Đánh thuế bất động sản và thuế nhà cao lên để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ là một đề xuất của GS Đặng Hùng Võ đối với Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Tài chính.
Nên để người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng
Mới đây, một loạt các giải pháp tận thu đối với các cơ sở hạ tầng đã đầu tư để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông đã được Bộ Tài chính đề xuất, bao gồm cho thuê, chuyển nhượng, khai thác quỹ đất hai bên đường..
Theo GS Đặng Hùng Võ, đây là một đề tài lớn và giải pháp đã được đề cập đến nhiều. Tuy nhiên, GS nêu ra một vấn đề nữa là thuế sử dụng đất hiện nay quá thấp, ở mức sàn là 0,03%, trong khi chúng ta không đánh thuế nhà.
GS Võ cho rằng, nên đánh thuế bất động sản để lấy tiền xây dựng hạ tầng và dịch vụ công cộng. Ai cũng phải sử dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng ở nơi mình sinh sống và vì thế người dân cần phải góp phần vào đó. Quan điểm để người dân không cần phải đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, coi việc xây dựng cơ sở hạ tầng là của Nhà nước là sai. Phải để người dân cùng lo việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Thuế bất động sản ở nhiều nước hiện nay là 1% hay thậm chí 2% giá trị thị trường, trong khi ở Việt Nam chỉ là 0,03% giá trị Nhà nước quy định hiện nay. Hiện nay bảng giá ở trung tâm đô thị Hà Nội chỉ bằng 10 giá trị thị trường. Theo ông, lỗ hổng quan trọng nhất về tài chính đất đai là thuế sử dụng đất và thuế nhà. Loại thuế này đã được giảm một cách vô nguyên tắc trong khi đáng lẽ phải dùng thuế đó để phát triển cơ sở hạ tầng. Dường như đã có sự e ngại nào đó rằng mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Luật Đất đai đang bị coi thường
Theo Bộ Tài chính, việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông là nội dung mới chưa thực hiện tại VN nhưng đã được một số nước áp dụng và đạt hiệu quả tốt. Chính phủ giảm bớt gánh nặng quản lý, giảm chi mà sau một thời hạn, Nhà nước vẫn có được hạ tầng hiện đại theo quy hoạch. Trước mắt, có thể thấy một số cảng hàng không, cảng biển có thể áp dụng cơ chế này để phát triển.
Ông Võ cho rằng đây là điều rất nên làm. Bán hạ tầng cho các nhà đầu tư có khả năng để họ đầu tư, khai thác một thời gian rồi chuyển lại cho Nhà nước, vừa giảm bớt gánh nặng quản lý cho nhà nước vừa tiết kiệm cho nguồn chi ngân sách.
Đối với khai thác hạ tầng, cơ chế đổi đất lấy quy hoạch trong đề án đưa ra rất đúng, nhưng ở đây là làm sao quy hoạch phải khả thi. Nhiều nơi thu hồi đất theo quy hoạch nhưng rồi lại không có nhà đầu tư nào vào. Bên cạnh đó, có một điều cần khẳng định là cơ chế PPP, cơ chế công tư hợp tác cần được ủng hộ. Đây là một xu hướng rất mạnh trên thế giới. Cơ chế BT hiện nay đang là áo khoác cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng mà luật đất đai 2003 đã loại trừ, đây là cơ chế gây thất thoát lớn. Những khuyết tật của cơ chế đổi đất lấy hạ tầng trước đây khiến hàng loạt cán bộ đã bị kỷ luật thì vẫn hiện nguyên hình trong cơ chế BT hiện nay.
Ông Võ cũng ủng hộ việc thực hiện bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều điểm thu phí do cơ quan nhà nước quản lý hiện nay thậm chí không mua vé mà có thể đưa tiền trực tiếp. Có thể thấy cơ chế để nhà nước đứng ra thu phí là không nên vì cần phải bán cho DN quyền thu phí như đã đề xuất.
Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện việc bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác cơ sở hạ tầng, ngân sách nhà nước sẽ giảm chi hàng chục ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2011 – 2020.
Vấn đề ở đây, theo ông Võ, là chúng ta phải làm thật triệt để, minh bạch. Có sự tham gia của cộng đồng vào phát triển cơ sở hạ tầng. Cần có cơ chế để việc thực thi pháp luật đạt được 100%, hoặc ít ra là ngày càng cao hơn. Không nên để như hiện nay, việc thực thi Luật đất đai ở các địa phương chỉ được khoảng 60 – 70% là cao, hoặc có thể còn thấp hơn. Theo ông, Luật Đất đai đang là một trong những loại luật bị coi thường nhất hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia