Tuần qua, trước việc hàng chục ngôi nhà xây dựng không phép ở huyện Bình Chánh, TPHCM bị cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ, dư luận đã đặt câu hỏi: nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ làm sao hàng trăm ngôi nhà không phép có thể mọc lên? Và khi cưỡng chế tháo dỡ, người dân sẽ chịu thiệt hại, còn trách nhiệm cán bộ ở đâu?
Trước đó, trong phần chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nêu câu hỏi: “Hiện nay tại các xã Bình Hưng Hòa A, B huyện Bình Chánh có tới hơn 600 căn nhà xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp. Dù việc này đã diễn ra công khai trong thời gian dài, nhưng tại sao với đầy đủ hệ thống chính trị cơ sở vẫn không phát hiện ra?".
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong khoảng thời gian từ 1-1 đến 20-6-2013 có hơn 2.600 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Ông Tuấn viện lý do địa bàn quản lý rộng, trong khi lực lượng thanh tra xây dựng sau kiện toàn đã giảm đáng kể, dẫn đến những xao nhãng khiến phát sinh nhiều trường hợp xây dựng không phép. Tuy nhiên ông Tuấn cũng không loại trừ nguyên nhân có tiêu cực trong lực lượng cán bộ thanh tra.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng giải thích: “Tại sao có nhà xây dựng xong cơ quan chức năng vẫn không biết, trong khi có nhà vừa đổ đống cát đã tới kiểm tra, liệu có bao che hay không?”.
Câu hỏi của bà Tâm cũng là băn khoăn lâu nay của dư luận: Chỉ cần một đống cát xuất hiện là lực lượng thanh tra xây dựng có mặt. Nhưng có căn nhà xây dựng không phép, sai phép cả ngàn m2, thi công hàng tháng trời lực lượng chức năng không biết. Thậm chí cả hàng trăm căn nhà xây không phép vẫn “vô tư” mọc lên trước mắt bàn dân thiên hạ, chỉ có cơ quan chức năng “không nghe, không thấy, không biết”.
Vì thế việc người dân nghi ngờ khu vực vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, quận 12… nhà muốn xây “lụi” phải chung chi 50-70 triệu đồng, hoặc có trường hợp tiền chung chi còn nhiều hơn tiền xây dựng… là hoàn toàn có cơ sở.
Căn nhà là tài sản tích cóp cả đời của một gia đình, nhất là gia đình nghèo. Xây nhà không phép là sai, nhưng nếu cán bộ công tâm, sát dân ngăn chặn, giải thích với họ ngay từ đầu thì hàng ngàn con người sẽ không lâm vào cảnh vô gia cư khi phải đau đớn đập phá căn nhà của mình.
Sự việc xảy ra, người lãnh hậu quả là dân, còn cán bộ chưa thấy ai. Và điệp khúc chúng ta vẫn thường nghe từ các vị có trách nhiệm là “sẽ cương quyết xử lý cán bộ sai phạm”. Để chờ xem.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư