Trước thông tin Chính phủ sẽ “hạ nhiệt” thị trường bất động sản (BĐS) bằng một loạt biện pháp cứng rắn trong đó nổi bật là đánh thuế lũy tiến BĐS. Nhiều doanh nghiệp lo ngại thuế này có thể khiến cho giá nhà đất tiếp tục leo thang và nếu không khéo có thể làm cho thị trường BĐS đóng băng.
Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty quản lý và tư vấn BĐS CBRE Việt Nam xoay quanh vấn đề nóng này.
* Là một người chuyên nghiên cứu về thị trường BĐS Việt Nam, ông có thể đưa ra nhận định của mình về thị trường này trong năm vừa qua cũng như xu hướng phát triển của nó trong năm 2008?
Thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đọan phát triển bùng nổ, có thể xem năm 2007 là một năm tiêu biểu với cảnh hàng trăm người xếp hàng, chen lấn nhau để mua các căn hộ cao cấp. Năm 2008, cơn bùng nổ này có thể sẽ tiếp diễn ở mảng văn phòng, căn hộ cho thuê cao cấp... Đơn giản là nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước quá cao, trong khi lượng cung không đáp ứng nổi.
Ông M. Townsend.
Theo tôi, thị trường BĐS Việt Nam hiện rất giống thị trường BĐS Trung Quốc cách đây 10 năm, tăng trưởng nóng với những diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng đây lại là một thị trường giàu tiềm năng
*
Trong danh sách các TP có mức giá thuê BĐS cao trên thế giới do công ty BĐS Cushman&Wakewfild (Mỹ) công bố mới đây, TPHCM được xếp ở hàng thứ 17. Điều này có thể xem là một nghịch lý nếu xét về môi trường sống và mức thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay không thưa ông? Theo tôi nghịch lý ở đây là so với mặt bằng của các nước Châu Á, mức thu nhập của người Việt Nam còn thấp, nhưng giá BĐS lại quá cao. Các chuyên gia cho rằng, giá BĐS Việt Nam hiện cao hơn Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ và có thể đuổi kịp Singapore và Hồng Kông trong tương lai. Điều này vô hình chung tạo ra một vấn đề nan giải cho Chính phủ: làm sao hạ giá đất để người lao động có thể mua được nhà cũng như lôi kéo được nhiều nhà đầu tư nước ngòai.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngòai nhờ công ty chúng tôi tìm các văn phòng cho thuê với giá cao, nhưng chúng tôi vẫn không thể tìm ra, họ đành phải chờ. Mà bạn biết đó, trong công việc kinh doanh nếu chờ quá lâu, nhà đầu tư sẽ rút lui và tìm một địa điểm khác để đầu tư ngay.
*
Để hạ nhiệt và chấn chỉnh thị trường BĐS, Chính phủ Việt Nam gần đây đã yêu cầu các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, đưa ra các sắc thuế đánh vào nhà đất, đặc biệt là thuế lũy tiến BĐS. Theo ông việc đánh thuế BĐS cần được thực hiện như thế nào, và liệu thuế BĐS có phải là giải pháp tốt cho thị trường hay không? Theo tôi, viêc đánh thuế lũy tiến BĐS sẽ có tác dụng ngay đối với thị trường BĐS. Tôi chưa biết tác dụng đó xấu hay tốt, nhưng điều đầu tiên có thể khẳng định thị trường nhà đất sẽ lắng dịu ngay vì tâm lý của các nhà đầu tư là muốn chờ đợi, nghe ngóng động thái của thị trường.
Theo tôi, trước khi đưa ra một sắc thuế nào đó, Chính phủ Việt Nam nên tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành, tham khảo kinh nghiệm, mô hình của các nước có thị trường BĐS tương tự. Như vậy, khi luật đưa ra sẽ ít gây sốc cũng như đi vào thực tiễn hiệu quả hơn.
Theo tôi, thuế BĐS chỉ là một trong những công cụ giúp Chính phủ quản lý và điều tiết thị trường. Thuế không phải là yếu tố quyết định tất cả, càng không phải là cứu cánh cho thị trường. Vấn đề chính là thuế đó phải nằm trong một tổng thể các mối quan hệ, quy định cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các các cơ quan chức năng.
*
Ông có thể đưa ra kinh nghiệm đánh thuế của một số nước, thưa ông? Ở đây có thể kể đến mô hình của Singapore, Singapore áp dụng mức thuế cố định, người mua nhà ở chịu thuế 4%, người mua nhà nhưng không ở đóng thuế 12%. Canada, Nhật, Mỹ áp dụng thuế đất trống đánh vào các nhà đầu cơ. Tại Anh thuế BĐS đánh vào các cá nhân có nhiều BĐS rất cao. Tuy nhiên, các khoản thu nhập BĐS từ nước ngoài chuyển vào nước Anh lại không chịu thuế...
Tùy theo tình hình kinh tế, hoàn cảnh mà mỗi quốc gia đưa ra những sắc thuế BĐS riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là xây dựng cho được ý thức đóng thuế nơi người dân, doanh nghiệp.
*
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? Người Anh thường có câu nói cửa miệng, trên đời có hai điều quan trọng: Đóng thuế và chết! Điều này cho thấy, ý thức đóng thuế của người Anh nói riêng và người phương Tây rất cao. Đóng thuế không còn là nghĩa vụ mà đã trở thành một thứ văn hóa, ăn sâu vào máu thịt của họ. Theo tôi, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cũng nên gieo vào người dân, các doanh nghiệp ý thức đóng thuế tương tự như vậy.
*
Xin cảm ơn ông!Theo VTC News