Những cái nền nhà trống huếch cùng vài bức tường trơ trụi còn sót lại. Dãy phố dọc con đường Ven Sông ở Thủ Thiêm yên ả ngày nào giờ trở nên hoang tàn. Bên quán cóc dưới chân cầu Phao số 5, anh Nguyễn Văn Đoàn, 42 tuổi, kể câu chuyện về cuộc sống sau giải tỏa...
Khó khăn khi rời nơi ở cũ...
Anh Đoàn đeo một chiếc nhẫn vàng đính ngọc mới toanh, sợi dây chuyền to đùng cùng chiếc điện thoại di động mới cáu cạnh và sống trong căn nhà có đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, ti vi, xe tay ga đời mới... nhưng lại đang đối mặt với đói nghèo. Liệu có tin ai?
Hai năm trước, anh Đoàn sinh sống ở khu cầu Phao số 5 (phường An Lợi Đông, quận 2). Nhưng vì nhà nằm trong khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm, bị đền bù - giải tỏa, anh buộc phải đi tìm chỗ ở mới.
Anh Đoàn cùng vợ và hai con rời khỏi căn nhà thân thiết của mình vào giữa năm 2007. “Đó là quyết định rất khó khăn, đúng hay sai đến giờ tôi vẫn chưa rõ”, anh nói. Nhưng, theo anh, “bị giải tỏa quả là ác mộng”.
Bài toán tái định cư của chính quyền không khớp với suy nghĩ của anh Đoàn về giải pháp vượt qua chuyện giải tỏa. Với căn nhà trên mảnh đất hơn 50 mét vuông, nếu nhận nền tái định cư thì không có tiền để xây nhà, nếu nhận nhà chung cư thì không có tiền trả phí sinh hoạt, cho nên anh chọn giải pháp tự tìm nơi ở mới.
Tiền đền bù nhận được 337 triệu đồng (1.990.000 đồng/mét vuông cộng với tiền hỗ trợ đợt 1 theo Quyết định 123 của thành phố 4 triệu đồng/mét vuông) làm sao tìm được chỗ ở mới “tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”?
Anh Đoàn lùng sục khắp quận 2, quận 9... cuối cùng cũng tìm được một căn nhà nằm sâu trong một con hẻm ở ấp Đông, phường Bình Trưng Đông, quận 2. Diện tích căn nhà mới chỉ 37 mét vuông và ở “vùng sâu” hơn nơi ở cũ nhưng anh phải trả với giá 340 triệu đồng.
Tự cho mình là một trong những người may mắn vì được định cư trong quận 2 nhưng anh phải đối diện với cuộc sống khắc nghiệt. Vì trước đây, ở bán đảo Thủ Thiêm, quen với cuộc sống sông nước, anh đi gõ gỉ tàu, vợ chạy ghe buôn bán, đủ sống qua ngày. Giờ “lên bờ” gần hai năm vẫn chưa tìm được việc làm ổn định, lâm cảnh nợ nần...
Anh Đoàn nói: “Nếu thành phố không hỗ trợ tiền bồi thường đợt 2 thì chắc phải bán nhà mới trả hết nợ”. Nhờ Quyết định 06, ngày 21-1-2009, giá đất ở tại Thủ Thiêm được bồi thường hỗ trợ thêm 12 triệu đồng/mét vuông (tổng cộng 18 triệu đồng/mét vuông đất ở trong hẻm). Nhận thêm được 600 triệu đồng nhưng anh Đoàn cho biết tiền trả nợ và mua sắm đã hết gần 400 triệu, còn lại khoảng 200 triệu anh tính mở hàng quán cho vợ buôn bán. Nhưng với những người ít học, quen sống trên sông nước như vợ chồng anh liệu có thành công trong môi trường mới xa lạ và cam go?
Mịt mờ cuộc sống mới
Rời Thủ Thiêm đến ấp Đông còn có hộ của các anh Lê Văn Quân, Huỳnh Văn Hồng, Hai Phúc, Nhứt... Trước đây, họ làm nghề chài lưới, quét hầm tàu, gõ gỉ sắt... giờ về đây đều thất nghiệp. Vợ con họ cũng vậy, do ít học nên rất khó tiếp cận các chương trình dạy nghề, hỗ trợ của thành phố.
Điều may mắn duy nhất có lẽ là họ tìm được chỗ định cư gần nơi ở cũ nhưng cuộc sống thì phần đông là vất vả hơn. Có nhiều hộ phải chuyển về sống ở những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh lân cận. Nhưng, cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu và đi đến đâu, người dân Thủ Thiêm cũng tập hợp thành từng nhóm, giúp đỡ lẫn nhau. Ở quận 9, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè... (TPHCM); Cần Giuộc (Long An); Nhơn Trạch, Tân Thành (Đồng Nai)... đã hình thành những “xóm Thủ Thiêm” mới.
Cuối tuần rồi, theo chỉ dẫn, tôi đã sang Nhơn Trạch, tìm đến khu vực đình Phước Lương, xã Phú Hữu, để tìm hiểu. Sau khi vượt qua ba cây số đường đất đỏ lầy lội vì trời mưa, tôi rẽ vào một con đường bờ ruộng dài hun hút... Tiến sát về phía bờ sông Đồng Nai thì gặp một “xóm Thủ Thiêm” định cư quanh ngôi đình yên tĩnh.
Nhà của anh Nguyễn Văn Phúc, 44 tuổi, ở đầu xóm là một căn nhà cấp 4 với mái tôn tường gạch. Anh Phúc về đây từ năm 2003, sau khi nhận tiền đền bù 54 mét vuông đất và nhà ở Thủ Thiêm được hơn 100 triệu đồng (1.990.000 đồng/mét vuông, cộng với tiền thưởng 20% cho hộ di dời sớm). Với số tiền ít ỏi, không tìm mua được chỗ nào gần nên anh phải qua Nhơn Trạch, mua đất xây nhà hết 70 triệu, số tiền còn lại anh mua ghe để chở công nhân đi gõ gỉ tàu.
Ở Phước Lương có trên chục hộ dân Thủ Thiêm định cư, nhưng phần đông đều thất nghiệp. Kế nhà anh Phúc là nhà của bà K., khóa cửa ngoài để đến rêu phong. Anh Phúc cho biết, vì không có việc làm nên hàng ngày bà K. vẫn qua Thủ Thiêm đưa đò; một hôm chở người ta ra phao giữa sông cho họ mua ma túy thì bị bắt. Thế là căn nhà vắng chủ...
Có rất nhiều hộ dân Thủ Thiêm đến định cư tại xã Phú Hữu cũng như Đại Phước, Nhơn Trạch nhưng hầu hết rất khó tìm được việc ở chỗ mới nên phải quay về Thủ Thiêm để làm những công việc cũ. Anh Phúc cho biết, dù ở xa và công việc không đều nhưng anh vẫn phải đi đi về về, vì con anh vẫn học ở quận 2.
Mới nhận được hơn 600 triệu đồng tiền đền bù bổ sung (theo Quyết định 06), anh Phúc cũng chưa biết dự tính thế nào. Nhưng anh biết, nếu không có việc làm thì khó mà giữ được số tiền đó để lo cho con ăn học. Anh kể, vài người bạn của anh ở Thủ Thiêm cũng bị giải tỏa, đi tìm chỗ ở mới ở Củ Chi, Hóc Môn. Vì nhà họ có diện tích đất lớn, nhận được nhiều tiền nên xây được nhà mới rất lớn, nhưng do không có việc làm, xài riết rồi cũng hết tiền, lâm nợ, bán nhà lớn, mua nhà nhỏ; rồi bán nhà nhỏ đi ở thuê...
Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào của chính quyền về cuộc sống của người dân sau giải tỏa do các dự án phát triển đô thị. Vì thế, rất cần có một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này để đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân một cách phù hợp. Họ cần môi trường sống mới, một việc làm mới có thu nhập ổn định... hơn là nhận một đống tiền mà không biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG