Dân quận 9 "găm" đất vườn, chờ tăng giá

Cập nhật 24/03/2017 09:23

Đất tăng giá, doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) đổ xô phân lô bán nền khiến những mảnh đất vườn/nông nghiệp (chưa lên thổ cư) của dân bản địa ngày càng “đắt giá”.

Chờ giá tăng…

Tại khu vực P.Long Trường, P.Trường Thạnh, P.Phú Hữu (Q.9), xen kẽ những dự án KDC mới/hiện hữu đã và đang được triển khai là những mảnh đất của dân bản địa.

Khảo sát của phóng viên, vào đầu năm 2016, hàng loạt người dân sống lâu năm tại Q.9 đã bán lại đất vườn cho các DN BĐS với giá từ 3 – 6 triệu đồng/m2. Đến nay, trước tình hình đất tăng giá, họ chưa “vội” bán dù DN “tha thiết” hỏi mua. Theo tìm hiểu của PV, đất nông nghiệp/đất vườn tùy vị trí, mức giá đã nhỉnh hơn 2 – 3 triệu đồng/m2 so với đầu năm 2016. Đây là nguyên nhân khiến những người dân có đất tiếp tục chờ đợi giá tăng mới bán lại cho các DN.

Tại các khu vực đường Trường Lưu, Tam Đa, đường 11, Lò Lu, Lã Xuân Oai, Long Thuận, Long Phước… vẫn còn khá nhiều mảnh đất vườn chưa thổ cư của dân gốc bản địa được DN săn đón mua lại. Theo ông Trịnh Đình Bản (ngụ P.Long Trường, Q.9), mảnh đất vườn hơn 3 ha của ông đã được nhiều DN ngỏ ý mua với giá 6.5 triệu đồng/m2 nhưng ông vẫn chưa bán. Ông Bản cho biết, đất đai còn tiếp tục tăng giá nên chưa muốn bán ra, hiện tại gia đình ông sử dụng để trồng cây và chăn nuôi. Xung quanh mảnh đất của ông Bản, các dự án KDC mới/hiện hữu đua nhau mọc lên khiến đất đai khu vực càng “nóng sốt”. Sống tại khu Tam Đa (P.Trường Thanhh) hơn 60 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm hiện đang sở hữu gần 5 ha đất mặt tiền đường Tam Đa. Bà cũng chưa có ý định bán lại trong thời điểm này mặc dù một số CĐT hỏi mua với giá 7 triệu đồng/m2. Bà Thắm cho hay: “Đất có vị trí mặt tiền nên tôi để đó chờ giá lên cao mới tính bán lại một phần”. Tương tự, sở hữu mảnh đất rộng 1.000m2 chưa lên thổ cư tại đường Nguyễn Xiển, Ấp Thái Bình, P.Long Bình, anh Nguyễn Văn Xuân rao bán với giá 6 triệu đồng/m2 vào cuối tháng 12/2016. Sau Tết, có CĐT hỏi mua nhưng anh lại nấn ná trước tình hình đất còn tăng giá. Quỹ đất vườn của dân bản địa Q.9 đang được DN tư nhân săn lùng để làm dự án KDC. Người dân đang có tâm lý càng để lâu, đất càng được giá. Vì thế, nhiều hộ dân “găm hàng” chờ giá tăng mới bán lại. Hiện nay, những mảnh đất chưa lên thổ cư được CĐT mua trực tiếp với giá 6-8 triệu đồng/m2 (tùy diện tích và vị trí). Nếu thông qua môi giới, giá có thể bị đẩy lên cao hơn từ 0.5 – 2 triệu đồng/m2.

Ảnh minh họa

Cách đây 4 năm, những mảnh đất chưa lên thổ cư tại Q.9 còn rất nhiều, hầu hết đều hoang sơ và được bao bọc bởi các rặng dừa nước um tùm. Từ năm 2015, nhiều DN BĐS đổ về đây khai thác KDC mới, người dân đồng loạt bán lại đất cho DN, thu về tiền tỷ. Đến nay, quỹ đất dần khan hiếm, những người còn đất đang hưởng giá trị tăng giá của tài sản sở hữu. Ông Nguyễn Duy Phương, một NĐT lẻ sống tại Q.2 cho biết ông trả giá 24 tỷ đồng một miếng đất rộng hơn 3.000m2 của hộ dân sống tại P.Phú Hữu nhưng họ vẫn chưa chịu bán lại. Theo ông Phương, nếu trước đây gom đất chưa lên thổ cư của dân bản địa khá dễ dàng với giá mềm từ 2 – 4 triệu đồng/m2 thì hiện này giá tăng gần gấp đôi, dân vẫn chưa muốn bán ra.

Không thể tự lên thổ cư

Theo tìm hiểu của PV, những mảnh đất vườn chưa thổ cư của dân bản địa còn khá nhiều. Người dân gặp khó khăn khi tự lên thổ cư cho chính mảnh đất của mình. Thủ tục, tiền thuế, phí chuyển đổi, quyền sở hữu… là những vướng mắc người dân vấp phải. Nhiều trường hợp người dân đã đóng đầy đủ tiền thuế cho diện tích đất sở hữu nhưng đợi chờ cả năm vẫn không có phản hồi từ cơ quan xét duyệt hoặc nhiều lần bổ sung hồ sơ vẫn không được chấp thuận…. Không hiếm trường hợp bị trả lại hồ sơ vì vướng đường đi chung, tách sổ mới…

Một người dân có đất sống tại P.Long Trường giãi bày: “Mình không lên thổ cư nổi đâu. Doanh nghiệp họ có mối quen biết mới làm được”. Đó là lý do nhiều người dân chọn giải pháp bán lại đất cho doanh nghiệp.

Thậm chí, nhiều người dân bị tâm lý “đám đông”, thấy người khác bán đất vườn cho DN cũng bán theo. Không ít người không dự trù được giá đất còn tăng trong bối cảnh thị trường BĐS tăng giá nói chung nên đã bán cho DN với mức khá mềm từ 2-4 triệu đồng/m2. Đến nay, giá đất vườn tăng lên gần gấp đôi, nhiều người tỏ ra tiếc nuối…

Ngoài ra, một số trường hợp đất vườn bị vướng tranh chấp hoặc một phần đất thuộc sở hữu chung cũng khiến giao dịch đất vườn giữa người dân với DN gặp khó khăn. Vì thế, tại một số KDC hiện nay, gần kề những dãy nhà cao tầng mọc lên vẫn còn những mảnh vườn đất trống của dân bản địa chưa bán lại được.

Theo tìm hiểu của PV, giá đất thổ cư tại Q.9 bình quân từ 17 – 25 triệu đồng/m2, trong khi đất vườn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng giá dưới ngưỡng 8 triệu đồng/m2. Trước bối cảnh đất tăng giá và KDC đua nhau mọc lên đã khiến không ít người dân bán đất trước đó “ngậm ngùi”. Ngược lại, những hộ gia đình còn đất vẫn đang chờ đất tiếp tục tăng giá để bán lại cho DN.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp sống thời đại