Đại gia ngoại săn lùng bất động sản Việt

Cập nhật 15/09/2020 09:46

Các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vẫn gia tăng đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhà đầu tư ngoại luôn có nhu cầu đầu tư vốn vào các dự án uy tín trong nước. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án tại Việt Nam.

Âm thầm rót vốn đầu tư

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, cho biết dòng vốn ngoại vẫn đang tiếp tục đổ vào bất động sản (BĐS) Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020.

Trao đổi với nhiều nhà đầu tư ngoại, họ đều cho biết sẵn sàng tham gia vào thị trường. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là những doanh nghiệp quen thuộc với BĐS Việt Nam tin rằng sự chững lại hiện tại chỉ là tạm thời.

“Họ vẫn tin tưởng chính sách và nền kinh tế vĩ mô, thị trường Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng so với các thị trường khác ở Đông Nam Á” - bà Khanh nói.

Những dòng vốn ngoại nổi lên thời gian qua phải nhắc đến như Nomura Real Estate (Nhật Bản) với nhiều thương vụ hợp tác có tiếng trong ngành BĐS. Tại TP.HCM, đầu năm công ty này đã mua cổ phần một dự án nhà ở lớn tại khu Đông, thâu tóm 24% số cổ phần trong tòa nhà văn phòng Sun Wah Tower (quận 1). Trước đó, nhà đầu tư đến từ Nhật cũng đã mua lại tòa nhà Zen Plaza (quận 1), hợp tác với Công ty Phú Mỹ Hưng phát triển tổ hợp căn hộ cao cấp ở quận 7.

Được biết, theo kế hoạch trung và dài hạn đến năm 2028, Nomura Real Estate sẽ đầu tư khoảng 300 tỉ yen (khoảng 63.600 tỉ đồng) vào các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chú trọng mở rộng lĩnh vực BĐS ở Việt Nam.

Một số tập đoàn BĐS trong nước vẫn đón nhận dòng vốn ngoại chảy vào. Đơn cử như Công ty BĐS Sơn Kim huy động 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư ACA Investments (Nhật), EXS Capital (Hong Kong) và Credit Suisse AG (Singapore). Tập đoàn Novaland trong năm 2020 cũng tiếp nhận khoản giải ngân lần 2 trị giá 101 triệu USD từ khoản vay hợp vốn quốc tế có tổng trị giá 250 triệu USD.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thừa nhận giữa lúc thị trường chững lại, chủ đầu tư trong nước gặp khó khăn thì nhà đầu tư ngoại đã nhận ra cơ hội và âm thầm nhập cuộc.

Theo TS Khương, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam qua hai dạng. Thứ nhất, họ đầu tư vào thị trường vốn, săn lùng mua cổ phiếu của các công ty BĐS trên sàn chứng khoán với giá hời, chờ cơ hội bán ra thu lợi nhuận. Thứ hai là các quỹ đầu tư, công ty nước ngoài đầu tư qua hình thức M&A các dự án BĐS. Thường nhà đầu tư ngoại sẽ mua hơn 70% cổ phần để nắm quyền quyết định.

Từ năm 2019 đến nay, phía Savills đã ghi nhận một số dự án BĐS tại Hà Nội và TP.HCM được thương lượng mua và chuyển nhượng theo hình thức M&A với tổng giá trị hàng trăm triệu USD. Nhóm nhà đầu tư ngoại phần lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và một số nước châu Âu.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Tuy vốn ngoại sẵn sàng đổ vào thị trường nhưng theo giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam thì hoạt động M&A vẫn có những rào cản nhất định.

Một số nhà đầu tư tham gia vào thị trường phải thực hiện những giao dịch kéo dài 2-3 năm bởi gặp khó khăn ở quy trình phê duyệt. Do vậy, dòng vốn đang có xu hướng đứng yên để quan sát dù BĐS Việt được đánh giá tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư mong đợi phía Việt Nam đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án để việc tham gia thị trường thuận lợi hơn.

“Dưới góc nhìn của nhà đầu tư ngoại thì BĐS khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn rất hấp dẫn, đặc biệt là các dự án có pháp lý sạch. Vì vậy, việc rà soát chặt chẽ thủ tục pháp lý của các dự án sẽ góp phần làm tăng tính minh bạch thị trường. Tuy nhiên, điều cản trở là quá trình rà soát kéo dài, mất thời gian cũng ảnh hưởng đến dòng vốn” - bà Nguyễn Thị Vân Khanh phân tích.

Đồng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương cho biết các dự án có pháp lý sạch, thủ tục hoàn thiện là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư ngoại. Thế nhưng dự án thường không vướng cái này thì sẽ vướng cái khác nên nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Ngoài ra, chính sách khống chế người ngước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam cũng làm chùn tay các doanh nghiệp ngoại. Vì thế, thường họ sẽ đầu tư cổ phiếu chứng khoán hoặc M&A sẽ chọn phương án mua đứt hoặc trên 70%-80% cổ phần để nắm quyền quyết định.

“Hiện nay chỉ có những nhà đầu tư ngoại hiện hữu có mặt lâu năm như CapitaLand, Keppeland, Daewoo hoặc những nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang hoạt động ở Việt Nam. Họ có mối quan hệ tốt, nhiều kinh nghiệm nên vẫn tiếp tục gia tăng đầu tư vì đánh giá tiềm năng của thị trường Việt còn nhiều cơ hội phát triển” - ông Khương chia sẻ.

Bất động sản vẫn thu hút gần 3 tỉ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong tám tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực BĐS đứng vị trí thứ ba về thu hút vốn ngoại sau công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện. Tổng số vốn ngoại đăng ký đổ vào BĐS trong nước là gần 2,9 tỉ USD.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO