Khung giá đất sẽ phải uyển chuyển hơn, không gò cứng để địa phương không bị cản trở việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
“Bài học đắt giá vừa xảy ở Văn Giang (Hưng Yên) và ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã được xem xét rất kỹ khi sửa Luật Đất đai để sau khi sửa luật này sẽ không còn các vụ việc tương tự. Nếu không làm được như vậy thì trách nhiệm của những người làm luật không đạt” - ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề cuộc họp thẩm định dự án Luật Đất đai sửa đổi do Bộ Tư pháp tổ chức, chiều 27-8.
Luật sửa đổi phải được lòng dân
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng khiếu kiện đất đai hiện nay là vấn đề nóng bỏng nhất. Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi cần phải làm sao để hạn chế được điều này. “Muốn giảm được khiếu kiện hiện nay thì Luật Đất đai sửa đổi phải đảm bảo lợi ích cho người dân và lợi ích cho Nhà nước (Nhà nước thu được tiền sẽ đầu tư trở lại cho người dân và xã hội). Tránh để người dân thấy rằng nhà đầu tư được hưởng lợi quá nhiều” - ông Cường nêu vấn đề cốt lõi.
Cũng theo ông Cường, hiện nay nhiều nơi bồi thường cho người dân theo kiểu vừa dụ vừa dỗ là không được. Việc bồi thường phải đảm bảo công bằng. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ để chuyển đổi nghề.
Muốn giảm được khiếu kiện hiện nay thì Luật Đất đai sửa đổi phải tránh để người dân thấy rằng nhà đầu tư được hưởng lợi quá nhiều. Trong ảnh: Thi công cơ sở hạ tầng một dự án nhà ở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: HTD
|
Chia lại mới công bằng?
Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì sẽ không chia lại ruộng đất vào năm 2013. Đây cũng là phương án được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ vì không gây xáo trộn. Tuy nhiên, tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nga - giảng viên bộ môn Luật Đất đai Trường ĐH Luật Hà Nội lại có ý kiến ngược lại. “Gia đình chỉ có hai cụ già yếu nhưng lại có tới sáu sào ruộng. Trái lại, nhiều người sinh sau đang ở độ tuổi lao động lại không có một tấc đất. Như vậy là rất vô lý. Vì vậy, chia lại đất là cần thiết và phù hợp với thực tế. Đất nông nghiệp phải thực sự về tay nông dân cần đất để sản xuất” - bà Nga nói.
Mặt khác, theo bà Nga, nhiều địa phương có quỹ đất nông nghiệp, gọi là đất 10% hay đất dự phòng nhưng lại cho thuê với thời hạn hơn 20 năm. Nhiều người dân ở địa phương không có đất sản xuất nông nghiệp nhưng địa phương lại không thể lấy quỹ đất này chia cho họ.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP