Đã qua thời kỳ "nghỉ đông"

Cập nhật 26/02/2010 13:55


Sau Tết Nguyên đán, nhiều dự án phía Tây Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Thị trường bất động sản (BĐS) ở Hà Nội không còn diễn ra tình trạng "ngủ đông" như 1 tháng trước đây, các nhà đầu tư (NĐT) đã sớm trở lại thị trường để mở hàng cho năm đầu tư mới.

Theo nhận định của một số chuyên gia về bất động sản, thị trường sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới vào những tháng đầu năm và sau đó, lượng giao dịch có thể sẽ tăng lên.

Khác hẳn với không khí ảm đạm trên thị trường bất động sản những ngày trước kỳ nghỉ tết, 1 tuần trở lại đây một số sàn bất động sản đã thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm và không ít giao dịch thực hiện thành công.

Anh Nguyễn Mộng Liêm - phòng kinh doanh văn phòng BĐS tại khu Mỹ Đình cho biết, vào thời điểm này của những năm trước thị trường bất động sản hầu như không được giới đầu tư quan tâm nhưng sang năm nay có sự thay đổi đột biến về lượng giao dịch, về giá cả chưa có sự biến động lớn.

“Mặc dù cả văn phòng nghỉ tết đến mồng 6 mới hoạt động, nhưng trước đó đã có một số NĐT gọi điện tìm hàng” - anh Nguyễn Hải Bằng, trung tâm giao dịch BĐS trên đường Nguyễn Văn Lương kéo dài cho biết.

Cũng theo anh Bằng, các NĐT quan tâm đến BĐS trong dịp tết chủ yếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Họ tranh thủ dịp về quê hương nghỉ tết, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường BĐS Hà Nội cũng bị tác động, khi Luật sửa đổi bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai chính thức có hiệu lực từ 1.9.2009, khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước được mở rộng hết cỡ.

Ông Phạm Văn Sơn, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BĐS tại Hà Nội nhận định, thị trường nhà đất Hà Nội có “nóng” lên nhưng không diễn ra trên diện rộng mà chỉ diễn ra tại một số khu vực hạ tầng tốt, không quá xa trung tâm. Theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, thị trường căn hộ ở khu vực phía tây trong 3 tháng cuối năm 2009 đã bị đẩy giá lên quá cao so với thu nhập của người có nhu cầu ở thực. Vì vậy, người dân Hà Nội không còn đổ xô vào khu trung tâm mà “dịch chuyển” ra khu vệ tinh lân cận.

Một số khu vực, dự án hiện đang được giới đầu tư quan tâm: Tây Hồ Tây, ngoại giao đoàn, TP giao lưu... BĐS khu vực phía tây, hầu hết giới đầu tư chỉ quan tâm đến những dự án đã hoàn thành hạ tầng và giải phóng mặt bằng.

Cũng theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường BĐS dịp sau tết sôi động trở lại còn xuất phát từ việc có một lượng NĐT chuyển từ kênh vàng sang BĐS do tháng 3 tới sàn vàng ngừng hoạt động. Theo thời gian, thị trường BĐS ngày càng trưởng thành, NĐT đã chuyển từ tầm nhìn ngắn sang dài hạn. Năm 2009 nhiều NĐT lướt sóng đã thất bại do tâm lý a dua, đồn thổi, bước sang năm nay, họ sẽ rút kinh nghiệm, bỏ qua tâm lý “ăn xổi ở thì”.

Còn theo nhận định của các NĐT, phần lớn họ đều có chung tâm lý nắm giữ tiền mặt nhiều hơn vào lúc cuối năm. Đầu năm mới, các NĐT quay trở lại thị trường để tìm kiếm các cơ hội mới nên thanh khoản của thị trường chắc chắn sẽ cao, thị trường cũng sẽ cho tín hiệu tăng tốt, việc giải ngân mạnh ở thời điểm này là thích hợp.

Vẫn lệch cung - cầu

Thị trường BĐS sau Tết Nguyên đán Canh Dần khởi động khá sớm với nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo ông Phan Thành Mai, Giám đốc Cty thẩm định BĐS VPBank, để thị trường thực sự khởi sắc, phải giải được bài toán nguồn cung, nhất là ở các khu vực “nóng”.

Đơn cử như tại Hà Nội, khu vực trung tâm tính từ vành đai 3 trở lại, nếu theo dõi các giao dịch qua sàn BĐS VPBank, có thể thấy rất rõ là lúc nào cũng hết hàng, không có hàng để cung cấp cho NĐT. Đặc biệt các dự án có sức hấp dẫn lớn như Splendora Bắc An Khánh; KĐT Nam An Khánh; dự án khu nhà ở Tây Mỗ..., lượng “cầu” bao giờ cũng vượt cung.

Rất nhiều NĐT đã đến sàn chấp nhận mức chênh lệch từ vài trăm triệu lên đến hàng tỉ đồng để được sở hữu nhà đất khu vực này. Các NĐT Việt kiều cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi cung - cầu đang lệch nhau như vậy, dù có chính sách nới lỏng cho phép được mua nhiều nhà, chắc nhiều Việt kiều vẫn phải cân nhắc các quyết định đầu tư của mình.

Đồng ý với quan điểm của ông Phan Thành Mai, ông Phạm Văn Hải – TGĐ Cty BĐS NHTMCP Á Châu (ACBR) cũng cho rằng, sự tăng giao dịch đột biến trên thị trường sau quyết định nới lỏng chính sách cho Việt kiều mua nhà tại VN chưa rõ ràng, tuy ngay từ trước Tết Nguyên đán đã có rất nhiều Việt kiều tìm đến sàn ACBR để tìm hiểu các thông tin về các dự án đang được bán qua sàn này như dự án New Sài Gòn của Hoàng Anh Gia Lai và nhiều dự án có các vị trí đắc địa khác.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, có thể chưa tác động ngay lập tức nhưng về lâu dài nguồn kiều hối từ nước ngoài chuyển về đầu tư tại VN cũng là một nguồn vốn được kỳ vọng rất khả quan, có thể trở thành một trong những lực đẩy giúp thị trường BĐS tan băng.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động