Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản... tỏ ý lo ngại giá nhà, đất sẽ tăng cao khi quy định trên trở thành hiện thực.
Ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Phúc Đức:
Nguy cơ làm tăng giá nhà, đất
Theo tôi, việc đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất chỉ nên áp dụng với nhà đầu tư cá nhân vì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã đóng các khoản thuế trong quá trình kinh doanh như thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... rồi.
Việc cho rằng
đánh thuế lũy tiến đối với bất động sản sẽ làm cho những nhà đầu cơ giảm sức mua, từ đó tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực sự tiếp cận được với nhà, đất là quan niệm sai lầm. Bởi hiện nay thuế đánh vào kinh doanh bất động sản đã quá nhiều. Nếu ta tiếp tục đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất sẽ khiến giá bất động sản tăng cao, thị trường sẽ chậm phát triển, cơ hội để người nghèo tiếp cận với nhà, đất càng khó khăn hơn.
Thực tế trên thị trường bất động sản thì nhà đầu tư mua đi bán lại (thường gọi là nhà đầu cơ) chiếm đến 80%. Do đó, đánh thuế lũy tiến đối với các đối tượng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản và bản thân các công ty địa ốc. Bởi lẽ nếu thuế quá cao, giá nhà, đất tăng thì nhà đầu cơ sẽ không đủ sức mua.
Khi lượng khách hàng giảm thì doanh nghiệp địa ốc cũng sẽ không “mặn” với việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở. Điều này sẽ làm cho nguồn cung nhà ngày càng khan hiếm và nhà nước sẽ bị mất một khoản lớn thuế thu từ hoạt động kinh doanh của các công ty địa ốc.
Tôi không cho rằng việc đánh thuế lũy tiến sẽ làm đóng băng thị trường bất động sản nhưng chắc chắn sẽ làm cho thị trường phát triển chậm lại, không sôi động, giá bất động sản sẽ không giảm mà ngược lại càng đội lên cao hơn.
Việc đánh thuế lũy tiến nhà, đất có làm giảm bớt tình trạng đầu cơ?
Trong ảnh: Khách xếp hàng đăng ký mua căn hộ cao cấp.
Đánh thuế lũy tiến đối với bất động sản chỉ là cách thức để ngăn chặn phần ngọn chứ không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Nguyên nhân cốt lõi nhất làm cho giá bất động sản quá cao thời gian qua là do cung không đủ cầu, do mất cân đối lớn cung cầu.
Chính các chính sách của nhà nước đã tạo ra tình trạng khan hiếm nhà chứ không phải doanh nghiệp địa ốc thao túng thị trường. Thủ tục hành chính rườm rà khiến quá trình thực hiện dự án kéo dài, đền bù giải phóng mặt bằng nhà nước không can thiệp khiến dự án kéo dài..., làm cho lượng cung nhà ra thị trường bó hẹp, tạo nên sự mất cân đối lớn, giá nhà, đất theo đó tăng cao.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát: Sợ không khả thi Chắc chắn thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng với quy định đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất.
Một thách thức lớn của nhà nước là làm sao xác định ai là nhà đầu cơ để thu thuế. Có người mua hai căn nhà để dành cho hai đứa con sắp lập gia đình nhưng cũng có người mua tới 10 căn nhà và lại cho 10 người đứng tên thì làm sao đánh thuế? Nếu quản lý không chặt, không có tiêu chí rõ ràng thì vô hình trung thuế lũy tiến góp phần làm mất sự công bằng trong xã hội.
Khác với vàng chịu sự ảnh hưởng của thế giới thì chứng khoán và nhà, đất luôn bị tác động mạnh bởi các nhà đầu tư trong nước. Theo tôi, nhà nước nên để thị trường tự vận hành chứ không nên bắt thị trường chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Điều mà nhà nước cần làm là sớm hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật về bất động sản; giảm bớt những thủ tục rườm rà trong việc xin cấp phép dự án để doanh nghiệp có điều kiện xoay vòng đồng vốn nhanh.
Tôi tin chắc rằng khi đồng vốn đầu tư được xoay chuyển nhanh, nhiều dự án nhà ở ào ạt ra đời để đáp ứng nhu cầu thì giá nhà, đất ắt sẽ tự động giảm.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:
E thị trường lại đóng băng
Tôi không ủng hộ việc đánh thuế lũy tiến, vì sẽ phát sinh nhiều điều. Đầu tiên là ảnh hưởng đến đối tượng người ở nhà thuê (người chưa có nhà riêng, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam...). Việc đánh thuế lũy tiến sẽ khiến giá nhà cho thuê tăng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hơn nữa, để tránh thuế nhà, người dân có thể xây nhà tầng thấp, sử dụng đất kém hiệu quả; những khu dân cư đã được duyệt quy hoạch thì cũng khó đảm bảo đúng số tầng theo quy định.
Chúng ta cũng nên tính đến khả năng “chảy máu ngoại tệ” và đóng băng thị trường bất động sản lần nữa. Trong lúc đầu tư vào chứng khoán không hấp dẫn, đầu tư vào địa ốc bị siết chặt, người dân có thể chuyển tiền ra nước ngoài để tìm loại hình khác sinh lợi hơn. Cạnh đó, các nhà đầu tư bất động sản cũng sẽ không mặn mà...
Về tính khả thi của việc đánh thuế lũy tiến, tôi cho rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý của ta hiện chưa nối thông tin nhau nên khó mà quản lý được bất động sản của một người nếu họ mua rải rác ở nhiều nơi. Khả năng việc đánh thuế lũy tiến nhà, đất sẽ không làm giảm bớt đi hiện tượng đầu cơ vì có thể xảy ra tình trạng đứng tên giùm trong “giấy hồng”, “giấy đỏ”.
Theo tôi, cần thận trọng trước khi quyết định chủ trương này. Ở Singapore, mọi công dân đều phải đóng thuế nhà, đất theo mức giống nhau là 4%/năm đối với nhà mua để ở, 12%/năm đối với nhà mua kinh doanh, cho thuê chứ họ không tính lũy tiến.
Theo Pháp Luật TP.HCM