Đại lộ của lòng người

Cập nhật 14/02/2010 10:15

Đại lộ Đông Tây dài hơn 20 km, chạy xuyên qua các quận trung tâm của TPHCM, làm tăng đáng kể mật độ giao thông đang thiếu của đô thị lớn nhất nước. Sau khi hoàn thành toàn bộ (dự kiến cuối năm 2010), hiệu quả của đại lộ xuyên tâm này sẽ rất lớn.

Chuyển đổi không gian

Ở đâu có kênh rạch, sông ngòi, ở đấy có ghe thuyền. Ở đâu có ghe thuyền, ở đấy có bến bãi. Dường như cái “quy luật” ấy đã tạo ra hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Sài Gòn xưa.

Kênh Tàu Hũ, còn gọi rạch Bến Nghé, trước đây người Pháp đặt tên là “d’Arroyo Chinois” có lẽ do con kênh này gắn liền với các khu nhà ở và buôn bán của người Hoa trên bờ kênh, từ Bến Chương Dương sang Bến Hàm Tử, rồi tới đường Trần Văn Kiểu ngày trước.


Ảnh: Nguyễn Hữu

Trong những tấm bưu ảnh kênh Tàu Hũ thuở trước, nước kênh trong veo, ghe thuyền tấp nập, trên đường ven kênh có xe điện chạy, có bến bãi. Bên kia đường là dãy nhà phố, xây theo kiến trúc Pháp, không gian nhẹ nhàng, thanh bình, nửa phố, nửa quê. Đúng là cảnh trên bến dưới thuyền. Thành phố rồi phải phát triển theo quy luật tự nhiên. Điều tất yếu trong quá trình phát triển, không gian nửa quê ấy sẽ dần dần được thay bằng không gian phố phường, vẻ thanh bình sẽ bị thay bằng sự ồn ào náo nhiệt.

Những năm tháng sau này, cuộc sống nơi kênh Tàu Hũ vẫn trên bến dưới thuyền bởi ở đó, ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở đầy lương thực, thực phẩm và cả hoa lên Sài Gòn rồi TPHCM sau này; còn hàng hóa từ Sài Gòn về miền Tây là hàng tiêu dùng, từ vải vóc, quần áo, đồ kim khí cho đến các loại vật liệu xây dựng.

Dọc theo kênh Tàu Hũ từ quận 1 sang quận 5 đến quận 6, ở bên này bờ Bắc có các chợ đầu mối: Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, Nancy, Hòa Bình, Mai Xuân Thưởng..., còn bên kia bờ Nam có chợ cá Xóm Củi (ở quận 8). Các chợ đầu mối chủ yếu hoạt động về đêm, hàng hóa từ ghe thuyền đổ lên bến bãi, có khi chiếm luôn cả con đường. Hàng hóa từ đây được đưa về các chợ bán lẻ của thành phố. Sau này, ở Bến Chương Dương, dưới chân cầu Mống, mọc lên một cái “chợ” chim, chó, mèo, có một thời gian rất nổi tiếng.

“Cuộc sống” của dòng kênh, bến nước, con thuyền... nay còn nhưng hình ảnh trên bến dưới thuyền đã mất. Đi dọc Bến Chương Dương, Hàm Tử tới đường Trần Văn Kiểu thì thấy. Bến đã bị nhà chiếm gần hết. Nhà ở đây chủ yếu nhà ổ chuột, lấn dần ra kênh lớp lớp, dày đặc, cắt đôi không gian bến - thuyền. Không gian ban ngày ở đây chật chội, lộn xộn; ban đêm nặng nề, nghẹt thở bởi tệ nạn xã hội. Dòng kênh đen ngòm, hôi thối vì phải hứng mọi thứ thải ra từ thuyền, nhà ở trên kênh.

Đại lộ xuyên tâm

Không phải chỉ gần đây TPHCM mới có nạn kẹt xe. Từ lâu rồi, phương tiện giao thông ngày càng nhiều nhưng từ Đông sang Tây, thành phố chỉ có một con đường xuyên tâm. Vì vậy, một đại lộ xuyên tâm thành phố, nối từ Đông sang Tây, từ quận 2 nối với quận 1 bằng đường hầm Thủ Thiêm rồi từ đó chạy tới quận 5, quận 6, quận 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, là hợp lý, tất yếu!

Qua thời gian dài thi công với nhiều tiền của, công sức và mồ hôi, đến cuối năm 2009, đại lộ Đông Tây đã được thông xe kỹ thuật giai đoạn 1. Đại lộ chạy song song kênh Tàu Hũ, bắt đầu từ Bến Chương Dương, đầu đường Phó Đức Chính chạy qua Hàm Tử đến đường Trần Văn Kiểu ngày xưa. Từ đây, đường tiếp tục mở, chạy qua quận Bình Tân, tới huyện Bình Chánh. Đoạn này dài khoảng 13 km với lộ giới từ 43 m – 100 m, tùy đoạn. Đại lộ có 6 làn ô tô và 2 làn xe máy, được nối kết với 42 con đường nội thị, từ đường Phó Đức Chính, Calmette, Ký Con... ở quận 1 tới đường An Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm ở quận Bình Tân.

Trong quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, quy hoạch phát triển giao thông là một trong những vấn đề mấu chốt. Trong lúc hệ thống giao thông nội thị cũ không thể mở rộng thêm, để giải quyết vấn đề giao thông, thành phố cần phải có các đại lộ xuyên tâm. Đại lộ xuyên tâm nhằm nối kết các đường phố cũ, tạo thành hệ thống giao thông xương cá, để từ đó chia sẻ áp lực cho các đường nội thị ở những quận trung tâm.

Đại lộ Đông Tây dài hơn 20 km, chạy xuyên qua các quận trung tâm của thành phố, được ví như trục xương sống của hệ giao thông. Đại lộ Đông Tây ra đời làm tăng đáng kể mật độ giao thông đang thiếu của TPHCM. Các phương tiện giao thông chạy từ Đông sang Tây, hay ngược lại, nếu không có nhu cầu vào trung tâm thành phố thì chạy trên đại lộ Đông Tây sẽ nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian và năng lượng.

Nhiều người ví hệ thống giao thông trong đô thị như hệ tuần hoàn máu trong cơ thể con người. Trong hệ tuần hoàn của tim, khi động mạch vành bị tắc, người ta phải giải phẫu để nong động mạch vành lớn ra; nếu không được, phải dùng giải pháp nối bắc cầu cho động mạch vành. Đại lộ Đông Tây được xem như một giải pháp nối bắc cầu hệ thống giao thông cho khu trung tâm thành phố.

Dự kiến đầu năm 2010 sẽ cho dìm các đốt đường hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, đến cuối năm 2010 sẽ xong toàn bộ đại lộ Đông Tây. Lúc ấy nhiều điểm tắc đường của TPHCM sẽ bớt đi được phần nào, hiệu quả của đại lộ Đông Tây sẽ thấy rất rõ, không thể phủ nhận được!

Giá như...

Nhưng dù lớn đến mức nào, đại lộ Đông Tây cũng chỉ là con đường xuyên tâm, nội thị. Mà đã là con đường nội thị thì rất cần cảnh quan đường phố và hồn của phố phường, nhất là khi nằm cạnh một con kênh.

Từ không gian trên bến dưới thuyền thơ mộng chuyển sang không gian chật chội đến nghẹt thở, khi tháo dỡ hàng rào công trường của đại lộ Đông Tây thì không gian bỗng vỡ òa. Trống hoác. Những kỷ niệm bỗng biến mất ! Các dãy nhà phố trên Bến Chương Dương, Hàm Tử như bị lột trần. Ngơ ngác. Ngượng ngùng.

Không hiểu khi quy hoạch và thiết kế đại lộ Đông Tây, người ta có đánh giá tác động môi trường, không gian cảnh quan và cuộc sống của người dân ở đây không, hay chỉ là thiết kế một con đường theo đúng nghĩa của nó. Đã là đại lộ thì xe lưu thông trên đó luôn chạy với vận tốc cao, suốt ngày. Tiếng ồn ở đây rất lớn, khu nhà phố lại tiếp cận sát đường, không có gì tách không gian đi và ở, không có gì ngăn tiếng ồn. Mặt khác, xe chạy trên đại lộ với tốc độ cao, khi xảy ra tai nạn xe rất dễ tông vào nhà, người dân ở đây sống sao được!

Toàn bộ nền hạ của đường được đổ đá hộc nên bây giờ toàn tuyến đường không trồng được cây xanh, chỉ có cỏ và cây bụi nhỏ. Cuối năm, chạy trên đường vào mùa khô, nóng rát mặt. Không hiểu sao cũng đại lộ mà đường Nguyễn Văn Linh bên quận 7 lại trồng được nhiều cây xanh thế? Chợ đã đi. Bến không còn. Chỉ còn một con kênh đen ngòm, thuyền đến đây làm gì nữa!

Và dân thành phố bắt đầu giật mình nhìn lại cái được, cái mất của đại lộ Đông Tây; nhiều cuộc họp hành, hội thảo đã được tổ chức để tìm giải pháp cứu không gian cảnh quan trên đại lộ này...

Nếu như đại lộ Đông Tây là một con đường cao tốc nổi trên không, chỉ cần làm bốn làn ô tô chạy xuyên tâm từ huyện Bình Chánh tới hầm Thủ Thiêm; ở dưới đất giữ đường Bến Chương Dương, Hàm Tử, Trần Văn Kiểu làm đường nội thị, phần đất còn lại làm công viên và các công trình dịch vụ ra tới bờ kênh..., thành phố mình sẽ được một công viên thật lớn.

Dưới kênh tạo những khu chợ nổi, du thuyền tấp nập. Có kênh, có thuyền, có bến... và cũng có một con đường lớn, sẽ hài hòa hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động