Hơn chục năm nay, hàng nghìn hộ dân trong khu vực quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành, mỏi mòn chờ tới ngày được chuyển tới nơi tái định cư, để ổn định cuộc sống.
Mong sớm được di dời
Theo quy hoạch, để xây dựng sân bay Long Thành, tổng vốn đầu tư khoảng 16 tỷ USD, tỉnh Đồng Nai sẽ phải giải tỏa 5000ha đất, với khoảng gần 4.900 hộ dân (khoảng 15.000 nhân khẩu) phải di dời, tái định cư. Trong đó xã Suối Trầu (huyện Long Thành) sẽ nằm trọn trong dự án nên bị giải thể. Các xã khác thuộc huyện Long Thành như: Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn bị mất một phần diện tích.
Người dân trong vùng quy hoạch dự án đã nhận được thông tin quy hoạch này từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa biết bao giờ dự án mới được triển khai? Khi nào họ được đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống?
Nhiều đoạn đường ở xã Xã Suối Trầu lầy lội, đầy ổ gà, ổ voi
Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang bị chậm so với yêu cầu đề ra. Trong khi đó, do được yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng nên nhiều năm qua người dân không được xây nhà mới. Nếu nhà xuống cấp thì chỉ dám sửa chữa qua loa. Cũng không ai dám đầu tư vào việc trồng trọt cây lâu năm hay xây dựng chuồng trại chăn nuôi… Các công trình công cộng không được đầu tư, cải tạo, nâng cấp khiến diện mạo của những địa phương nằm trong quy hoạch nhìn rất tiêu điều.
Bà Lương Thị Ngọc Phượng (trú tại ấp 3, xã Suối Trầu) cho biết, không chỉ gia đình bà mà đa số những hộ dân nằm trong quy hoạch dự án đều mong sớm được bồi thường, tái định cư. “Hiện tại nhà cửa của gia đình tôi xuống cấp nhưng không được xây mới, còn sửa chữa thì cũng chẳng biết sẽ ở được bao lâu nên cứ ở tạm. Việc trồng trọt cây lâu năm, xây dựng chuồng trại nuôi gia súc gia cầm, vẫn được nhưng chẳng biết sẽ thu được trong bao lâu. Khi giải tỏa thì những tài sản phát sinh sau quy hoạch này, đều không được đền bù nên không ai dám đầu tư”, bà Phượng cho biết.
“Đường xá lâu rồi không được cải tạo. Nhiều khu vẫn còn là đường đất đỏ, lầy lội và rất nhiều ổ voi, ổ gà. Đứa cháu tôi mới bị té xe sưng hết mặt mày vì đường quá xấu. Trường học cũng không được nâng cấp. Hiện các cháu phải học trong những ngôi trường hoang tàn, tường gạch bong tróc, bàn ghế xiêu vẹo, nhìn rất tội nghiệp”, bà Phượng nói.
Ông Đỗ Văn Đường (SN 1962, trú tại ấp 1, xã Suối Trầu) cho biết, ông sinh sống ở đây đã hơn 20 năm và trước đây chủ yếu làm nông nghiệp. Từ khi có thông tin xã Suối Trầu sẽ bị giải tỏa trắng để xây dựng sân bay Long Thành, ông Đường không dám đầu tư trồng trọt gì nữa. Vườn điều già cỗi không cho trái nữa nhưng không dám chặt đi vì sợ không được đền bù.
Ông Đường cho biết vườn điều đã già cỗi nhưng không dám chặt để trồng mới
Khoảng 5 năm nay, vợ chồng ông Đường phải thuê một căn nhà ở mặt đường liên xã để bán đồ ăn sáng kiếm tiền trang trải cuộc sống. Do chưa biết khi nào chuyển đi nên vợ chồng ông không dám đầu tư nhiều vào quán. Ông mong sớm được di dời tới nơi tái định cư để gia đình ông yên tâm buôn bán. “Giờ cứ làm ăn kiểu cầm cự, nằm chờ thế này thì không bị đói là may chứ đứng nói tới việc có thể làm giàu được”, ông Đường chia sẻ
Nhiều lo lắng về nơi ở mới
Mặc dù những người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án sân bay Long Thành đều mong sớm được bồi thường và di dời, nhưng họ cũng có nhiều lo lắng vì chưa biết khi tới nơi ở mới cuộc sống sẽ ra sao.
Ông Đường chia sẻ: “Xã Suối Trầu từ lâu đã là một trong những xã nghèo của tỉnh Đồng Nai. Sau khi được xác định nằm trong quy hoạch dự án sân bay Long Thành, người dân không kiến thiết gì nữa nên trông càng tiêu điều hơn. Hiện có một số ít gia đình có điều kiện đã đi mua đất ở chỗ khác để ở, còn đa số vẫn chờ nhận tiền đền bù mới có tiền mua đất tái định cư. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa biết mình sẽ được bồi thường ra sao. Do đó chúng tôi rất lo lắng, không biết số tiền được đền bù có đủ để mua đất xây nhà mới hay không?”
Ông Lâm Văn Đương (SN 1965, trú ấp 1, xã Suối Trầu) cho biết, cuộc sống của gia đình ông suốt nhiều năm qua chủ yếu dựa vào vườn điều rộng hơn 5 sào. Vì sân bay Long Thành là dự án lớn của quốc gia nên ông sẵn sàng di dời. Tuy nhiên, ông không khỏi lo lắng vì khi tới nơi ở mới, nếu không còn đất để trồng trọt, chăn nuôi thì vợ chồng ông chưa biết làm gì để sống.
“Thực tế hiện tại đa số thanh niên trong xã đều đã đi ra ngoài làm thuê, làm công nhân… Còn những người già như chúng tôi thì chẳng ai thuê nữa. Rất mong các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp tạo công ăn việc làm hoặc đào tạo nghề cho những người thuộc diện phải di dời để mọi người sớm ổn định cuộc sống”, ông Đương chia sẻ.
DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet