- Dư luận đang hết sức băn khoăn và lo ngại rằng, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra công bố danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố phải chăng là hình thức “dọn đường” để “xóa sổ” những công trình có giá trị khác? Nếu không phải như vậy thì bản danh sách này còn quá thiếu…
Hệ thống công trình kiến trúc Pháp tồn tại trên đất Huế có thể nói là rất lớn nhưng số lượng công trình lại giảm dần khiến nhiều người lo ngại. Trong khi đó hiện vẫn chưa có kế hoạch - chính sách cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa lịch sử này…
Trụ sở Liên hiệp hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế được giới chuyên môn đánh giá là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu nhưng lại bị “loại”khỏi danh sách của tỉnh Ảnh: SƠN THUỲ
|
Nhiều người nuối tiếc
Thời gian qua, một số công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được đầu tư sửa chữa và chỉnh trang để sử dụng và đã phát huy giá trị tích cực. Điển hình như Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị (số 17 Lê Lợi), Bảo tàng Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi), Bảo tàng Văn Hóa Huế (23-25 Lê Lợi), trụ sở Trung tâm Festival Huế (số 1 Phan Bội Châu)… Hay ngôi trường THPT chuyên Quốc học, là công trình kiến trúc Pháp thuộc sở hữu tư nhân nhưng luôn được chú trọng bảo tồn, tu bổ phù hợp và mang được giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng được nhiều du khách ghé thăm khi đến Huế.
Tuy nhiên, đó chỉ là số rất ít công trình được quan tâm tu bổ, hiện còn rất nhiều công trình kiến trúc Pháp bị xuống cấp và đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê, năm 2000 trên địa bàn TP Huế có khoảng 240 công trình kiến trúc Pháp. Thế nhưng, con số này đang giảm dần và giảm khá nhanh. Năm 2017, một biệt thự kiến trúc Pháp tại số 5 Lý Thường Kiệt cũng bị đập bỏ dù công trình này chưa xuống cấp nghiêm trọng. Sự việc đã khiến nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia cũng như cộng đồng địa phương “tiếc nuối”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp vẫn chưa được chú trọng. Chính điều đó đã đặt ra vấn đề cần phải bảo tồn hệ thống công trình này như thế nào trong tình hình phát triển đô thị hiện nay.
Biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt đã bị đập bỏ vào năm 2017 dù công trình này chưa xuống cấp nghiêm trọng, khiến nhiều người tiếc nuối
|
Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, quỹ kiến trúc Pháp của chúng ta khá nhiều với hình thái kiến trúc khá đặc sắc. Thế nhưng, tại Huế sự phân bố của các công trình còn dàn trải, công tác quản lý chưa tốt, nhất là những công trình thuộc sở hữu tư nhân nên dẫn đến tình trạng xuống cấp và mai một. Một số công trình xuống cấp nhưng chủ sở hữu lại ít quan tâm hoặc không có điều kiện kinh tế để duy tu, bảo tồn.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố, nhằm tạo cơ sở để định hướng và có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách nào cho công cuộc bảo tồn. Ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, hiện tại vẫn chưa có một đề án đánh giá tổng thể, cụ thể chất lượng từng công trình. Trước đó, cũng có một số dự án nhỏ để chỉnh trang, sửa chữa, cải tạo một số công trình nhằm nâng cao chất lượng sử dụng. Về phía thành phố sẽ tham mưu với Sở Xây dựng và UBND tỉnh để nghiên cứu nhằm phát huy giá trị các công trình Pháp tiêu biểu.
Dư luận nghi ngại, UBND tỉnh công bố danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu là để “hợp thức hóa” cho việc sẽ triệt hạ một số công trình kiến trúc Pháp nằm ngoài danh sách?
27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu liệu có đầy đủ?
Sau khi UBND tỉnh công bố danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ “thất vọng” vì danh sách này còn quá ít và chưa chuẩn xác. Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, cần bổ sung thêm một số công trình như: Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, ngôi trường có địa chỉ số 66 Bạch Đằng nay thuộc sở hữu tư nhân, trường Việt – Pháp Đông Ba (Trường tiểu học Phú Cát)...
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng, trong danh sách được công bố, có nhiều công trình chưa “chuẩn xác”, không hiểu các cơ quan chuyên môn tham mưu đã dựa trên các tiêu chí nào. Cụ thể như nhà thờ Chính tòa Phủ Cam được khởi công vào năm 1960 nhưng cho đến năm 2000 mới chính thức hoàn thành công trình, thời điểm đó đã không còn là công trình kiến trúc Pháp nữa rồi. Tương tự, công trình nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là tên gọi chưa chuẩn, mà phải là nhà thờ Đức Mẹ Vĩnh Hằng Cứu Giúp. Và công trình này cũng được khởi công vào năm 1959, không còn là thời điểm thuộc Pháp…
Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, không phải là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu nhưng lại nằm trong danh sách được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng còn nhiều công trình mang tính tiêu biểu của kiến trúc Pháp nhưng lại “lọt” khỏi danh sách mà UBND tỉnh đã công bố. Điển hình như biệt thự cổ ở số 26 Lê Lợi, hiện là trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh.
Đại diện Sở Xây dựng, đơn vị chủ trì tham mưu cho vấn đề trên khẳng định, trong quá trình triển khai, Sở cũng đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan khác như UBND TP Huế, Sở VHTT, Hội Kiến trúc sư, Liên hiệp các Hội VHNT…, sau đó mới thống nhất danh sách 27 công trình tiêu biểu này. Dư luận nghi ngại, UBND tỉnh công bố danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu là để “hợp thức hóa” cho việc sẽ triệt hạ một số công trình kiến trúc Pháp nằm ngoài danh sách? Trong đó có việc quy hoạch tại công trình biệt thự Pháp cổ vốn là trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT.
Vào đầu năm 2018, một số văn nghệ sĩ tại Huế đã lên tiếng và gửi đơn đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để phản đối về việc địa phương này có chủ trương cho Công ty CP Hạ tầng và Dịch vụ truyền thông LOGI 3 nghiên cứu đầu tư dự án “Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp” tại khu đất 26 Lê Lợi.
DiaOcOnline.vn theo http://baovanhoa.vn