đất Ba Vì vẫn còn tiềm năng vì anh tính nếu giá cao nhất là 300 triệu đồng/sào tức là vẫn chưa đến 1 triệu đ/m2. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi anh có mua mảnh nào không thì anh cười bả “Dại gì mà lao vào đó, không khéo mình làm cán bộ ngay huyện này lại dính bẫy của cò thì...”. Còn ông Nguyễn Xuân Giúp - Chủ tịch UBND xã Yên Bài ngao ngán nói: “Đúng là người dân có bán đất thật. Họ bán để trả nợ, bán để xây nhà, bán để chia tiền cho con cái. Nhưng, người dân bán thì rất rẻ mà chủ yếu cò mua đi bán lại mới ăn lãi. Giờ đất lại rẻ bằng nửa lúc sốt rồi, có bán cũng chẳng ai mua”.

“Bão” đi qua - hậu quả sẽ nặng nề


Rời khu vực “trung tâm hành chính mới” theo như đồn đại, khi đến Ba Trại, một trong những xã cũng bị cuốn vào cơn sốt ảo vừa qua, cảnh chợ chiều còn cám cảnh hơn. Vẫn còn nhiều người dân sáng sáng vào quán cháo lòng tiết canh rồi ra đầu đường đón “khách Hà Nội” về mua đất mà quên việc đồng áng nhưng đổi lại họ chẳng mua bán được gì. Tiếp chúng tôi sáng sớm hôm qua (9/6), Chủ tịch UBND xã Ba Trại - ông Đinh Công Sử cho biết, cơn lốc mua bán đất đi qua nhanh quá khiến xã không biết làm gì. Nghe nói có cả trăm vụ mua bán nhưng toàn là viết tay, mua bán chui. Ông Sử kể: Đầu tháng 5 có một thanh niên hớt hải cầm sổ đỏ vào nói “Chú xác nhận vào đây cho cháu để cháu bán đất”. Khi ông hướng dẫn nếu bán phải làm thủ tục theo hướng dẫn của địa chính xã, ra huyện nộp thuế... Chưa nói hết câu nó đã chạy thẳng. Trước cửa UBND xã, mấy cái ôtô đời mới đợi sẵn.

Liệu các trưởng, phó thôn có xác nhận vào giấy viết tay cho họ không?

Cái đó thì tôi chưa nắm được nhưng xã xác nhận bằng dấu đỏ thì không có trường hợp nào - ông Sử trả lời - Hàng tuần giao ban chúng tôi đã quán triệt đến từng thôn không được làm sai pháp luật và tuyên truyền người dân không nên bán đất sản xuất. Còn nếu trưởng, phó thôn hay ngay cả tôi (ông Sử xác nhận - PV) mà không có dấu đỏ thì cũng không có giá trị.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Hiện có thể khẳng định cơn sốt đất tại Ba Vì đã hoàn toàn tan. Về các giao dịch mua bán bằng giấy viết tay, ông Hải khẳng định: “Từ khi có tin sốt đất, huyện đã tổ chức họp, rồi liên tục gọi điện nhắc nhở cán bộ các xã nhưng giao dịch hầu hết là ngầm, thậm chí mua bán rất nhanh nên không thể kiểm soát nổi. Tôi khẳng định, khi mua bán, nếu không có xác nhận của chính quyền, các giao dịch đó sẽ không có giá trị”.

Được biết, UBND huyện Ba Vì đã thành lập một tổ công tác rà soát việc vi phạm đất đai trên địa bàn một số xã như Yên Bài, Vân Hòa, Ba Trại, Tản Lĩnh để xử lý trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, một cán bộ huyện Ba Vì giấu tên không khỏi lo lắng. Ông này cho rằng, sẽ có nhiều tranh chấp giữa các chủ đất với người dân sở tại khiến chính quyền địa phương lúng túng bởi trình độ của cán bộ các xã vùng núi chưa cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải hẹn sẽ trả lời báo Xây dựng vào một buổi làm việc khác.

Cảnh báo với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho rằng chuyện giá cả đất đai tăng ở khu vực phía tây Hà Nội, nguyên nhân cơ bản có thể là do “làm giá”, kích cầu ảo, mua đi bán lại trong giới đầu tư với nhau.Hiện nay toàn bộ khu vực phía tây đang có dự kiến quy hoạch. Nhưng đó là dự kiến, quy hoạch chi tiết mới quan trọng. Do vậy, người dân khi mua bán, chuyển nhượng mà không phù hợp với quy hoạch chi tiết thì một mặt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mặt khác dễ “tiền mất tật mang”. “Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ đã kiến nghị cần có những biện pháp kiểm soát mạnh hơn. Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, tình hình chuyển nhượng thì cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, tung tin thất thiệt, lừa đảo kiếm lời bất chính” - ông Hà nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng