Đằng sau con số 64 tỷ USD

Cập nhật 13/01/2009 13:30

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), năm 2008 cả nước có 1.171 dự án (DA) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký trên 60,2 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2007.

Trong năm nay còn có 311 DA đăng ký tăng thêm 3,74 tỷ USD. Như vậy, tính cả vốn mới và vốn tăng thêm, năm 2008 Việt Nam đã có 64 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Nhưng bên cạnh con số đầy đặn ấy, vẫn còn những băn khoăn về chất lượng của dòng vốn đầu tư này.

Luồng gió mới

Phải khẳng định rằng, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam như một luồng gió mới, làm thay đổi bộ mặt đất nước ta trong những năm qua. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) FDI có bước khởi sắc với tổng doanh thu năm 2008 đạt 50,55 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm ngoái, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 24,46 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Năm qua, khối DN này còn tạo thêm việc làm cho trên 200 nghìn người, nâng tổng số lao động làm việc trong các DA FDI lên gần 1,47 triệu người, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm vốn đang rất nóng bỏng tại Việt Nam.

Cơ cấu còn bất hợp lý

Thu hút vốn FDI đã trở thành phong trào mạnh mẽ ở tất cả các địa phương trong cả nước. Có nơi quá “say sưa” mà quên đi cái tính bền vững cũng như chất lượng, hiệu quả của đầu tư. Điều này đã dẫn tới những cánh đồng lúa phì nhiêu tại ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng… đang dần dần bị những KĐT, KCN và các dự án sân golf nuốt chửng, dẫn đến nguy cơ đe dọa an ninh lương thực quốc gia.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL thì hiện nay, mỗi năm cả nước mất khoảng 70 nghìn héc-ta đất nông nghiệp cho công nghiệp và hầu hết diện tích này đều nằm ở khu vực đất đai màu mỡ, canh tác lúa lâu năm, năng suất cao.

64 tỷ USD mà nhà đầu tư đã đăng ký trong năm 2008 nhưng mới thực hiện được 11,5 tỷ USD (18%), còn lại 52,5 tỷ USD, cùng số vốn đã đăng ký từ những năm trước chưa thực hiện lên tới 90 tỷ USD thì không biết đến bao giờ mới giải ngân được. Những DA này đã, đang và sẽ khiến biết bao nhiêu người nông dân mất đất canh tác.

Chưa nói đến sự lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và làm bất ổn xã hội, con số 52,5 tỷ USD ấy còn là một cơ cấu đầu tư bất hợp lý sẽ dẫn đến nền kinh tế phát triển kém bền vững. Số vốn FDI đăng ký trong năm nay mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 572 DA, tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ có 554 DA, chỉ còn lại 45 DA với gần 4 tỷ USD đăng ký thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, nhưng giải ngân lại rất thấp.

Các DA thuộc lĩnh vực BĐS chiếm 50% tổng số vốn đầu tư. Riêng ở TP.HCM vốn FDI vào BĐS chiếm tới 90% tổng vốn đầu tư. Nhiều DA lớn đổ vào BĐS như vậy, trong khi hiệu quả đầu tư chưa gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng của các ngành mũi nhọn như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục… Một nghịch cảnh nữa là vốn FDI dồn dập đổ vào các chung cư cao cấp, nhưng những căn nhà cho người thu nhập thấp lại vắng bóng các nhà đầu tư.

Năm 2009 coi trọng giải ngân

Xuất phát từ tình hình thực tế, không nhất thiết phải đề ra mục tiêu quá cao về số lượng thu hút nguồn vốn FDI đăng ký mới, mà cần tập trung thúc đẩy số vốn đã cam kết hiện còn 90 tỷ USD chưa được giải ngân. Do vậy, Bộ KH&ĐT đã đề ra mục tiêu hàng đầu là bảo đảm vốn FDI giải ngân trong năm 2009 bằng năm 2008 hoặc thấp hơn khoảng 2 tỷ USD.

Ðó là một kịch bản phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế nước ta. Dòng vốn FDI gia tăng đang tạo điều kiện sàng lọc để chấp nhận các DA có chất lượng, phù hợp nhu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế. Việc từ chối cấp phép cho những DA lớn tại một số địa phương trong năm qua là bước đi cần thiết, đúng hướng và rất cần được phát huy trong năm 2009.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết: Để thúc đẩy giải ngân vốn FDI trong năm 2009, một kế hoạch cử đoàn công tác đi các địa phương đang được Bộ tiến hành nhằm xác định và tháo gỡ cho được những yếu kém trong hệ thống quản lý gây khó khăn cho các DA FDI. Trong đợt ra quân lần này, Bộ đặc biệt quan tâm việc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS, giáo dục đào tạo và cơ sở hạ tầng.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng