Bình luận về Dự án Luật thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Hiện mọi người cứ mải cãi nhau ngưỡng chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng nhưng không ai để ý là thuế đất mới tăng kinh khủng, gấp 10-13 lần. Đây mới là vấn đề nhưng không ai bàn luận đến".
Dự án Luật thuế tài sản vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. |
Thuế đất tăng gấp 10-13 lần!
Một bất cập trong việc xây dựng dự thảo Luật thuế được ông Vũ Đình Ánh chỉ ra là vấn đề tiếp cận hệ thống. Đó là trước khi đặt vấn đề về cải thiện, về đổi mới thuế thì cần phải đánh giá đầy đủ hệ thống thuế hiện nay.
"Ví dụ từ đề xuất đánh thuế tài sản là nhà và đất, ở đây thuế nhà khác còn thuế đất khác bởi nhà có giá trị giảm theo thời gian, chỉ có đất là tăng theo thời gian, thậm chí tăng rất nhiều. Trong khi quy hoạch không ảnh hưởng gì đến giá nhà nhưng giá đất thì khác. Tại sao chúng ta lại đánh lẫn lộn?", ông Ánh đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: "Mọi người cứ cãi nhau cái nhà 700 triệu đồng với 1 tỷ đồng, nhưng không ai để ý là thuế đất mới là kinh khủng. Từ 0,03% lên 0,3 đến 0,4%, tức là tăng đến 10-13 lần. Đây mới là vấn đề nhưng không ai bàn luận cả”.
Theo TS Vũ Đình Ánh, rõ ràng cách tiếp cận hệ thống đang có vấn đề, từ sắc thuế hiện tại, sắc thuế mới, thuế suất và cuối cùng là ngồi cãi nhau.
Trước đó, đóng góp ý kiến về Luật Thuế tài sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng cũng đồng nghĩa thuế suất tăng gấp 13 lần so với hiện nay, sẽ trở thành gánh nặng cho người sở hữu nhà ở thuộc diện chịu thuế.
Nguyên nhân là do mức sống của người dân nhìn chung còn rất thấp so với các nước khác. Bên cạnh đó, đề xuất áp mức thuế suất 0,3% với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cũng cao hơn 13 lần, dẫn tới khả năng có thể có những hộ gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc nộp thuế.
"Cứ nhằm vào thu ngân sách, bị phản đối là bình thường!"
Chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật Thuế tài sản nói riêng và việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế khác của Bộ Tài chính nói chung, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thừa nhận, thời gian gần đây có rất nhiều đề xuất về thuế do nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ có một nguyên nhân là tăng thu cho ngân sách theo như quan điểm của nhiều người.
“Có thể vì cách lý giải của Bộ Tài chính đều chỉ hướng vào việc ngân sách sẽ thu được thêm bao nhiêu, đã gây ra phản cảm rất lớn, thậm chí người dân chưa thể hiểu việc thay đổi chính sách thuế như thế nào, nhưng cứ nhìn như thế là người ta phản đối", ông Ánh nói.
Đồng thời cho rằng, nhiều khi sự phản ứng của xã hội là cảm tính. Giữa một bên là cảm tính, một bên là lập luận phát biểu khiên cưỡng về mặt lý thuyết đã tạo ra sự xung đột xã hội.
"Tôi cho rằng vấn đề này Bộ Tài chính phải cực kỳ cẩn trọng và rút kinh nghiệm”, ông Ánh nêu quan điểm.
TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều số liệu khác nhau về thu, chi ngân sách. Ngay cả gánh nặng GDP là bao nhiêu, mỗi người cũng đều có số liệu không giống nhau và dựa trên những căn cứ, lập luận khác nhau. Chính từ sự khác biệt đó đã dẫn đến những tranh luận triền miên.
“Bản thân Bộ Tài chính cũng cho một bức tranh khác nhau về ngân sách nhà nước. Tôi làm ở Bộ Tài chính hai mấy năm nhưng tôi cũng không thể hiểu được số liệu quốc tế với số liệu trong nước là như thế nào?
Mà nguy hiểm hơn, không chỉ số liệu khác nhau mà tôi quan sát còn thấy, trong cùng một báo cáo, ở chỗ này thì tăng thu ngân sách trên GDP nhưng chỗ khác lại thấy giảm thu ngân sách trên GDP, thế thì không thể hiểu được.
Điều đó cho thấy bức tranh thực tế về ngân sách hiện nay không biết ở đâu là đáng tin cậy”, ông Vũ Đình Ánh trăn trở.
Từ đó, vị chuyên gia kinh tế đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ phải cho thấy được bức tranh chính xác nhất về ngân sách nhà nước, về tài chính, khi đó mới giải quyết được những xung đột, tranh cãi hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí