Đánh nhau đổ máu vì ăn thua diện tích căn hộ

Cập nhật 09/11/2013 09:35

Hàng loạt vụ kiện cáo, thậm chí đánh nhau đổ máu vì những tranh chấp diện tích căn hộ. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người mua vẫn phải mất tiền khi rất nhiều chủ đầu tư vẫn chưa sòng phẳng với khách hàng trong cách tính diện tích.

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có công văn số 397/TTr-TH trả lời chính thức từ về cách tính diện tích căn hộ nhà chung cư đối với các dự án do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.

Thanh tra Bộ Xây cho rằng, hợp đồng mua bán nhà giữa CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội với các hộ dân. Theo đó, Thanh tra Bộ khẳng định, chủ đầu tư tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường là không trái với các quy định của pháp luật về nhà ở.

Về nguyên tắc thì toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang… cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán các căn hộ.

Cách tích diện tích căn hộ chưa thống nhất khiến nhiều chủ đầu tư lợi dụng, người dân cảm thất thiệt thòi.

Trước đó, một số khách hàng mua căn hộ tại dự án Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường là chủ đầu tư, đã có những khiếu nại với chủ đầu tư về cách tính diện tích căn hộ. Qua nhiều lần đối thoại với chủ đầu tư, khách hàng dự án này vẫn chưa đồng tình và cầu cứu Bộ xây dựng.

Thời gian gần đây, cách tính diện tích căn hộ tại nhiều dự án đang làm vấn đề nảy sinh nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân, thậm chí đã xảy ra xô xát, gây mất trật tự an toàn trên địa bàn.

Người mua nhà thì cho rằng, cách tính diện tích căn hộ theo “tim tường” của chủ đầu tư là gộp cả phần diện tích chung của chung cư để bán cho người mua nhà, và họ không chấp nhận phải trả tiền cho phần diện tích chung đó (cột và hộp kỹ thuật) khi mà mình không sử dụng được phần diện tích này.

Người mua nhà đang phải chịu thiệt từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi căn. Việc đưa ra nhiều cách tính khiến cho nhiều người cảm thấy khó hiểu và cho rằng tạo ra sự lập lờ để chủ đầu tư lợi dụng. Trong khi đó, các chủ đầu tư, mỗi đơn vị đều có cách giải thích riêng để bảo vệ quan điểm của mình.

Hiện nay, một số dự án ở Hà Đông thậm chí cả những dự án nổi tiếng của nhà đầu tư nước ngoài như KeangNam có cả trăm khách hàng bức xúc việc chủ đầu tư tính phủ bì với tường bao ngoài, tường chịu lực là trái với hướng dẫn tại Thông tư 16. Mặc dù các tranh chấp đã được gửi đến các cơ quan chức năng, thậm chí kéo nhau ra tòa nhưng hiện vẫn đang bế tắc. Không ít vụ do bức xúc đã xảy ra xo xát trên thực tế gây thương tích, đổ máu.

Cần một sự thống nhất

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã hướng dẫn hai cách tính căn hộ chung cư, nêu cụ thể tại Thông tư 16/2010/TT-BXD.

Cụ thể, cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư có thể thỏa thuận theo 2 phương pháp: tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ và để Bên bán - Bên mua tự thỏa thuận lựa chọn cách tính.

Theo Bộ Xây dựng, việc đưa ra hai cách tính diện tích căn hộ khác nhau để bên bán - bên mua thỏa thuận, thống nhất cách tính phù hợp, thuận lợi nhất.

“Việc áp dụng cách tính theo phương pháp nào cũng đều không gây thiệt hại cho người mua, cũng như không mang thêm lợi nhuận cho bên bán. Tính theo kích thước thông thủy giá thành căn hộ sẽ không rẻ hơn so với giá mua căn hộ tính theo kích thước tim tường. Vì, về nguyên tắc toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư gồm cả móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị... cả phần sở hữu riêng và các phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán.

Vì vậy, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường, đơn giá bán tính trên mỗi mét vuông sẽ ít hơn; ngược lại nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy, đơn giá bán sẽ tăng lên nhưng tổng giá bán căn hộ của cả hai trường hợp này đều không đổi”, đại diện Cục quản lý nhà và thị trường BĐS khẳng định.

Theo TS. Lê Trung Thành, Hội Công nghiệp bê tông Việt Nam, hiện nay vấn đề tranh chấp này không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới. Tùy vào cách tính diện tích căn hộ mà nhà đầu tư đưa ra các đơn giá bán hàng khác nhau.

“Cách tính đơn giản nhất cho cả người bán và người mua nhà chung cư tại Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng phù hợp với xu thế áp dụng của thế giới, có lẽ là tính diện tích nhà thông thủy bao gồm cả các bộ phận chung của công trình nằm trong lòng căn hộ”, ông Thành cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet