Đại biểu Quốc hội muốn 'xây móng' lòng tin cho sân bay Long Thành

Cập nhật 30/10/2014 13:43

Ủng hộ chủ trương xây dựng một cảng hàng không hiện đại tại Long Thành (Đồng Nai) song nhiều đại biểu cho rằng việc giải trình thêm về dự án là cần thiết để củng cố niềm tin trong dư luận.

Trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội chiều 29/10, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết quan điểm xung quanh việc xây dựng sân bay Long Thành đã được ông chia sẻ trong các phiên thảo luận của Ủy ban Kinh tế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu ra 2 điểm cần làm rõ để phát triển cảng hàng không mới.

Cụ thể, với nhu cầu phát triển vận tải của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, việc mở rộng Tân Sơn Nhất bằng cách giải tỏa 140.000 hộ dân để xây đường băng thứ 3, nhằm nâng công suất lên 40-50 triệu khách một năm là "bất khả thi". Tuy nhiên, để cho thấy tính cấp thiết của việc xây dựng sân bay Long Thành, vị này cho rằng Chính phủ cần giải trình rõ 2 việc:

Một là, theo báo cáo của ngành giao thông, với đặc điểm 2 đường băng hiện tại, cùng với hạn chế vùng không lưu, Tân Sơn Nhất chỉ có thể đạt công suất mỗi năm 190.000 chuyến. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng nếu điều hành tốt hơn, con số này có thể lên trên 300.000 - tương đương 40 triệu khách mỗi năm.

Thứ hai, với diện tích 1.000 ha đang có, nếu được sử dụng tốt, Tân Sơn Nhất cũng có thể nâng cấp dịch vụ mặt đất để tiếp nhận với lượng khách như vậy.

"Nếu làm được 2 việc này một cách khoa học, có phản biện mà thấy bất khả kháng thì vấn đề xây dựng Long Thành là chuyện không cần bàn. Dù có nợ cũng phải làm. Còn không giải thích thuyết phục thì 10 năm nữa làm cũng không muộn", đại biểu Trần Du Lịch nói.
Infographic: Tổng quan dự án Sân bay Long Thành

Chia sẻ quan điểm này, ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh đến việc xây dựng lòng tin trong nhân dân, tránh sự hoài nghi, phân tán mà câu chuyện về đường sắt cao tốc là bài học. Ông Quốc nói: "Nhà nước có nhiều cách khác nhau nhưng tốt nhất là phải tìm sự phản biện độc lập". Theo nhà sử học, dự án này mang tầm quốc tế. Vì vậy, việc phản biện cũng cần đến nhưng tổ chức uy tín của thế giới thì mới thuyết phục được nhân dân.

Theo ông Quốc, hãy khoan lấy lý do nước ta còn nghèo mà xem đây là sự lãng phí, bởi tiêu hoang hay không còn nằm ở hiệu quả dự án. "Vì thế cần có thẩm định thật khách quan, để thấy rõ đã đến lúc sẵn sàng đầu tư cho dự án. Nếu không thì sẽ đánh mất cơ hội", ông Quốc chia sẻ.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng lòng tin là yếu tố quan trọng nhất đối với dự án này.

Cũng là người ở địa phương trực tiếp thụ hưởng công trình nếu được xây dựng, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng ông ủng hộ sớm có sân bay Long Thành không phải vì "cục bộ địa phương" mà từ cái nhìn trong tổng thể vùng, của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Đồng Nai.

Vị Phó đoàn Đồng Nai tin rằng, với quy mô là một cảng trung chuyển quốc tế, Long Thành không chỉ giải tỏa áp lực quá tải hành khách lẫn hàng hóa cho Tân Sơn Nhất mà còn là dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế các tỉnh Nam Bộ.

Ông Vở cũng chia sẻ với các ý kiến băn khoăn trước nỗi lo nợ công, song nếu đặt dự án trong dài hạn, chí ít vay vì nhu cầu đầu tư phát triển thì sẽ yên tâm hơn về khả năng trả nợ.

Đại diện tỉnh Đồng Nai cũng cho biết địa phương đã sẵn sàng cho giải phóng mặt bằng."Cử tri đề nghị với Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai. Quy hoạch đã triển khai từ lâu rồi. Nhân dân nhiều lần yêu cầu đại biểu nhắc Quốc hội sớm làm kẻo trở thành quy hoạch treo", ông nói.

Trong khi đó, thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Ngô Văn Minh khẳng định sẵn sàng đồng ý chủ trương cho Chính phủ lập báo cáo khả thi để Quốc hội quyết định. "Nếu chỉ là báo cáo tiền khả thi thì chưa đủ. Đại biểu sẽ không yên tâm bấm nút thông qua nếu chưa biết cụ thể chi tiết về dự án, do đó phải qua 2 kỳ họp. Nhiều công trình quan trọng phải bàn đi bàn lại mấy kỳ cơ mà !", ông Minh bày tỏ.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào trong phiên họp ngày 29/10 để xin chủ trương đầu tư.

Theo lịch dự kiến trước đó thì ngày 28/11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua hay không. Tuy nhiên trước phiên khai mạc, nội dung này đã được đưa ra khỏi kỳ họp, thay vào đó chỉ tiến hành cho ý kiến.

Dự án Sân bay Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn II theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050. Khi đó, tổng kinh phí dự kiến khoảng 18,7 tỷ USD.



DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress