Thị trường bất động sản vốn đã nóng sẽ còn nóng thêm nữa khi chính sách thu thuế lũy tiến đối với nhà, đất trở thành hiện thực.
Ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:
Thuế cố định ưu việt hơn
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
tỏ ý lo ngại khi được biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ chức năng nghiên cứu, ban hành thuế lũy tiến đối với nhà, đất.
Bản thân tôi cũng cho rằng thuế lũy tiến nếu thành hiện thực sẽ là liều thuốc quá mạnh, có khả năng gây ra thêm khó khăn cho thị trường. Bởi lẽ thị trường bất động sản đang bị chi phối bởi các nhà đầu tư thứ cấp chiếm giữ tới 60%-70% lượng hàng. Góp phần kết nối bên bán và bên mua, các nhà đầu tư thứ cấp đã làm cho thị trường sống động hơn. Nếu vì sợ thuế, các nhà đầu tư thứ cấp vội vàng bung hàng ra thì không khéo thị trường lại đóng băng, gây tổn hại tới nền kinh tế.
Theo tôi, ta nên học tập cách làm của các nước láng giềng có nền kinh tế tương đồng hoặc phát triển hơn một chút. Điển hình như Singapore áp dụng thuế cố định, người mua nhà để ở chịu thuế 4%, mua nhà nhưng không ở phải đóng thuế 12%. Ở Việt Nam có thể đánh thấp hơn một chút. Việc đánh thuế cố định sẽ giúp thị trường đỡ xáo trộn, không xảy ra việc móc ngoặc giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhằm trốn thuế.
Ngoài ra, điểm mấu chốt khiến giá nhà, đất lên cao là nguồn cung trên thị trường đang thiếu trong khi nguồn cầu tăng cao. Để tăng nguồn cung, nhà nước cần rút gọn những thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiêu khê, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: Người đầu cơ không có tội Giá nhà, đất đang tăng cao đến nóng mặt. Để khắc phục tình trạng này, nhà nước đang tính đến việc áp dụng công cụ thuế. Liệu giá bất động sản có tăng hơn nữa do phải “cõng” thêm mức thuế? Nếu chính sách thuế không phù hợp thì thị trường không những không dịu bớt mà còn nóng thêm.
Có ý kiến cho rằng nên đánh thuế lũy tiến để chống đầu cơ. Tôi không tán thành như thế vì theo tôi, những người đầu cơ không có tội. Khi nguồn cung khan hiếm, nếu biết tích trữ, đợi thời điểm thuận lợi để tung nguồn hàng ra bán thì sẽ được lợi và cách kinh doanh này không có gì sai trái.
Hiện nay, để một dự án đi được vào thực tế thì doanh nghiệp mất trung bình ba, bốn năm. Sở dĩ dài như thế vì có rất nhiều thủ tục nhiêu khê mà ai cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thời gian ấy cũng góp phần vào việc tăng giá nhà, đất. Để “hạ nhiệt” bớt thì nhà nước cần giản lược thủ tục sao cho thông thoáng hơn chứ không nên đánh thuế lũy tiến.
Nhà nước cũng cần chú ý giải quyết sức nóng của thị trường bằng cách giải bài toán cung-cầu. Nhà ở có phân khúc thị trường rất rõ ràng và nhà nước không cần điều tiết những căn hộ cao cấp, bởi loại hình này chỉ chiếm một lượng nhỏ và cũng không có nhiều người có đủ khả năng mua. Điều nhà nước cần làm là làm ra nhiều sản phẩm cho người có thu nhập thấp. Nếu nguồn cung tăng cao thì tất yếu giá nhà, đất sẽ giảm.
Ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn-Gia Định: Nên để thị trường tự vận động Theo tôi, nhà nước hãy để thị trường bất động sản vận động theo cơ chế thị trường dựa vào các quy định hiện hành, hạn chế sự can thiệp bằng các quy định mang tính hành chính, áp đặt. Tại sao khi nóng thì chính quyền mạnh tay can thiệp, còn lúc lạnh lại để cho doanh nghiệp tự bơi? Bốn năm qua, khi thị trường “đóng băng”, chẳng phải các doanh nghiệp đã phải tự thân xoay sở đó sao?
Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ông
Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng. Nếu ta thêm chi phí vào sản phẩm thì e rằng giá nhà, đất sẽ tăng cao, trái với mong muốn chủ quan của nhà nước. Chúng ta cứ nói mãi “thị trường nhà, đất như một con ngựa bất kham”.
Vậy vai trò của “nài ngựa” là ở đâu? Tôi cho rằng nhà nước cần quan tâm nhiều đến nhà cho thuê, nhà trả góp, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp và dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này. Đó cũng là một cách “trồng hoa hồng để lấn át cỏ dại” trong tình hình sôi động của thị trường địa ốc hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Phát Đạt: Cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng Dù Chính phủ chỉ mới giao cho các cơ quan chức năng xem xét việc áp dụng chính sách thuế lũy tiến đối với bất động sản nhưng nhiều nhà đầu tư đã hết sức hoang mang, lo lắng. Việc kinh doanh tới đây có khó khăn hơn vì lợi nhuận sẽ ít hơn? Tôi đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ và sớm có quyết định hợp lý để các nhà đầu tư yên tâm tham gia thị trường.
Đồng ý là Chính phủ cần có những biện pháp can thiệp phù hợp để thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh và đúng hướng. Song bản thân thị trường này cũng có những cơ chế tự điều tiết riêng. Nếu chính sách thuế không hợp lý thì nhà nước sẽ không tạo ra được những điều kiện thuận lợi để tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường.
Theo Pháp Luật TP.HCM