Khi thị trường BĐS gặp khó khăn, động thái trả lại dự án của nhiều chủ đầu tư như một cách để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại tỏ ra khá bỡ ngỡ bởi từ trước tới nay việc này chưa có tiền lệ.
Không kham nổi
Cách đây không lâu, Nam Cường là một trong những doanh nghiệp BĐS đầu tiên trả lại dự án cho Hà Nội. Cụ thể, chủ đầu tư này đã đề xuất xin bàn giao lại Khu đô thị Quốc Oai cho Hà Nội và được UBND TP có văn bản chấp thuận về chủ trương.
Giải thích về việc xin trả lại dự án, đại diện tập đoàn Nam Cường cho biết, do thị trường bất động sản trầm lắng nên doanh nghiệp phải cơ cấu lại danh mục đầu tư cho phù hợp.
Được biết, Khu đô thị Quốc Oai là một trong những dự án đối ứng của dự án Đường trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc Nam, do Nam Cường làm chủ đầu tư theo hình thức BT. Dự án này có quy mô lên đến trên 1.200 héc-ta.
Nhiều dự án bỏ hoang sau hàng chục năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.
|
Trước đó, tập đoàn Nam Cường cũng đã trả lại TP. Hà Nội Dự án Khu đô thị Thạch Thất, quy mô trên 800 héc-ta - vốn được thành phố giao cho tập đoàn này làm chủ đầu tư dưới hình thức có thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch khiến dự án nằm trong vành đai xanh nên không còn phù hợp để triển khai.
Cuối tháng 8/2013, sau 3 năm khởi công xây dựng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) xin trả lại Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Đây là dự án đầu tư theo hình thức BT, chủ đầu tư sẽ được nhận quỹ đất đối ứng. Theo đó, Gleximco được Hòa Bình bố trí cho 3 dự án đối ứng là khu đô thị Yên Quang 150 ha, khu đô thị Trung Minh 130 ha, sân golf Trung Minh 36 lỗ. Dự án đối ứng trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến là khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600 ha.
Theo Gleximco, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco sẽ "rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết".
Chưa có cơ chế xử lý
Việc các chủ đầu tư trả lại dự án trong hoàn cảnh hiện nay, về phía doanh nghiệp, đây là một hành động tích cực để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư và tránh lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, với các cơ quan chức năng lại là một tiền lệ trước đây chưa từng có.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, Hà Nội mới có bước một là điều tra dự án, phát hiện thu hồi rất nhiều, nhưng thực tiễn phải cân đối với ngân sách, thỏa thuận thống nhất với các chủ đầu tư, do vậy trên thực tế, đất thu hồi được rất ít.
Cần có một cơ chế khi các chủ đàu tư chủ động trả lại dự án.
|
Khi chủ đầu tư trả lại dự án, lúc đó phải thanh toán chi phí mà chủ đầu tư đã thực hiện GPMB, đảm bảo lợi ích hài hòa. Các dự án đó cũng ưu tiên triển khai theo nội dung mới. Một vấn đề nữa cần được bàn tới ở đây chính là ý thức của các chủ đầu tư. Đơn cử, trong khi xã hội đang chú trọng thuê mua, thì hình thức thuê đang thiếu, cần phải được khuyến khích tạo vốn cho họ thực hiện. Các chủ đầu tư cần quyết định thay đổi nhận thức. Vấn đề này cần từng bước.
GS. Đặng Hùng Võ cho hay, hiện chưa có cơ chế phạt các chủ đầu tư không thực hiện dự án. Luật Đất đai vừa được thông qua đã đưa ra cơ chế ký quỹ, nếu chủ đầu tư được giao đất mà không làm thì sẽ mất tiền ký quỹ.
Còn trong trường hợp doanh nghiệp tình nguyện trả, các cơ quan chức năng cần xem xét nhận lại. Đối với phần tài sản DN đã đầu tư cũng cần được đánh giá để xử lý, đưa ra đấu giá tiếp tục để giải quyết tài chính cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vic đưa ra lời khuyên, các chủ đầu tư cần phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, nghiên cứu và đánh giá thị trường một cách kỹ lưỡng, thận trọng hơn. Nếu dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang kéo dài, đầu tư không hiệu quả thì nên xem xét dừng lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef