Dân đang rút tiền tiết kiệm để đổ vào BĐS, chứng khoán?

Cập nhật 15/09/2011 11:25

Thực tế là rất nhiều ngân hàng đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ dân rút tiền về mà chưa có cách gì cứu vãn. Mặc dù các ngân hàng và chuyên gia đều cho rằng, việc đồng thuận đưa lãi suất về 14% sẽ không ảnh hưởng tới huy động vốn và không lo mất vốn vì "rút tiền thì bỏ vào đâu bây giờ". Song, thực tế là rất nhiều ngân hàng đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ trên mà chưa có cách gì cứu vãn.

Rút tiền về rồi tính

Đầu giờ sáng ngày 13/9, tại chi nhánh một ngân hàng cổ phần nhỏ mới được chuyển đổi trên phố Trần Đại Nghĩa - Hà Nội, cùng một lúc 3-4 khách hàng cá nhân đến giao dịch đều đòi rút tiền khi đến hạn. Tính chung, kho quỹ ở đây phải chi đến hơn 2 tỷ đồng cho khách.


Thay vì gửi tiền trong ngân hàng, nhiều người đã rút tiền để đầu tư hướng khác có lời hơn. ( ảnh: minh họa)

Một khách hàng cầm sổ tiết kiệm gửi cách đây 3 tháng, với tấm dấy dán màu vàng ghi lãi suất 19% đính kèm, đòi rút cả vốn lẫn lãi. Cô nhân viên giao dịch tỉ tê: "Anh rút tiền về nhà có việc à"?. Khách hàng hờ hững hỏi: "Lãi suất bây giờ bao nhiêu hả em"?. Khi biết lãi suất tối đa chỉ 13,99%, khách quyết định rút hẳn.

Vị khách này nói thêm, trước đây, việc rút vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác chỉ xảy ra khi người gửi muốn có lãi suất cao. Nay, ở đâu cũng như nhau nên anh tập trung tiền về một mối, gửi ngân hàng gần nhà, tuy lãi suất không cao nhưng tiện giao dịch. Nếu giao dịch doanh số lớn sẽ được hưởng ưu đãi dịch vụ và vay nợ cũng dễ hơn.

Anh cũng chỉ gửi ngắn hạn, sau này làm gì tính tiếp.

Đây là lý do chung của rất nhiều người đến rút tiền tiết kiệm. Nhiều người gọi vui rằng đang "cơ cấu lại" danh mục tiết kiệm theo hướng tiện và tập trung. Điều này cũng dễ lý giải. Bởi trước đây, người gửi tiền "chạy loạn" tìm ngân hàng lãi suất cao, nay lãi suất cào bằng, họ lại quay về với những nơi tiện lợi giao dịch, có dịch vụ hỗ trợ tốt và ngân hàng lớn có uy tín.

Trong khi đó, với nhiều người, lãi suất thấp chính là thời điểm để đồng tiền chuyển động sinh lời cao hơn.

Rút hơn 500 triệu đồng ra khỏi một ngân hàng cổ phần, chị Vũ Thúy ở Hoàng Mai cho biết, miếng đất mua từ trước ở gần đường vành đai 2,5 hiện bán không lãi lắm nên chị quyết định rút tiền về đầu tư xây nhà cho thuê.

Chị Thúy tính, với hơn 60 m2 đất, xây nhà khung thép 4 tầng đã có 6 phòng cho thuê, 1 tầng làm dịch vụ. Tổng cộng, chi phí hết vài trăm triệu mà nguồn thu vào đều đặn không dưới chục triệu mỗi tháng. Tất nhiên, đây chỉ là thu tiền lẻ dần dần, nhưng bàn đi tính lại lợi nhuận vẫn cao hơn nhiều so với gửi ngân hàng, bởi giá cho thuê phòng ngày càng cao và đều đặn.

Rút vốn về góp vốn kinh doanh nhỏ là hướng được nhiều người lựa chọn. Thùy Linh làm kế toán ở một đơn vị nhà nước đã quyết định rút hết hơn 200 triệu tiền tích cóp cùng 3 người bạn góp vốn mở một cửa hàng sữa, bánh ngọt tại một khu đô thị mới mở. Linh tính toán, lãi suất ngày càng giảm, giá cả lại tăng nên lãi không ăn thua.

"Chúng tôi quyết định góp vốn kinh doanh, coi như kiếm thêm thu nhập", Linh nói.

Nhiều người khác cũng đang tính đến phương án dồn tiền sang bất động sản hay chứng khoán. Anh Huy Nam ở Hàng Bài - Hà Nội, cho biết, với hơn 2 tỷ gửi tiết kiệm để đành đổi nhà, nếu lãi suất 20% anh có một khoản thu kha khá. Nay lãi suất giảm, anh buộc phải tính lại.

Anh Nam cho rằng, BĐS ở được ngay trong các quận nội thành hay ven vành đai 3 của Hà Nội hầu như không xuống giá, hoặc xuống không đáng kể. Nay lãi suất xuống thấp, lợi nhuận giảm nên sẽ có nhiều người chuyển qua BĐS. Vì thế, anh tính vay thêm mua nhà ngay trước khi nhiều người đổ tiền vào khiến việc mua khó hơn.

Khẳng định giả thiết này, ông Cao Hoàng Minh - Giám đốc Công ty dịch vụ đất vàng Gia Minh, cho biết, nhà đất - nhất là chung cư đã hoặc sắp hoàn thành đang ở các quận trong nội thành Hà Nội và Hà Đông, ven Vành đai 3 và Lê Văn Lương kéo dài - đang giao dịch ấm trở lại. Ông Minh dẫn chứng, nếu như trước đây, những khu nhà ở Dương Nội rao bán rất khó thì hơn 1 tháng nay bán khá nhanh. Có vẻ như một dòng tiền đang tìm về với BĐS thực dụng.

BĐS thực dụng, theo ông Minh, là những khu đất có thể ở hay xây dựng để kinh doanh, nhà chung cư ở được hay cho thuê được ngay... Phân khúc này vẫn luôn có khách và giá không hề giảm. Mua để ở, hay cho thuê, kinh doanh vẫn bảo toàn được vốn mà có tiền vào hàng tháng là yên tâm.

Trong khi đó, rút tiền sang tích lũy vàng cũng đang được nhiều người quan tâm. Sau khi chứng kiến cơn sóng vàng lên đỉnh 49 triệu, nay rút xuống còn 46 triệu đồng/lượng, vợ chồng ông Hoàng Quang Thảo ở Cầu Giấy đã rút hơn một nửa trong số gần 2 tỷ đồng tiền tiết kiệm về mua vàng. Ông Thảo cho rằng, cứ nói lãi suất thực dương này nọ nhưng nhìn vào thực tế lãi suất không ăn thua so với tăng giá hàng ngày. Mà khi lạm phát không giảm thì vàng sẽ còn tăng giá nữa.

Ngân hàng nhỏ quay quắt

Xu hướng người dân kéo nhau rút tiền tiết kiệm khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Ngay sáng 14/9, chi nhánh ngân hàng phố Trần Đại Nghĩa trên đã phải xin điều chuyển vốn từ chi nhánh khác sang để hỗ trợ.

Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ thừa nhận, điều họ lo lắng ngày càng lộ diện khi xu hướng rút vốn và chuyển dịch vốn ra khỏi ngân hàng hiện hữu. Tuy chưa đến mức hàng ngàn tỷ mỗi ngày, song đây là dấu hiệu đáng lo ngại.

Trước tình trạng này, nhiều ngân hàng đã yêu cầu các chi nhánh báo cáo liên tục diễn biến về vốn và yêu cầu các nhân viên khi có người rút vốn trên 500 triệu. Ngoài việc thuyết phục, cần dò hỏi và tìm được nguyên nhân... để báo lên trên có cách giải quyết. Thậm chí, có lãnh đạo ngân hàng còn yêu cầu các đơn vị dịch vụ, khối huy động và cả truyền thông có sáng kiến để tăng huy động vốn và hấp dẫn người gửi tiền.

Nói thì nói thế nhưng vị này thừa nhận cách cạnh tranh duy nhất mà ngân hàng nhỏ có thể làm được là lãi suất - thì nay đã bị cấm. Các biện pháp khác hiện chưa thấy hướng nào khả thi vì làm gì cũng sợ vi phạm.

Trong khi đó, một số ngân hàng chỉ còn cách cào bằng lãi suất cao nhất có thể ở tất cả các kỳ hạn. Sáng kiến huy động vốn theo ngày mới đây của Ngân hàng Phương Tây cũng là biện pháp để đối phó với nguy cơ dòng tiền bị chảy đi.

Theo nhiều chuyên gia, động thái rút tiền ra để đầu tư vào một kênh khác hay chuyển tiền từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn, hoặc tìm ngân hàng có nhiều sản phẩm, dịch vụ, uy tín và sự chuyên nghiệp cao hơn để gửi tiền... là phản ứng bình thường của thị trường khi họ mất đi 20-25% lợi nhuận do lãi suất từ 19- 20% xuống còn 14%.

Nói về điều này, ông Quách Mạnh Hào từ Chứng khoán Thăng Long cho rằng, dòng tiền vào thị trường khoán đã tăng lên. Điều này được thể hiện thông qua việc nộp tiền ròng vào tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán. Lý do có thể là nhà đầu tư nhìn nhận nền tảng kinh tế vĩ mô đang bắt đầu cải thiện, và chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với các kênh được ưu ái thời gian qua là gửi tiết kiệm và mua bán vàng. Chứng khoán FPT cũng chung nhận định, dòng tiền được kỳ vọng sẽ chuyển từ tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán.

Sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác để tìm kiếm hiệu quả hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn có thể sẽ không lo ngại về điều này vì đi đâu (BĐS hay chứng khoán) thì tiền cũng được gửi vào ngân hàng. Nhưng đối với các ngân hàng nhỏ, đây thực sự là nỗi lo vì rất có thể "có đi mà không có lại".

Trông chờ lớn nhất của các ngân hàng lúc này tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng đến nay, việc này cũng chỉ mới thấy nói vậy. Mà để được hỗ trợ, cũng phải qua đủ vòng nên khó có vốn hỗ trợ sớm. Vì thế, ngay từ bây giờ, các ngân hàng phải quay quắt đối phó với việc bị rút tiền và còng lưng chịu vay vốn lại của các "ông lớn" sẵn nguồn tiền mặt đã cận room tín dụng.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN