“Danh sách đen” những dự án BĐS nhà đầu tư ồ ạt rút vốn

Cập nhật 01/08/2012 13:00

Hàng chục dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng đòi tiền của NĐT do chủ dự án đã huy động vốn của khách hàng nhưng đã quá lâu chưa triển khai thực hiện.

Thời suy thoái bất động sản, kinh tế khó khăn không những giá trị của bất động sản đi xuống, hiện các nhà đầu tư (NĐT) còn đang đối mặt với tình trạng ‘mắc kẹt” vốn góp ở các dự án, mà nhiều NĐT cho rằng có thể liệt vào “danh sách đen”. Trên thị trường đang diễn ra hiện tượng người mua cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ ồ ạt tiến hành đòi rút vốn tại các dự án.

Chung cư 34 Cầu Diễn


Cuối tháng 3 năm 2012, một số khách hàng đã tìm đến chủ đầu tư là Công ty Quân Thư chủ đầu tư dự án chung cư 34 Cầu Diễn để đòi tiền. Nguyên nhân cũng vì lý do dự án đã không triển khai quá lâu, trong khi theo cam kết của chủ đầu tư là cuối năm 2012 bàn giao nhà, nhưng đến thời điểm khách hàng đòi tiền thì dự án vẫn án binh bất động.

Dự án Hanoi Time Towers

Hay cũng vào cuối tháng 4 vừa qua, một loạt khách hàng cũng đã kéo đến Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVCR) để đòi tiền vốn góp, cũng bởi lý do là dự án chậm tiến độ quá lâu.

Chủ đầu tư đã thu tiền của khách hàng từ gần 2 năm nay khoảng tháng 9/2010. Thời điểm đó, căn hộ Hanoi Time Towers được huy động vốn với giá dao động khoảng 22.5 – 23.7 triệu đồng/m2, thanh toán đợt đầu tiên khoảng 30% giá trị căn hộ. Nhiều khách hàng phản ánh, lẽ ra đến nay dự án phải xây xong thô đến tầng 15 nhưng dự án vẫn chưa xong móng.

Bình Đoàn 12 Ngọc Hồi


Cũng vào thời điểm tháng 3/2012 có hàng chục khách hàng từ khắp nơi kéo đến CTCP BĐS Thuận Thành để tiền góp vốn vào dự án Binh Đoàn 12 Ngọc Hồi. Những khách hàng này hiện đang hoài nghi về tiến độ, cũng như khả năng thực hiện dự án nhà chung cư cao tầng của đơn vị này.

Lý giải về hiện tượng này, theo đại diện sàn BĐS Nhadat24, do kinh tế khó khăn, tiến độ của các dự án này không đảm bảo. Mặt khác trong số đó có dự án đã thu của khách hàng khá nhiều tiền. Theo quy định của Nghị định 71, nếu chủ dự án đã thu từ 50% trở lên thì chủ đầu tư tối thiểu phải hoàn thiện móng. Trong khi hiện nay có nhiều dự án còn chưa triển khai do đó NĐT đã đòi rút vốn khỏi các dự án này.

Hiện nay, thị trường lại đang xôn xao với nhiều vụ việc NĐT kéo đến chủ dự án để đòi quyền lợi của mình, do lo ngại dự án không thể triển khai. Trong đó, nhiều cái tên “lớn” như Tricon Towes, Mê Kông Plaza, Tây Thiên Minh,…

Tricon Towers


Đầu tháng 6 vừa qua, hàng chục NĐT đã kéo đến Công ty Minh Việt chủ dự án Tricon Towers đòi bồi thường thiệt hại và rút vốn vì dự án chậm tiến độ quá lâu.

Trong hợp đồng mua bán nhà cũng ghi rõ, Công ty CP Đầu tư Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31-12-2011, muộn nhất là ngày 30-6-2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới chỉ xong phần móng và đã “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay.

Mới đây, chủ đầu tư xin giãn tiến độ từ 30/6/2012 đến 30/6/2011.

Mê Kông Plaza


Cuối năm 2009, đầu năm 2010 dự án Me Kong Plaza do Mekong Land làm chủ đầu tư, và một số Công ty có tham gia ký hợp đồng vay vốn với khách hàng để huy động vốn cho dự án này. Trong đó, có Công ty BĐS Thế Kỷ,… thời hạn vay 9 tháng, lãi suất 9%/năm, thời hạn hợp đồng có thể thỏa thuận gia hạn nhưng không quá 6 tháng.

Theo thỏa thuận với CEN group, trong vòng 60 ngày kể từ khi ký HĐVV, CEN sẽ đưa khách hàng ký HĐGV với chủ đầu tư. Nhưng đến nay đã quá thời hạn, khách hàng vẫn chưa ký được HĐGV với chủ đầu tư.

Sau khi huy động vốn khá lâu đã hơn 2 năm nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Hiện nay nhiều khách hàng đã tìm đến các đơn vị huy động vốn để đòi rút tiền.

Binh Đoàn 12 Đại Mỗ

Cách đây khoảng 2 năm, Công ty BĐS Thế Kỷ (CEN group) với khẩu hiệu “Binh Đoàn 12-Ngôi nhà mơ ước” và tuyên bố “Dự án do Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ phân phối và tiếp thị sản phẩm”. Thời điểm đó CEN group đã tiến hành huy động vốn của nhiều NĐT. Cho đến nay, sau 2 năm trôi qua dự án vẫn chưa được xây dựng phần thân, và án binh bất động. Nhiều NĐT đang mong muốn đòi lại tiền góp vốn do lo ngại dự án chậm triển khai.

Tây Thiên Minh


Hay như dự án Tây Thiên Minh do CTCP Thương mại Quốc tế D&S làm chủ đầu tư, tại Quốc Oai, Hn cũng đã tiến hành huy động vốn của khách hàng từ tháng 7 năm 2010, dưới dạng Hợp đồng góp vốn cổ đông. Sau 2 năm huy động vốn, đến nay dự án cũng chưa triển khai được hạ tầng, do đó nhiều NĐT đang có nhu cầu đòi lại tiền đã góp vào dự án này.

Theo Luật sư Trần Văn Long, Công ty Luật Vietlink, có hai nguyên nhân chính dẫn đến các hiện tượng trên.

Một là, thị trường nhà đất giảm giá mạnh cộng với chủ đầu tư dự án vi phạm tiến độ cam kết với khách hàng có những dự án chủ đầu tư tiến hành huy động vốn của khách đến vài ba năm mà vẫn chưa triển khai xây dựng dẫn đến khách hàng mất lòng tin và đòi rút vốn.

Hai là, cũng do NĐT cạn kiệt không có tiền nộp tiếp nên xin rút vốn, bên cạnh đó có rất nhiều dự án bán nhà trên giấy khi chưa đền bù giải phóng mặt bằng, trong khi năng lực tài chính kém không đủ khả năng triển khai tiếp dự án trong thời buổi khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ