Bộ Tài chính vừa tiết lộ sẽ nghiên cứu việc tính thuế tài sản - một loại thuế trực thu, đánh vào những người sở hữu nhiều tài sản, những người sở hữu nhiều nhà (căn thứ hai trở lên sẽ bị đánh thuế) đã nhận được nhiều quan điểm khác nhau từ người dân.
![]() |
HoREA đề xuất 6 giải pháp đánh thuế bất động sản: - Không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá dưới 1 tỷ đồng, nhà cấp 4 trở xuống - Không thu thuế này đối với các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP.HCM dưới mức bình quân 10m2/người), nay mua thêm nhà thứ hai, thứ ba... nhưng tổng diện tích các căn hộ này dưới 200m2 - Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân - Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản - Cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho BĐS nhà ở - Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực, nhất là phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân để biết rõ người đang sở hữu nhà ở |
Ở Singapore, đánh thuế BĐS thứ hai rất cao, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên BĐS thứ hai lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với BĐS thứ ba. Ở Anh cũng vừa đánh thuế tài sản phụ trội lên BĐS thứ hai kể từ ngày 1/4/2016.
Theo đó, đối với BĐS thứ hai có giá trên 40.000 bảng Anh, người mua phải nộp thêm 3% so với mức thuế thông thường, nhà có giá trên 1,5 triệu bảng Anh thì mức thuế lên tới 15%, nhưng nếu bán nhà cũ trong vòng 3 năm kể từ khi mua nhà thứ hai thì lại được hoàn trả thuế đã nộp.
Tại Việt Nam, việc đánh thuế nhà ở thời điểm nào, tỷ lệ ra sao cũng được các chuyên gia và DN thảo luận. Có ý kiến cho rằng, đánh thuế tài sản, đặc biệt là đánh thuế BĐS thứ hai trở lên thì sớm muộn Việt Nam cũng sẽ theo thông lệ quốc tế, nhưng không nên áp dụng sắc thuế này trước năm 2020 vì thị trường BĐS hiện chỉ mới hồi phục sau thời gian dài đóng băng và nên chăng xem xét phương thức đánh thuế như ở Anh, với thí điểm ban đầu là 3%.
Trước đây, khi thị trường BĐS phát triển nóng như năm 2007, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh mức thuế sử dụng đất, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều BĐS, có nhà đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời hạn chế hiện trạng "thành phố ma, đô thị bỏ hoang".
Tuy nhiên, cái khó từng được đề cập khi đánh thuế những người sở hữu nhiều BĐS là việc xác định đâu là căn nhà thứ hai, thứ ba..., bởi để "lách luật", nhiều người đã chọn cách để người thân đứng tên hộ.
Việc đánh thuế lên người sở hữu căn nhà thứ hai trở lên ở góc độ nào đó nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giúp thị trường BĐS phát triển bền vững. Song, ở khía cạnh nhà phát triển BĐS, theo bà Nguyễn Thị Phước - TGĐ Công ty CP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal), hiện nay, mặt bằng giá cả trên thị trường BĐS đã tương đối ổn định, không ảo như trước đây nên sẽ hiếm có cơ hội cho tình trạng đầu cơ phát triển.
Hơn nữa, dù mỗi chủ đầu tư đã định vị khách hàng riêng, nhưng phần lớn đều nhắm đến nhu cầu ở thực, hay nói đúng hơn là người lần đầu tiên sở hữu nhà - nhóm khách hàng mục tiêu đang chiếm tỷ trọng khá lớn tại các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM.
Hiện nay DN BĐS đều có giá cạnh tranh về sản phẩm, chính sách thanh toán phù hợp nên người tiếp cận nhà ở đã được mở rộng, thay vì như trước thị trường nằm trong tay nhà đầu tư thứ cấp, chỉ cần một thay đổi nhỏ về chính sách nhắm vào nhóm khách hàng này cũng khiến DN "đứng ngồi không yên". Nếu sắc thuế lần này có lộ trình và mức độ phù hợp thì sẽ không gây nhiều xáo trộn cho thị trường, đại diện Vietcomreal nhìn nhận.