Đảm bảo đời sống người bị thu hồi đất

Cập nhật 22/06/2013 10:54

Phải giúp người dân tránh những rủi ro trong cuộc sống khi họ đã giao phần lớn hay toàn bộ đất sản xuất cho các dự án.

Quốc hội vừa thống nhất hoãn việc biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Đây là việc cần thiết và tôi có một vài ý kiến góp ý để hoàn thiện các quy định.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay những nông dân bị thu hồi đất (đặc biệt là bị thu hồi từ 70% diện tích đất trở lên) để làm các dự án phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Trước tiên họ mất đi nguồn thu nhập từ ruộng đất của họ. Thứ nữa, khi bị thu hồi đất thì vô hình trung họ cũng bị “thu hồi” một số nét văn hóa, phong tục tập quán đã gắn với phương thức sản xuất lâu đời. Sự chuyển đổi phương thức sản xuất cũng là một khó khăn lớn bởi người nông dân thiếu những kỹ năng nghề nghiệp khác ngoài nông nghiệp; nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại tập thể, vượt cấp và mang tính chất phức tạp gây bất ổn, xáo trộn xã hội...

Một góc chung cư tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD

Lúc này luật cần phải đảm bảo lợi ích và phải phản ánh được sự hài hòa, thống nhất về lợi ích giữa cá nhân, tập thể và nhà nước. Trong đó phải có điều khoản quy định riêng cho nhóm nông dân bị thu hồi đất (đặc biệt bị thu hồi từ 70% diện tích đất sản xuất trở lên).

Sửa đổi Luật Đất đai cần phải nghiêm túc, thận trọng xem xét vấn đề này. Theo chúng tôi, cần phải có những giải pháp sau:

Thứ nhất, chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn, tỉ mỉ hơn, khoa học hơn để có các quy định về đất đai hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình mới và cũng bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân.

Thứ hai, với nhóm nông dân bị mất đất (nhất là đối với đối tượng thu hồi trên 70% diện tích hoặc toàn bộ đất) thì cần phải có những giải pháp xác thực, lâu dài, căn cơ về quyền lợi của họ. Chúng ta cần cung cấp cho họ những đảm bảo xã hội cơ bản để tránh những rủi ro khi phải giao phần lớn hay toàn bộ đất sản xuất. Ngoài ra cần quy định rõ việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bảo hiểm y tế…

Thứ ba, việc bồi thường, giải tỏa, tái định cư cần phải chú trọng đời sống của người bị thu hồi đất. Phải bảo đảm nguyên tắc “tái định cư trước, giải tỏa sau”; đảm bảo những quyền lợi chính đáng của người nông dân không bị xâm phạm; hoàn thiện cơ chế bồi thường.

Hiện nay chúng ta chỉ dừng lại việc bồi thường ở khía cạnh vật chất có tính phần ngọn và “thu hồi” hơn là “trưng mua” và giải quyết phần gốc. Do đó, các luật liên quan đến việc thu hồi đất cần phải nhấn mạnh việc “trưng mua” hơn là “thu hồi”. Điều cần thiết hơn là chúng ta phải thấy được những giá trị tích lũy của người nông dân từ mảnh đất mà họ đã sử dụng trong một thời gian dài để giải quyết một cách gốc rễ.

Thứ tư, cần cụ thể hóa các hành vi vi phạm pháp luật khi tiến hành thu hồi đất của nông dân; xử lý nghiêm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt ruộng đất, chiếm dụng tiền bồi thường hay các khoản hỗ trợ khác. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp chiếm dụng tiền của người dân, gây nhiều bất bình.

TS PHẠM ĐI

Giá bồi thường phải hợp lý

Có thực tế là một số người dân bị thu hồi đất nhưng giá trị bồi thường thấp, không thể mua lại được căn nhà như trước đây để ổn định lại cuộc sống. Theo tôi, Nhà nước cần phải nhìn rõ thực trạng mà người dân đang gánh chịu để đề ra một chính sách bồi thường đặc biệt cho họ, giúp họ bớt nỗi lo âu về cuộc sống của mình.

Trước tiên, Nhà nước cần quy định các địa phương phải khảo sát giá cả thực tế để áp giá bồi thường bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Đối với những khu tái định cư phải bảo đảm được cuộc sống sau này cho người dân. Nhà nước nên có nguồn kinh phí để những hộ dân nằm trong diện tái định cư được vay vốn với lãi suất thấp giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống. Tại các khu tái định cư, rất cần có trung tâm đào tạo việc làm cho những người dân chưa có việc làm ổn định...

TRẦN MINH TÂM (548/39/16 Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM)

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TPHCM