Dân tập thể Thành Công từ chối nhà tái định cư

Cập nhật 01/12/2008 09:12

Mặc dù TP Hà Nội đã dành thêm 40 căn hộ ở Pháp Vân- Tứ Hiệp ở huyện Thanh Trì làm nơi tái định cư cho các hộ dân ở ba khu chung cư I1, I2, I3 Thành Công sắp bị phá dỡ. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã từ chối ở nhà tái định cư mà chọn phương án nhận tiền hỗ trợ thuê nhà.

Đến khu nhà nguy hiểm I1, I2, I3 Thành Công (quận Đống Đa) thời điểm này chỉ thấy phía nhà I1 còn chút sôi động với việc một số người dân tranh thủ sân trống chơi thể thao hay bắc nghế ngồi uống trà trò chuyện.

Cạnh đó, khu I2, I3 đã vắng lặng do các hộ dân đã di dời phần nhiều. Nhà I2 vắng vẻ nhất bởi 80% các hộ dân ở đây đã di dời đi, chỉ còn khoảng 5-7 hộ tầng 1 và 1 hộ tầng 4 chưa di dời.

TP Hà Nội đã dành 40 căn hộ cho người dân tái định cư tại Pháp Vân - Tứ Hiệp nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng xa quá nên không mấy ai đi mà tự lo thuê chỗ ở gần nơi cũ do dính líu đến con cái học hành và cuộc sống việc làm hiện tại.

Như hộ anh Hùng, nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng (mức thấp nhất trong 3 mức: 3-4-5 triệu/tháng) để thuê nhà. Anh Hùng cho biết, số tiền hỗ trợ này đối với anh là… hơi thiếu, nhưng đổi lại anh chọn điểm thuê quanh quanh khu Thành Công để đảm bảo cuộc sống thường ngày, vợ chồng con cái không bị thay đổi gì nhiều.

Anh Hùng cũng cho biết, anh ủng hộ chủ trương của TP và chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo anh thì khi nào dự án hoàn thành, được về “nhà cũ” mới thực sự là yên ổn.

Đồng quan điểm với anh Hùng, ông Phạm Đình Lục, cán bộ hưu trí thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư sống tại tầng 1 cũng cho biết, do nhà ông xuống cấp trầm trọng từ 10 năm nay, nên dù trước đó, chưa có chủ trương, gia đình cũng đã di dời đi thuê nhà từ hơn 4 năm trước, thỉnh thoảng ông chỉ quay lại "ngó" nhà và chờ đến ngày dự án xây nhà mới.

Cũng như nhà ông Lục, trong đợt ngập úng của Hà Nội vừa rồi, các nhà tầng 1 của khu tập thể nguy hiểm này còn ngập đến ngang người do nền nhà thấp hơn mặt bằng bên ngoài đến 40-50 cm.

Vì thế, ông Lục bày tỏ ngay quan điểm ủng hộ chủ trương phá bỏ nhà nguy hiểm xây nhà mới. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở vì nhà ông bỏ không ở đây hơn 4 năm mà chưa biết đến lúc nào có thể thấy bóng dáng nhà mới - trong khi ông tốn kém rất nhiều vì phải bỏ tiền đi thuê nhà.



Góc nhà nguy hiểm I2 nhà ông Lục đã im ỉm (Ảnh: Kiều Minh).


Nhiều người dân khi được hỏi đều tỏ ý hài lòng, “thoả mãn” với chính sách đền bù tái định cư của Công ty Sông Hồng (chủ đầu tư dự án xây mới), thậm chí, khi được người dân yêu cầu, Công ty này còn cử cán bộ đến làm hợp đồng thuê nhà cho người dân.

Tuy nhiên, cũng có hộ dân bày tỏ tâm tư lo lắng vì khi dời đi mà chưa được mua nhà theo diện 61, chưa được cấp “sổ đỏ” nên còn… chần chừ. Có hộ than phiền vì chưa được bàn bạc đến nơi đến chốn với các nhà chức trách nên chưa an tâm đi.

Lo lắng nhất vẫn là các hộ tầng 1 bởi nhiều hộ chuyển đi là mất luôn việc kinh doanh buôn bán (chủ yếu kinh doanh hàng ăn, tạp phẩm, lương thực thực phẩm…). Bà Dương Thị Tuyết, tầng 1 nhà I2 cho biết, trước đây nhà bà trông giữ xe, cũng thu được một khoản đều đặn để chi tiêu, nhưng giờ rời khỏi đây là bà phải chấp nhận khoản thu này… mất!

Ông Lục kể, phường Láng Hạ có mời dân ra họp, nhưng giống như… thả vịt ra đồng mà người chăn vịt cầm que nhưng chẳng đuổi, sau 3-4 tiếng đồng hồ ai muốn nói thì nói mà không kết luận được bất kỳ một câu nào trong cuộc họp khiến người dân rất bức xúc. "Quyết định dời ngay tôi cho là sự vội vã hơi quá, kể ra họ về đây họp với dân thì tốt hơn”, ông Lục than phiền.

Ông Lục cũng cho biết, sau này người dân đề nghị chia 3 nhà họp 3 lần, kết quả: nhà I2 họp đầu tiên đồng tình cao, nhà I3 của Bộ Công an hầu hết cũng ủng hộ, còn nhà I1 tuần tới họp nên… chưa biết thế nào!

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News