Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng duy nhất để giải tỏa những ách tắc về đất đai trong tái cấu trúc nền kinh tế là đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận tài nguyên đất.
* Hiện tại, việc tái cấu trúc ở các ngành, các lĩnh vực đều gặp khó khăn khi “đụng” đến đất đai và dư luận trông đợi vào những thay đổi trong Luật Đất đai sửa đổi năm 2013. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai sẽ vẫn được giữ nguyên. Vậy theo ông, chúng ta có thể thay đổi điều gì để khơi thông thị trường này?
Theo tôi, vấn đề chúng ta có thể đặt ra vào thời điểm này là xây dựng cơ chế tiếp cận đất đai đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường. Theo đó, áp dụng cơ chế nhà nước trong việc thu hồi đất đai phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nếu để phát triển kinh tế, thì nên vận dụng cơ chế thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư và giữa nhà đầu tư với người bị thu hồi đất.
* Có nghĩa là, chúng ta cần giảm yếu tố hành chính và tăng cường yếu tố thị trường trong việc thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng cho các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế?
Việc tiếp cận đất đai theo nguyên tắc thị trường sẽ đảm bảo tính khách quan, bình đẳng và loại bỏ những yếu tố bất công do tham nhũng hoặc do những trì trệ, bảo thủ của hệ thống hành chính gây ra. Hiện nay, đây là hướng duy nhất chúng ta có thể tiếp cận và thay đổi để giải tỏa những ách tắc về đất đai trong tái cấu trúc nền kinh tế. Còn nếu chúng ta tiếp tục để một cơ chế can thiệp mạnh của cơ quan hành chính vào thị trường, thì khó tránh khỏi những lệch lạc, khiến việc chấn chỉnh lại quá trình phát triển kinh tế không đạt được hiệu quả như mong muốn.
* Thực tế thời gian qua, sự chênh lệch về giá trị đất chuyển đổi trong phát triển các dự án bất động sản đang gây nên những bất bình lớn trong xã hội. Giá thu hồi đất cách rất xa so với giá chủ đầu tư bán ra thị trường. Vậy cần làm gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Sự chênh lệch giá trị đất chuyển đổi đã và đang là mấu chốt để người nông dân, người bị thu hồi đất nhìn vào đó so sánh và thấy rõ sự bất bình đẳng. Việc thu hồi đất theo kiểu hành chính, bán đất theo kiểu thị trường làm cho người bị thu hồi đất cảm thấy bị đối xử bất công, dù rằng để làm được điều này, nhà đầu tư phải xây dựng hạ tầng và nộp thuế đất cho Nhà nước.
Để giải quyết được vấn đề này, có 2 câu chuyện đặt ra.
* Thứ nhất, chủ đầu tư phải công khai bài toán tài chính với người bị thu hồi đất. Tiền bồi thường bao nhiêu, đầu tư hạ tầng bao nhiêu, nộp thuế bao nhiêu, suất đầu tư bao nhiêu…?
Thứ hai, gắn quyền lợi của người dân với dự án phát triển kinh tế. Việc để người nông dân lĩnh tiền bồi thường xong, đi chỗ khác, bị gạt khỏi quá trình phát triển là không ổn. Phải gắn quyền lợi của họ với quá trình đầu tư phát triển dự án. Đơn cử, nếu thu hồi của người dân 1 sào đất nông nghiệp, thì hãy đền bù cho họ 10 m2 đất phi nông nghiệp tại chính dự án đó. Như vậy, người nông dân thấy quyền lợi của mình gắn với việc phát triển dự án đô thị và sẽ ủng hộ để dự án được suôn sẻ.
* Một điểm nữa có thể dẫn đến những bất cập trong Luật Đất đai sửa đổi 2013 là quy định giao đất nông nghiệp trong thời hạn 50 năm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Từ Luật Đất đai 1993 đến Luật Đất đai 2003 và tới đây là Luật Đất đai sửa đổi 2013, chúng ta vẫn đưa ra một quy định mang tính khẩu hiệu là nếu ai có nhu cầu sử dụng đất, trong quá trình sử dụng đất không vi phạm pháp luật, đất sử dụng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, thì được tiếp tục sử dụng. Trước đây, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 20 năm, tới đây dự kiến nâng lên 50 năm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, khi hết thời hạn, Nhà nước có thu hồi để chia lại hay không? Theo tôi, nếu không theo cơ chế này, thì nên quy định, khi hết thời hạn sử dụng đất, người dân có nguyện vọng thì được Nhà nước giao tiếp, sử dụng tiếp. Quy định này thực chất chỉ mang tính hình thức để người nông dân có trách nhiệm với đất. Tuy nhiên, Luật cần có những chế tài chặt chẽ hơn trong việc thu hồi và giao đất để người nông dân yên tâm sử dụng mảnh đất một cách có hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư