Sự việc chính quyền huyện Đan Phượng và xã Liên Trung (Hà Nội) cho triển khai thực hiện dự án 20ha ngay tại khu vực bãi giữa sông Hồng khiến nhiều hộ dân bám trụ khu vực này gần 20 năm qua rất băn khoăn, bức xúc. Điều đáng nói, khu vực này đang thuộc không gian thoát lũ của sông Hồng, bị cấm xây dựng công trình xây dựng và cây trồng lâu năm.
Dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao lại được cho phép xây dựng trên không gian thoát lũ thuộc bãi giữa sông Hồng. Ảnh: PV
|
Lấy đất dân đang canh tác giao cho “đại gia”?
Theo đơn của một số hộ dân đang canh tác tại bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội), từ những năm 1960, khu vực đất bãi giữa sông Hồng bị bỏ hoang hoá, không giấy tờ, các hộ dân trong xã cùng nhau sang khai phá, sản xuất. Tới năm 2000, UBND xã Liên Trung giao toàn bộ diện tích đất bãi giữa cho Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Liên Trung quản lý, ký hợp đồng cho thuê với các hộ dân và thu sản hằng năm. Thời điểm đó, khoảng 30 hộ vẫn kiên trì bám trụ, khai phá, sản xuất nông nghiệp và giữ đất, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với chính quyền.
Bà Nguyễn Thị Chí (76 tuổi, xã Liên Trung) bức xúc: Người dân chúng tôi rất khó khăn mới phải bám trụ trồng cấy ở đây gần 20 năm qua nhưng lại bị lấy đất giao cho “đại gia” - doanh nghiệp nên chúng tôi không đồng ý.
Theo nhiều hộ dân, tất cả 19 hộ dân có đất và bám trụ với đất này gần 20 năm qua đều không đồng ý cho việc thực hiện Dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung.
Cũng theo tìm hiểu của PV, cơ sở để UBND xã Liên Trung lấy đất dân đang canh tác giao lại cho chủ đầu tư là các quy định, thông báo thông qua về mặt chủ trương về dự án của UBND huyện Đan Phượng, chứ chưa có một quyết định chính thức về việc này.
Cho xây dựng dự án trên hành lang thoát lũ?
Theo tài liệu PV có được, Dự án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung do ông Phạm Hải Đăng lập nên, và đứng tên dự án với danh nghĩa cá nhân. Ông Đăng là Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS). Dự án có diện tích 20ha, vốn đầu tư khoảng 20 tỉ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Đạt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng - cho biết: “Đất bãi giữa không phải thực hiện các quy trình thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng như đất thông thường. Đây không phải đất công, mà của người dân cả xã, nên chỉ cần đa số người dân đồng ý là thực hiện được. Huyện đồng ý về mặt chủ trương, còn lại giao cho xã triển khai, ký hợp đồng thuê đất với nhà đầu tư”. Theo ông Đạt, đây là hợp đồng dân sự, nếu có tranh chấp thì giải quyết tại toà.
Còn ông Hoàng Văn Hanh - Chủ tịch UBND xã Liên Trung - cho rằng, đây là đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, không phải của người dân khai hoang, nên xã lấy lại đất không cần quyết định thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng là hoàn toàn phù hợp.
Điều đáng chú ý, theo Quyết định 1682/QĐ-UBND, ngày 20.4.2018 của UBND huyện Đan Phượng, về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên, địa phương cho phép dự án được làm nhà lưới, nhà liên mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm và công trình phụ trợ (nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…). Trong khi đó, khu vực bãi giữa là không gian thoát lũ sông Hồng, bị cấm xây dựng công trình và trồng cây lâu năm. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc.
Ngoài ra, UBND huyện Đan Phượng uỷ quyền cho UBND xã Liên Trung ký hợp đồng cho nhà đầu tư thuê đất 20 năm. Trong khi, theo Điều 37 Luật Đất đai 2013, cấp huyện mới được quyền giao, cho thuê đất. Việc giao, cho thuê đất không được uỷ quyền.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động