Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn, nhưng Việt Nam lại đang rơi vào tình trạng sử dụng đất với mật độ thấp.
Nhiều dự án bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị của các thành phố. Ảnh: Dũng Minh
|
Lãng phí tài nguyên đất
Phân tích về thực trạng quy hoạch đô thị và sử dụng đất ở nước ta, Bộ Xây dựng đánh giá, đất trong đô thị sử dụng chưa hiệu quả. Nhiều thành phố, vì quá nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, nên phân tán đầu tư xây dựng trên diện rộng thay vì tập trung vào các khu vực có liên kết với hệ thống cơ sở hạ tầng.
“Việt Nam đang ở tình trạng sử dụng đất với mật độ thấp, dẫn đến đất dôi dư chưa đưa vào quản lý còn nhiều, dễ dẫn đến lấn chiếm”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận xét: “Ở các đô thị, phần đất công giao cho xã, phường quản lý nhiều nơi xảy ra lấn chiếm, sử dụng sai do giám sát không chặt chẽ. Ở Hà Nội và một số địa phương có các diện tích đất dôi dư như bãi bồi ven sông cũng đang rơi vào tình trạng này”.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất hoàn thiện các chính sách thuế với bất động sản để tăng khả năng điều tiết của Nhà nước với thị trường. Theo Bộ Tài chính, để kiểm soát, bình ổn thị trường, hạn chế đầu cơ bất động sản, điều cấp thiết là cần nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản.
Ngoài vấn đề lãng phí về quỹ đất, về quy hoạch, theo các chuyên gia, Việt Nam còn đang lãng phí một nguồn lực lớn để phát triển đô thị là nguồn thu từ đất.
Hiện nay, thuế sử dụng đất của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế tài sản tại một số nước cao hơn nhiều, ví dụ ở Canada là 4%, ở Mỹ là từ 1 - 3%. Một số nước khác có mức thu thấp hơn cũng rơi vào khoảng từ 0,6 - 0,68%. Riêng giá trị đất ở Việt Nam năm 2010 là trên 200 tỷ USD, tức là cao hơn cả GDP. Do đó, theo các chuyên gia, trước mắt, Nhà nước cần có sự thay đổi trong cơ chế quản lý, đưa ra các chính sách phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực này.
Sẽ tăng nguồn thu từ đất
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang lãng phí nguồn đất vì chỉ thu tiền một lần khi chuyển quyền sử dụng. Ngoài ra, cơ chế, phương pháp tính chưa được minh bạch, rành mạch nên gây lãng phí.
“Chúng tôi đề xuất có luật thuế tài sản, thuế chuyển quyền sử dụng đất, có điều chỉnh theo giai đoạn để có thể tạo nguồn thu lâu dài. Đây là vấn đề cốt lõi, là nguồn lực chủ yếu để phát triển đô thị, chứ không phải chỉ trông chờ vào xã hội hóa”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra quan điểm.
Thực tế hiện nay, người dân đóng tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì áp dụng theo bảng giá đất, còn khi tính tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhà nước thì tính theo giá thị trường. Tuy nhiên, do chênh lệch quá lớn giữa hai mức giá này, nên việc thẩm định giá, xác định tiền sử dụng đất thường không chính xác. Có trường hợp doanh nghiệp "chạy" để có được số tiền sử dụng đất càng ít càng tốt, dẫn đến việc thất thu cho ngân sách nhà nước.
Một đề xuất đáng chú ý nữa của Bộ Xây dựng, là thời gian tới sẽ áp dụng chính sách đấu giá đất để hạn chế sử dụng đất đô thị không hiệu quả và lấn chiếm.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, việc đấu giá đất là cần thiết, ngoài ra cần tham vấn giá đất các khu vực lân cận để có được mức giá tốt, phải có đơn vị định giá độc lập và đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có sai phạm trong việc định giá.
“Với những dự án thuộc diện khuyến khích thì có thể miễn tiền sử dụng đất, nhưng với các dự án chiếm đất bỏ đấy hoặc để buôn đi bán lại thì cần thu hồi hoặc đưa ra mức thuế cao. Về cơ bản, việc chủ động khai thác tốt nguồn lực từ đất là đúng đắn”, ông Phong cho biết thêm.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản