Dân Rạch Tôm, Nhà Bè lo mất nhà vì sạt lở

Cập nhật 02/06/2017 10:27

Những hộ dân nơi đây đều cho biết nếu buộc phải di dời thì họ đi nhưng mong được địa phương hỗ trợ vì hầu hết đều rất khó khăn.

“Theo phân tích của các nhà khoa học, sạt lở ở khu vực Nhà Bè sẽ diễn ra từ từ chứ không có tính chất nhanh chóng giống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế bà con không nên quá hoảng loạn mà cần giữ vững tinh thần”.

Sáng 1-6, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã động viên người dân như trên khi cùng đoàn công tác đến chỉ đạo khắc phục điểm sạt lở tại hẻm 1740, cạnh sông Rạch Tôm (ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM) xảy ra vào ngày 31-5.

Gửi con nơi khác tránh nguy hiểm

Tại hiện trường, theo ghi nhận, một vết nứt dài khoảng 40 m xuất hiện trên mặt đường hẻm 1740, cạnh sông Rạch Tôm, cách đường Lê Văn Lương 300 m khiến các hộ dân sống ở khu vực này hết sức lo lắng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đỗ Đức Lợi (ngụ 1740/37 Lê Văn Lương) cho hay: “Sau khi phát hiện vết nứt lớn, tôi đã gửi con mình đang học cấp I đến nhà bà con ở nơi khác để tránh nguy hiểm. Hiện tại, nhà tôi chưa di dời vì ngôi nhà này là tất cả những gì tôi có. Tuy nhiên, nếu các hộ xung quanh mà đi thì chúng tôi buộc lòng cũng phải đi theo mặc dù chưa biết phải đi đâu”.

Anh Lợi nhớ lại: “Cách đây vài tháng, chúng tôi phát hiện có những vết nứt nhỏ trên mặt đường nên cũng đã trình báo với địa phương. Chiều 31-5 vừa qua, bà con tại đây lại một phen hốt hoảng khi phát hiện vết nứt lớn, kéo dài hàng chục mét nên lại cấp tốc chạy báo xã. Sau đó chủ tịch xã cùng nhiều lãnh đạo khác đã xuống xem xét hiện trường”.

Vết nứt xuất hiện khiến các hộ dân sống ở khu vực Rạch Tôm nơm nớp lo sợ khi mùa mưa đang đến. Ảnh: HỒNG TRÂM



Khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao tại ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: TG

Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (người dân ấp 3) tâm sự: “Từ lúc biết được rằng nhà có thể bị đổ sập xuống sông, tôi mất ăn mất ngủ, chán nản không kể xiết. Vừa qua, lãnh đạo xã có thông báo các hộ dân chúng tôi có thể di dời đến trường học hoặc trạm xá để ở tạm chứ chưa có hỗ trợ nào khác”.

Không giấu được nỗi buồn, ông Lê Quốc Cường (ngụ 1740/10 Lê Văn Lương) nói: “Gia đình tôi mười mấy năm làm nghề buôn bán trên con sông này để mưu sinh. Giờ vết nứt có thể khiến nhà của tôi rơi xuống sông, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng tôi. Hai đứa con nhỏ tôi đã gửi nhà người quen đề phòng nguy hiểm. Riêng tôi và vợ thì vẫn ở đây, ban ngày đi thu mua hải sản, ban đêm thì ra ngoài sân ngủ chứ không dám ngủ trong nhà”.

Khi được hỏi nguyện vọng của mình, những hộ dân nơi đây đều cho biết nếu buộc phải di dời thì họ đi. Đồng thời họ mong được địa phương hỗ trợ vì đa số đều rất khó khăn.

Dòng chảy không ổn định, tạo ra hố xoáy

Ngày 1-6, sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường, ông Lê Văn Khoa đã thăm hỏi các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, động viên và lắng nghe nguyện vọng của mọi người.

Qua khảo sát, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc GTVT TP.HCM, cho biết nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng sụp lún là do đường hẻm 1740 được xây dựng trên nền đất yếu. Lượng xe lưu thông cũng khá cao nên khi triều cường dâng lên rồi rút xuống rất dễ khiến nền đất bị xói lở. Ông Cường cho rằng khu vực trên chưa được xây dựng bờ kè mà chỉ như đất tự nhiên ven rạch nên có nguy cơ bị sạt xuống khi mưa lớn hoặc triều dâng khá cao.

Còn theo PGS-TS Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Thủy lợi miền Nam, qua đánh giá ban đầu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên là do dòng chảy qua khu vực bị mất ổn định, tạo ra hố xoáy làm đất bị xói mòn.

Ông Thanh nhận định với tình trạng hiện hữu, nước đang dâng cao nên tạo áp lực phản áp, ít gây nguy hiểm nhưng rất lo ngại khi nước rút sẽ làm nền đất ven bờ rạch dễ bị sạt xuống. Ông Thanh đưa ra giải pháp trước mắt là phải khẩn cấp lấp hố xoáy dưới lòng rạch để ngăn tình trạng xói lở tiếp tục lan rộng.

Tuy nhiên, GS-TS Lê Mạnh Hùng, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Khoa học - Thủy lợi miền Nam, nhận xét tình trạng sụp lún và nguy cơ sạt lở tại khu vực này chưa đến mức thực sự nghiêm trọng. Vì vậy các đơn vị cần bình tĩnh để xử lý, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân nhưng việc khắc phục cần thực hiện trên cơ sở khoa học, đúng tính chất và mức độ. Ông Hùng cũng cho rằng cần nhanh chóng lấp hố xoáy dưới lòng rạch rồi sau đó mới nghiên cứu thêm để đưa ra giải quyết căn cơ.

Di dời người dân, xử lý khẩn cấp trong năm ngày

Tài sản của người dân phải tuyệt đối được bảo đảm. Trước mắt, đến sáng 2-6, phải di dời bảy hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng khi thực hiện việc khắc phục khẩn cấp rồi mới tính đến giải pháp xử lý triệt để.

Yêu cầu UBND huyện Nhà Bè họp dân để thông tin chi tiết về tình hình, nêu hiện trạng, các giải pháp mà chính quyền đã, đang và sẽ thực hiện để người dân an tâm. Song song đó, các lực lượng cũng phải túc trực 24/24 giờ nhằm cập nhật diễn biến mới cũng như giữ gìn tài sản cho người dân.

Sở GTVT cần phối hợp Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cùng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc kiểm tra toàn diện, xử lý khẩn cấp khu vực trong thời gian năm ngày. Việc khắc phục vẫn phải đảm bảo đúng các vấn đề về kỹ thuật và an toàn.

UBND TP chấp nhận cho Sở GTVT tạm ứng 300 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác thuê đơn vị tư vấn đánh giá toàn diện để có phương án xây dựng công trình nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Lập dự án để xử lý triệt để

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, đánh giá việc xử lý tuy khẩn cấp nhưng cẩn thận theo từng bước, có sự phối hợp đồng bộ với địa phương cũng như các đơn vị liên quan. Sau khi thực hiện xong việc xử lý trước mắt, ông Cường kiến nghị UBND TP cho lập một dự án xây dựng công trình tại khu vực trên theo cơ chế khẩn cấp để xử lý triệt để.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật