Đại dự án đường cao tốc Bắc - Nam gặp khó về vay vốn

Cập nhật 18/10/2018 10:36

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dù giảm được tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng nhưng báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết dự án này đang gặp khó khăn về lãi suất vốn vay và vay vốn từ ngân hàng.

Một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đưa vào khai thác - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo báo cáo vừa được Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ký trình Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, tại bước nghiên cứu khả thi dự án, tổng mức đầu tư và phần vốn góp của nhà nước, vốn BOT được giảm xuống.

Cụ thể, tổng mức đầu tư của 11 dự án thành phần được điều chỉnh giảm từ 118.716 tỉ đồng xuống còn 105.046 tỉ đồng (giảm 13.670 tỉ đồng). Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận vốn là bài toán khó khăn.

Về lãi suất vốn vay, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy định tại thông tư của Bộ Tài chính, mức lãi suất vốn vay "không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công".

Theo quy định này, Bộ Giao thông vận tải tính toán mức lãi suất vốn vay khoảng 7,72%/năm làm cơ sở để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, mức lãi suất vay dài hạn thực tế của thị trường tín dụng hiện nay khoảng 10,5 đến 11%. Như vậy, mức lãi suất theo quy định đang có sự chênh lệch rất lớn so với mức lãi suất dài hạn của thị trường tín dụng, điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như khả năng các ngân hàng xem xét để cung cấp tín dụng cho dự án là khó khả thi.

Về khả năng huy động vốn nước ngoài, Bộ Giao thông vận tải nhận định là khó khá thi. Bởi vì, quy định của pháp luật Việt Nam chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu các ngân hàng nước ngoài (bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng từ các tổ chức bảo lãnh, bảo hiểm …).

Với nguồn vốn trong nước, dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng đang ở mức cao. Các ngân hàng trong nước chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn từ đầu năm 2018 là 40%.

Trong khi đó, phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước đều đang ở mức giới hạn so với tỷ lệ này.

"Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng. Do vậy, trường hợp tháo gỡ được khó khăn về mức lãi suất vốn vay, việc huy động nguồn cung cấp tín dụng cho dự án cũng còn khó khăn nhất định"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.


Diaoconline.vn – Theo Báo TTO