Việc mua bán nhà, đất từ trước đến nay thường được giao dịch bằng tiền đồng hoặc vàng. Gần đây, khi giá vàng liên tục leo thang, nhiều người lâm vào cảnh "khóc dở, mếu dở".
Nhiều người than, vì trót mua nhà trước đó nhưng chưa thanh toán hết đang phải bù lỗ lớn vì giá vàng quá cao. Trong khi đó, những người đang có ý định mua lại "chùn tay". Ngay cả dân bán nhà bằng vàng cũng khốn đốn vì không tìm được khách.
Khoảng giữa tháng 5, anh Ngọc Thành (quê Thanh Hóa, lập nghiệp tại Hà Nội) mua một miếng đất có diện tích 60 m2 tại thôn Đình Thôn (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) với giá 720 triệu đồng. Người bán yêu cầu trả bằng vàng, quy ra là hơn 36 cây (lúc đó giá vàng ở mức 20 - 20,1 triệu đồng một lượng). Anh Thành đặt trước 50%, tương đương 18 cây vàng, số còn lại sẽ trả vào cuối tháng 10.
Giao dịch nhà đất đang gặp khó vì giá vàng cao ngất ngưởng. |
Nhưng đến thời điểm cuối tháng 10, giá vàng vọt lên gần 25 triệu đồng một lượng, anh Thành phải bù thêm gần 90 triệu đồng mua 18 cây vàng với mức giá “ngất ngưởng” trên để trả nợ. “Nếu tôi thương lượng với chủ nhà để mua đất bằng tiền đồng, hoặc tôi có đủ vàng để trả lúc đó, thì đã không gặp rủi ro như bây giờ”, anh Thành nuối tiếc.
Nhiều giao dịch nhà, đất bằng vàng bị vỡ
Theo anh Nguyễn Xuân Đạo, Giám đốc Công ty Bất động sản Việt Nam Property, giao dịch nhà, đất thường được thanh toán bằng ba phương thức là tiền đồng, tiền USD và vàng, trong đó, vàng và tiền đồng là phương thức phổ biến nhất.
Người Việt từ xưa vốn có thói quen tích trữ vàng và dùng vàng để định giá tài sản, cũng vì lúc đó VND liên tục mất giá, giao dịch bằng USD lại chưa phổ biến. Sau này, thói quen lấy vàng định giá tài sản mất dần, nhưng riêng với những tài sản có giá trị lớn như nhà, đất thì vẫn tồn tại. “Giao dịch bằng vàng thường mang lại nhiều rủi ro cho người mua nhà, vì giá vàng có khi qua một đêm tăng đến cả tiền triệu, còn thông thường cũng biến động tới 5 - 6% trong ngày”, anh Đạo nhận định.
Ông Bùi Tiến Thắng, Phó TGĐ Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), cho biết, với những căn nhà phố hay những ngôi nhà tại các khu chung cư cũ, chủ hộ hiện chỉ đòi bán bằng vàng và nhất mực không chịu đổi sang hình thức thanh toán bằng tiền đồng hay USD, vì ngày xưa họ mua nhà đất đều bằng 100% vàng.
“Phân khúc nhà phố chiếm tỷ trọng khoảng hơn 10% trong tổng số sản phẩm nhà đất Sacomreal rao bán và hiện giao dịch ở phân khúc này khá trầm lắng vì người bán hầu như yêu cầu thanh toán bằng vàng, trong khi người mua e ngại trả vàng vì giá quá cao và biến động khó lường. Trong khoảng nửa tháng qua, khi giá vàng liên tục tăng mạnh, nhiều giao dịch nhà, đất bằng vàng đã bị gián đoạn hoặc vỡ hợp đồng, do bên mua thoái thác nhằm chờ giá vàng hạ nhiệt”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Anh Hương, Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản Century (thuộc Tập đoàn Century), chi nhánh Đống Đa (Hà Nội) cho hay, thực ra giao dịch nhà đất bằng vàng tại khu vực miền Bắc đã giảm đáng kể từ khoảng 1, 2 năm trở lại đây và thực sự ế ẩm từ khi giá vàng tăng lên 21 - 22 triệu đồng trong mấy tháng qua. Hiện, nếu như tháng 9 lượng nhà đất được giao dịch thành công bằng vàng tại các sàn của Century còn được vài phần trăm thì sang tháng 10 vừa qua, hầu như không có giao dịch bằng vàng nào thành công. Phía công ty thậm chí phải nói không với những khách hàng có ý định bán nhà bằng vàng và nhờ công ty môi giới.
Trưởng phòng tín dụng cá nhân một ngân hàng thương mại cổ phần cũng phân tích thêm, theo thống kê với những khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thực sự, có tới 70 - 80% phải nhờ đến kênh vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu chỉ giải ngân vốn cho giao dịch bất động sản bằng tiền đồng, còn cho vay vàng là việc rất hạn chế, thậm chí tại một số nhà băng, đây là điều không tưởng. “Đó cũng là một phần lý do vì sao giao dịch nhà đất bằng vàng ngày càng bị bỏ ngỏ”, vị này nhận định.
Nên làm gì khi tích vàng nhưng không đủ mua nhà?
Anh Trần Nhật Nam, tổ phó tổ kinh doanh vàng tại Bảo Tín Minh Châu kể, thời gian qua có không ít khách quen gọi điện đến cho anh hỏi xem nên làm gì với số vàng đã tích cóp để mua nhà nhưng hiện không đủ. “Phần đa họ băn khoăn là không biết có nên bán số vàng kia đi, rồi đợi khi vàng xuống giá để mua vào được nhiều hơn, hay nên mang vàng đi gửi ngân hàng, vì giá sắp tới có thể còn tăng nữa. Họ là những người suốt thời gian qua tích trữ vàng để mua nhà nhưng giá kim loại quý ngày càng tăng vọt khiến họ vẫn chưa mua đủ”, anh Nam nói.
Cũng theo anh Nam, do đa số nhà đầu tư và giới chuyên gia dự đoán giá kim loại quý có thể vượt lên ngưỡng 30 triệu đồng một lượng trong ngắn hạn, nên những khách hàng rơi vào tình trạng trên phần lớn chọn cách gửi vàng tại ngân hàng, vừa an toàn, lại được hưởng lãi suất tiết kiệm và bảo toàn mức tăng giá, khi cần có thể rút ra bán ngay.
Vàng, USD tăng dữ dội
Giá USD trên thị trường tự do đang tăng chóng mặt và vượt 19.000 đồng một USD. Trong khi đó, mức giá 27 triệu đồng một lượng vàng theo nhiều nhận định chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay ở mức 17.021 đồng một USD, cao hơn 3 đồng so với hôm qua. Theo đó, giá bán ra tại các ngân hàng thương mại đang là 187.869 đồng. Trên thị trường tự do, giá bán USD đã vượt 19.000 đồng một USD, thậm chí nhiều cửa hàng tại Hà Nội đẩy lên 19.100 đồng. Theo một số cửa hàng chuyên kinh doanh ngoại tệ trên phố Hà Trung, nhu cầu ngày càng cao của người dân khiến giá bán USD trên thị trường tự do tăng vùn vụt.
Trong khi đó, thị trường vàng vẫn “sôi” sùng sục khi giá chưa có dấu hiệu dừng tăng. Lúc 14h, giá Vàng Rồng Thăng Long được niêm yết ở mức 26,7 – 26,9 triệu đồng một lượng (mua – bán), tăng 150.000 đồng so với giá đầu giờ sáng. Các thương hiệu lớn khác tuy “mềm” hơn nhưng cũng vững vàng ở mốc trên 26,7 triệu đồng. Theo giới đầu tư, nhiều khả năng giá vàng sẽ thiết lập mức “siêu giá” 27 triệu đồng một lượng vào cuối giờ chiều nay hoặc sáng sớm mai. Nguyên nhân chính là lượng cầu ngày càng lớn khiến nguồn cung rất khan hiếm. (Thanh Huyền)
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt