Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Người làm chính sách phải biết "khoan sức dân"

Cập nhật 17/04/2018 08:59

Ở các quốc gia khác, giá nhà gấp 4 - 5 lần so với thu nhập bình quân của người dân. Nhưng ở Việt Nam, khoảng cách này là gấp 20 - 25 lần. Đó là một quá trình dài làm việc, tích lũy, khi mua cũng phải vay mượn. Việc áp một mức thuế suất cao như vậy sẽ gây khó khăn cho người dân.

Người dân sẽ “xoay” thế nào nếu phải nộp thuế tài sản

Vừa dành dụm, vay mượn mua được mảnh đất hơn 40m2 trong một con ngõ ở phố Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng chưa có tiền xây nhà nên vợ chồng anh Nguyễn Minh Quân, chị Đặng Kim Anh vẫn phải ở tạm căn nhà cấp 4 do chủ cũ để lại. Vợ chồng anh dự tính vài năm nữa, khi trả hết nợ mua đất sẽ lại tích cóp, vay mượn để xây nhà.

Nghe thông tin Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế tài sản, vợ chồng anh vội ngồi tính toán xem mình sẽ phải đóng thuế khoảng bao nhiêu. Theo tính toán, với bảng giá đất ở vị trí anh ở vào khoảng hơn 11 triệu đồng/m2 thì hơn 40m2 anh mua sẽ có giá trị vào khoảng 500 triệu đồng . Nhân với thuế suất thuế tài sản là 0,3-0,4% thì mỗi năm riêng thuế đất gia đình anh phải nộp khoảng 1,5-2 triệu đồng.

Trường hợp nếu gia đình anh xây nhà 3 tầng thì diện tích sàn vào khoảng 120m2, nhân với giá bình quân xây dựng nhà do Bộ Xây dựng ban hành 7,3 triệu đồng/m2 thì giá trị nhà của anh vào khoảng gần 900 triệu đồng. Như vậy, nếu ngưỡng tính thuế là 700 triệu thì phần phải nộp thuế đối với nhà của gia đình anh sẽ là gần 200 triệu đồng, nhân với thuế 0,3-0,4% thì mỗi năm anh phải nộp vào khoảng 600 – 800 nghìn đồng.

“Như vậy, tổng thuế tài sản đối với nhà và đất gia đình tôi phải nộp mỗi năm là khoảng 2,1 – 2,8 triệu đồng. Nói thật, số tiền này không phải chúng tôi không nộp được và thấy thực sự vô lý. Vì để mua được đất, làm được nhà chúng tôi phải lao động cật lực, vay mượn khắp nơi, mỗi năm phải trả lãi ngân hàng hàng mấy chục triệu đồng chứ không phải giàu có gì mà nay lại bị tính thuế” – anh Quân bức xúc nói.

Tương tự như anh Quân, nếu với cách tính trên của Bộ Tài chính thì một phần lớn người dân có nhà ở Hà Nội sẽ phải nộp thuế tài sản. Dù rằng đa phần trong số họ đang phải vay mượn để mua nhà, đất.


Nhiều người dân phải vay mượn khoản tiền lớn mới mua được nhà (Ảnh minh họa)

Lý giải cho dự định thu thuế tài sản của Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng là do vẫn đề “cấp bách” của ngân sách Nhà nước. “Thu ngân sách năm 2017 và đặc biệt là những tháng đầu năm nay đang là vấn đề nghiêm trọng khi nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm đi một cách khủng khiếp. Từ mức thuế suất 20-30%,  nay nhiều mặt hàng chỉ còn thuế suất 0%, trong khi chi tiêu dù chắt bóp nhưng không hề giảm” – PGS Đinh Trọng Thịnh nói.

Do vậy, theo ông, thuế tài sản chắc chắn là một trong những nguồn thu phải tính tới.

Phải “khoan sức dân”

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc đánh thuế tài sản có cần thiết hay không trước hết, cần phải đặt câu hỏi mục đích ban hành chính sách thuế này là gì, tính toán thu như vậy liệu có đạt được mục tiêu không? Từ đây, mới có thể trả lời việc ban hành Luật Thuế tài sản xuất phát từ nhu cầu về nguồn thu ngân sách hay bảo đảm sự công bằng giữa người nghèo, thu nhập thấp với những người sở hữu nhiều tài sản lớn…

“Hiện nay, việc thu thuế tài sản ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển là một xu hướng, nhiều nơi đã áp dụng sắc thuế này. Song không phải nơi nào cũng áp dụng sắc thuế này” – ông nói.

PGS Ngô Trí Long cũng cho rằng, với mức chịu thuế theo tính toán của Bộ Tài chính, trong bối cảnh thu nhập bình quân của người Việt Nam còn thấp thì nhiều người sẽ khó đảm bảo được cuộc sống. “Người dân ở căn hộ chung cư vốn đã chịu rất nhiều loại chi phí rồi, giờ phải chịu thêm thuế tài sản nhà nữa tôi e họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ông nêu quan điểm.

“Làm một phép tính đơn giản, ở các quốc gia khác, giá nhà gấp 4 - 5 lần so với thu nhập bình quân của người dân. Nhưng ở Việt Nam, khoảng cách này là gấp 20 - 25 lần. Đó là một quá trình dài làm việc, tích lũy, sau đó khi mua cũng phải vay mượn bạn bè, người thân. Việc áp một mức thuế suất cao như vậy (từ 03 - 0,4%) tôi e sẽ làm thui chột ý định mua nhà của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản mới khôi phục lại trong 1, 2 năm gần đây” – vị chuyên gia phân tích thêm.

Vì vậy, ông cho rằng với thu nhập của người Việt Nam ở mức trung bình, trung bình thấp so với thế giới thì  người làm chính sách cần biết “khoan sức dân”, để người dân có tiền. Có như vậy mới kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất.

DiaOcOnline.vn - Theo ANTĐ