Đánh thuế tiền tiết kiệm: "Gậy ông đập lưng ông"

Cập nhật 03/03/2013 07:25

Nếu có đánh thuế tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên người dân sẽ hạn chế gửi tiền, ngân hàng gặp khó khăn trong huy động vốn, không có nguồn vốn cho vay, lúc đó, bất động sản cũng  không cứu được, còn làm “đóng băng” thêm.

Ông Ngọc Quang, Công ty đầu tư Xây dựng nhà HN cho rằng, việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với những người có tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên không khả thi. Thứ nhất, về phía người bị đánh thuế vẫn có thể “lách” được là người ta sẽ chia nhỏ số tiền ra để gửi nhiều ngân hàng khác nhau. Như vậy, không ai kiểm soát được và nếu có đánh thuế thì cơ quan quản lý cũng không thể kiểm soát và đánh thuế được.

"Chẳng hạn, giả sử người ta có 1 tỷ đồng thì họ sẽ chẻ ra làm 3 – 4 lần, chỉ khoảng 200 – 300 triệu đồng gửi các ngân hàng khác nhau, sẽ tránh được bị đánh thuế. Nếu kiến nghị giảm xuống còn 300 triệu sẽ bị đánh thuế thì người ta còn chẻ nhỏ ra hàng 5 -7 lần để “lách’ thuế, thậm chí tên vợ, tên chồng mỗi người gửi một nơi nếu số tiền đó lớn. Như vậy rất khó khả thi".

"Thứ 2, nếu Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, việc đánh thuế nhằm mục đích tháo gỡ cho thị trường BĐS và sản xuất kinh doanh, 10 người chỉ có vài ba người có tầm tiền 500 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, không phải ai có ngần ấy tiền cũng nghĩ đến đầu tư mua nhà đất, mà đề xuất chính sách ấy để bắt người ta đầu tư vào BĐS. Thậm chí, nếu người dân có 500 triệu đồng, cũng không đủ để mua một căn hộ với giá nhà đất hiện nay. Như vậy, mục đích đánh thuế để cứu thị trường BĐS cũng không khả thi".


Theo ý kiến các DN BĐS việc đánh thuế gửi tiết kiệm sẽ càng làm thị trường BĐS "đóng băng" thêm. Ảnh N.H

Theo ông Quang, phần đông những người có nhu cầu về nhà ở đều không có tiền, và nếu đánh thuế, nhiều người sẽ không gửi tiền. Ngân hàng không huy động được vốn cho DN vay sản xuất kinh doanh, xây dựng, người dân mua nhà… thì chẳng khách gì chính sách mới “đá” chính sách trước đây.

Cùng qua điểm đó, đại diện một DN bất động sản ở Hà Nội còn cho rằng, để cứu thị trường bất động sản chúng ta có nhiều phương án. Đâu phải vì cái phương án đánh thuế đối với người gửi tiền từ 500 triệu đồng trở lên mới cứu được BĐS.

Hiện chúng ta đang khuyến khích người dân với tiền gửi tiết kiệm, thậm chí mua trái phiếu… mục đích là có dòng tiền. Từ kênh này, ngân hàng sẽ chuyển vốn cho nền kinh tế và cho các DN bất động sản để hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Nhưng giờ chỉ vì BĐS mà chúng ta lại quay trở lại đánh thuế thì khác nào lấy lợi ích của cả đất nước để phục vụ mục đích chỉ để cứu bất động sản?".

Thêm vào đó, nếu có đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, người dân sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà tìm cách khác giữ tài sản riêng, chưa kể những người đang gửi tiền họ sẽ rút ra vì sợ bị đánh thuế. Kéo theo ngân hàng gặp khó khăn trong huy động vốn, thậm chí phá sản… vì không có nguồn vốn người dân gửi và cho vay. Ngân hàng không có nguồn vốn cho DN người dân vay, lúc đó, bất động sản cũng không cứu được mà còn làm “đóng băng” thêm… chưa kể nếu thực hiện chính sách này, nó còn tác động đến cả hệ thống tài chính, chứng khoán, giá vàng.

"Bên cạnh đó, đâu phải ai có tiền cũng “giỏi” để đầu tư vào sản xuất kinh, vào nhà đất… Vì mỗi người một mục đích khác nhau, để gửi tiết kiệm, mà Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị đánh thuế là thiếu thực tế, đây là một đề xuất cực kỳ “tối kiến”, đại diện một DN bất động sản ở Hà Nội nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet