Dân tự xây nhà: Siết về kỹ thuật, thoáng về pháp lý

Cập nhật 16/09/2014 13:42

Ở các đô thị lớn như Hà Nội, “điểm nóng” vẫn là trật tự xây dựng và chế tài đi kèm. Dư luận chẳng xa lạ gì “vấn nạn” nhà nhà xây sai phép, người người vi phạm luật xây dựng, bất chấp nỗ lực của các cấp chính quyền sở tại lẫn lực lượng thanh tra chuyên ngành. Tới đây, hành lang pháp lý sắp “thoáng” hơn nữa?

Liên quan tới xây dựng nhà ở riêng lẻ, dư luận người dân lẫn những “bậc thầy” trong ngành quy hoạch - xây dựng (như Ts. Phạm Sỹ Liêm là một điển hình) đã bày tỏ các quan điểm trái chiều về nội dung Thông tư 10/2014, do Bộ Xây dựng ban hành.

Hầu hết tập trung quanh nội dung: từ 1/9, các công trình nhà ở từ 7 tầng trở lên bắt buộc phải được các cơ quan chức năng thẩm tra năng lực thiết kế trước khi xây dựng.

Đồng thời, chủ nhà phải báo cáo Sở Xây dựng các thông tin liên quan, như: Tên, địa chỉ liên lạc của chủ nhà, địa điểm xây dựng, quy mô, tiến độ thi công dự kiến… 20 năm trước, Bộ Xây dựng từng đưa ra quy định dạng này (rồi gỡ bỏ vào năm 2.000). Giờ đây, vòng tròn pháp luật đã cơ bản khép kín ở điểm xuất phát sau 2 thập kỷ.

Giấy phép “đẻ” giấy phép

Hiệu quả thống kê sơ bộ riêng tại Hà Nội: 1.162 công trình vi phạm trật tự xây dựng được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2014 (trong đó 642 trường hợp xây dựng không phép, 174 xây sai phép) và 341 trường hợp vi phạm khác.

Đáng chú ý, tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm trên tổng số công trình xây dựng 6 tháng đầu năm của Hà Nội đã tăng gấp đôi so với năm 2013 (thông tin từ Sở Xây dựng đầu tháng 8).

Chưa hết, với các công trình nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng trên 250m2, cao 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để khảo sát địa chất công trình. Nhà 3 - 4 tầng trong nội thị được xem là phổ biến nhất ở Hà Nội và xưa nay, chủ nhà vẫn “tin dùng” các đội thầu, nhân công lao động từ… tứ xứ.

Vậy, sau quy định này, chi phí xây dựng của người dân bị “đội” lên, trong khi chất lượng chuyên môn, quy kết trách nhiệm cho đơn vị khảo sát vẫn là dấu hỏi?!

Một trong nhiều nội dung được Bộ Xây dựng đề ra trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 180/2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, theo hướng tăng thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường/xã đối với công tác xử lý vấn đề thi công nhà làm lún, nứt nhà hàng xóm, là không cắt điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng.

Vi phạm luật xây dựng, xây sai phép đã trở thành “vấn nạn”

Liên quan tới xử lý vi phạm TTXD, các biện pháp hiện hành chủ yếu là: đình chỉ xây dựng, ngừng cấp điện/nước cho công trình vi phạm theo đúng thời hạn yêu cầu trong quyết định đình chỉ, cưỡng chế phá dỡ, buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra…
Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định tính hiệu quả của các chế tài trên nhưng thừa nhận “phải bỏ” vì Luật Xây dựng mới ban hành không có biện pháp cắt điện/nước. Theo hướng đề xuất của Bộ, các công trình xây dựng gây lún nứt, sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận sẽ phải ngừng thi công để bồi thường thiệt hại. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh quyền của UBND cấp phường/xã với vai trò “trung gian hòa giải, thỏa thuận”.

Chủ tịch phường/xã là “trọng tài”

Được biết, sau khi lập biên bản vi phạm, nếu 2 bên không thể tự thỏa thuận và 1 bên có đơn yêu cầu, Chủ tịch phường/xã sẽ là “trọng tài” đàm phán mức bồi thường. Hết 7 ngày (từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành), UBND phường/xã tiếp tục đứng ra lần 2. Nếu vẫn chưa xong, lãnh đạo UBND phường/xã sở tại được quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của nhà hàng xóm (phía bị ảnh hưởng), có xem xét đến đề nghị của bên xây nhà.

Trường hợp 2 bên không thống nhất về lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại, UBND sẽ mời một tổ chức. Nếu 1 bên không đồng ý với kết quả giám định, UBND sẽ quyết định mức bồi thường dựa trên kết quả đó. Sau khi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, bên vi phạm sẽ được tiếp tục (!)

Về cần thiết phải tăng trách nhiệm, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, lãnh đạo Thanh tra Bộ đưa ra lý do: “tránh trường hợp bên bị thiệt hại cứ lợi dụng việc 2 nhà mâu thuẫn để kiện, làm khó cho chủ công trình đang xây dựng”.

Xâu chuỗi các tình huống thực tế, nếu chủ đầu tư thi công gây ảnh hưởng chất lượng công trình lân cận, việc phải làm đơn giản chỉ là bồi thường thông qua kết quả giám định, với quyền “phán quyết tối cao” được trao cho UBND phường/xã. Còn lại, không cần quan tâm tới việc đồng thuận hay không của bên bị ảnh hưởng.

Giả thiết nội dung Dự thảo vừa nêu được phê chuẩn, rất có khả năng lực lượng Thanh tra xây dựng các cấp sẽ “nhẹ gánh” trông thấy. Bởi lẽ công việc/trách nhiệm trong xử lý vi phạm TTXD tại địa bàn hành chính nhỏ nhất đã quy về một mối, là UBND sở tại.

Tháng 6/2012 (năm “bùng phát” vi phạm TTXD đô thị ở Hà Nội), chính Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy bức xúc phân tích: “Thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư". Khi ấy, đơn vị quản lý bị “bêu tên” - Sở Xây dựng cũng thừa nhận trách nhiệm…

Vậy, với “cây gậy thống chế” mang tên UBND phường/xã, cơ quan quản lý vĩ mô sẽ không lo những vụ kiện tụng lình xình kéo dài nhiều năm liên quan tới TTXD. Cũng chẳng lo tình trạng án “tồn đọng” khó xử lý trong lĩnh vực tư pháp. Cá nhân vi phạm, đặc biệt là DN tạo lập BĐS đã… vui trở lại!

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Chủ đầu tư dùng chính lợi ích từ vi phạm để hối lộ cán bộ. Giá thị trường nhà ở 2.000 - 3.000 USD/m2 mà công trình vượt phép mấy nghìn m2 cho thấy lợi nhuận của chủ đầu tư vô cùng lớn, họ dùng một phần lợi nhuận để chạy, thì thành trì nào cũng thủng



DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh