Có nơi các cơ quan chức năng giải quyết bất nhất, không ai chịu ai và người dân dài cổ… chờ!
Thủ tục nhà đất khó khăn là câu chuyện không mới nhưng không bao giờ cũ. Nơi thì dân phải điều chỉnh bản vẽ cấp giấy chứng nhận nhiều lần. Có nơi phường và quận chỉ qua chỉ lại, dân không biết phải làm sao. Có trường hợp thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận quá lâu, giữa lúc đó chính sách về thuế thay đổi khiến người dân phải nộp thêm hàng trăm triệu đồng…
Bản vẽ điều chỉnh hoài chưa xong
Đầu năm 2014, bà Trương Thị Thủy nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận cho căn nhà 346 Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận. Từ tháng 1 cho đến tháng 11-2014, bản vẽ xin cấp giấy chứng nhận của bà Thủy bị yêu cầu điều chỉnh tới bốn lần.
Lần đầu, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận yêu cầu bà liên hệ công ty đo vẽ để bổ sung cấp nhà, vẽ thêm “sân thượng có mái che” tại tầng sân thượng, bổ sung quy hoạch đường Huỳnh Văn Bánh. Lần hai, đề nghị bà chỉnh sửa bản vẽ theo biên bản kiểm tra thực địa, tính toán lại diện tích công nhận và không công nhận, bổ sung ghi chú…
Hai tháng sau, bà nhận được văn bản đề nghị tiếp tục chỉnh sửa bản vẽ, trong đó có yêu cầu mới như thể hiện rõ kích thước tại các tầng hai, ba, bốn. Đến lần bốn, bản vẽ nhà bà lại bị bắt bẻ “phải chỉnh sửa cạnh phải từ ngoài nhìn vào theo biên bản thực địa”, thay ghi chú “diện tích tạm sử dụng không tính diện tích xây dựng” thành “lửng thấp không tính diện tích xây dựng” tại tầng năm.
Căn nhà 346 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận xin cấp giấy chứng nhận vô cùng vất vả với việc điều chỉnh bản vẽ. Ảnh: HTD
|
Cũng tại quận Phú Nhuận, ông Lê Văn Khế ngụ 174/30 Đặng Văn Ngữ đã qua ba lần nhận được công văn bổ túc hồ sơ, trong đó hai lần liên quan đến điều chỉnh bản vẽ. Bà Trương Thị Minh Đoàn ngụ 529/14 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận thì “đỡ” khi chỉ hai lần bị điều chỉnh bản vẽ với 14 gạch đầu dòng. “Bản vẽ cấp giấy chứng nhận đâu có phức tạp đến độ công ty đo vẽ không vẽ nổi mà cứ bị bắt điều chỉnh bổ sung, mỗi lần một nội dung khác nhau” - một người dân than thở.
Quận chỉ qua, phường chỉ lại
Khổ tâm và vất vả không kém là trường hợp bà Lại Ngọc Khuya tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Bà Khuya xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho khu đất 960 m2 của mình tại phường này. Hồ sơ được phường xác nhận và chuyển cho quận thì có phát sinh vướng mắc. Lý do là trên mảnh đất này có căn nhà của con gái bà Khuya đã được cấp số nhà với diện tích gần 50 m2.
Do những lý do nội bộ của gia đình, bà Khuya xin trừ phần nhà này ra khỏi diện tích đất xin cấp giấy chứng nhận và được VPĐKQSDĐ quận đồng ý. Nơi này đề nghị bà chỉnh lại bản vẽ cũng như xác nhận lại đơn xin cấp giấy chứng nhận. Tưởng dễ dàng, bà về phường nộp hồ sơ thì nơi này từ chối với lý do hồ sơ đã xác nhận rồi, đang thụ lý thì tiếp tục thực hiện.
Trong văn bản trả lời, lãnh đạo phường Tân Tạo A cho rằng việc xác nhận lại hồ sơ là không cần thiết và không đúng quy định. Và việc phường không xác nhận lại đơn là nhằm “tránh phiền hà cho người dân khi làm thủ tục hành chính”. Qua VPĐKQSDĐ thì không được giải quyết, trở về phường thì phường không xác nhận đơn, bà chẳng biết phải làm sao.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo A, ông Lê Phước Tài, cho rằng lý do không cần xác nhận lại đơn vì việc thay đổi diện tích đất không làm thay đổi các nội dung mà phường đã chứng trong đơn cũ. “Phường chỉ có nhiệm vụ xác nhận các yếu tố như tranh chấp, nguồn gốc, thời điểm sử dụng... Phường không xác nhận diện tích đất xin cấp giấy nên bây giờ có chứng lại cũng chỉ những nội dung như cũ mà làm phiền người dân” - ông Tài giải thích.
Trong khi đó, đại diện VPĐKQSDĐ quận Bình Tân, ông Nguyễn Hồng Xuân, cho rằng phải xác nhận lại để đảm bảo không tranh chấp. “Nếu mảnh đất này chỉ liên quan đến một chủ thì việc giảm diện tích đất là không sao. Nhưng vụ này liên quan đến người con là chủ căn nhà được cấp số nhà, không thể xác định được diện tích đã trừ ra là có đúng hay không, có bị người con tranh chấp khiếu nại hay không nên xác nhận lại đơn để đảm bảo đúng quy định” - ông Xuân lý giải.
Trước câu hỏi đây là công việc nội bộ của các cơ quan trong khâu cấp giấy nhưng do quan điểm khác nhau mà người dân lãnh đủ không biết phải làm sao, ông Xuân cho hay sẽ tổ chức cuộc họp với phường và người dân. “Nếu phường vẫn bảo lưu quan điểm thì tôi sẽ có văn bản gửi lãnh đạo quận để có hướng chỉ đạo thống nhất thực hiện như thế nào cho đúng pháp luật, còn người dân sẽ không phải chạy tới chạy lui nữa” - ông khẳng định. Được biết tại cuộc họp, đại diện phường vẫn bảo lưu quan điểm và cho hay sẽ thực hiện theo chỉ đạo của quận. Còn người dân thì tiếp tục chờ!
Hồ sơ chậm, dân thiệt nặng vì tiền sử dụng đất
Ông Lê Thanh Liêm, số 220 ấp Chiến Lược, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, đang kêu cứu vì phải nộp hàng trăm triệu đồng tiền sử dụng đất thay vì chỉ vài chục triệu đồng. Lý do là các cơ quan chậm giải quyết thủ tục nhà đất, giữa lúc đó chính sách thuế lại thay đổi…
Năm 2009, ông nhận được giấy chứng nhận cho căn nhà nói trên và phát hiện sai số nhà nên xin điều chỉnh. Biên nhận hồ sơ nhận ngày 31-10-2009 và hẹn trả ngày 25-11-2009. Hơn một năm rưỡi sau, tháng 7-2011, giấy chứng nhận mới hoàn tất và chuyển qua cơ quan thuế để xác định tiền sử dụng đất. Hồ sơ lại nằm tại cơ quan thuế đến mãi ngày 28-1-2013 nơi này mới có văn bản gửi lại Phòng TN&MT đề nghị có ý kiến về diện tích đất do có sự chênh lệch giữa giấy chứng nhận mới và giấy cũ.
Đến tháng 5-2014, chi cục thuế thông báo số tiền phải nộp của ông Liêm gần 274 triệu đồng vì nộp tiền theo hệ số k cho căn nhà thứ hai theo quy định hiện hành. “Nếu giấy chứng nhận điều chỉnh đúng thời hạn thì tôi chỉ nộp tiền sử dụng đất chừng vài chục triệu đồng tính theo bảng giá đất” - ông Liêm bức xúc. Khi được hỏi lý do thời gian giải quyết quá chậm, một lãnh đạo VPĐKQSDĐ quận Bình Tân cho hay trường hợp này đã quá lâu nên khó có thể xác định nguyên nhân (!?).
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP