Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã khẳng định thành phố Đà Nẵng (TPĐN) là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong vai trò là thành phố hạt nhân, là động lực cho sự phát triển của vùng và cả nước.
Bán đảo Sơn Trà sẽ thành nơi đáng sống nhất Việt Nam?
|
Cần một sân bay đủ lớn “Để ĐN hội nhập sâu, xây dựng sân bay cho ĐN là 1 nội dung quan trọng. Bởi sân bay ĐN đã được nâng cấp và có nhà ga mới nhưng trong tương lai cũng chỉ hạn chế khoảng 10-12 triệu hành khách/năm. ĐN là trung tâm điểm đến của miền Trung và của di sản thế giới, là 1 TP cấp quốc tế không thể có sân bay quy mô bé được. Đề xuất: không xây dựng sân bay mới ở ĐN vì không có diện tích lớn; nên lấy sân bay Chu Lai cách ĐN 90km (đi đường cao tốc: 1 tiếng và đường sắt cao tốc 30 phút). Đây là sự lựa chọn phù hợp cho sân bay quốc tế của ĐN nằm trên địa phận Quảng Nam. Chúng ta đang quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế không phân biệt ranh giới hành chính. Cần có ý tưởng kết hợp với quốc gia để xây dựng sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế ĐN và của vùng miền Trung- Tây Nguyên” - TS-KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN. |
TS-KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN đề xuất dành đỉnh cao phía Tây của bán đảo để xây dựng 1 tổ hợp khách sạn du lịch hạng sang, nhất có kết hợp vui chơi giải trí đáp ứng cao nhất nhu cầu của khách quốc tế hiện tại và khách du lịch trong tương lai.
Theo đó, phía chân núi (theo hướng từ phía Cảng Tiên Sa đến mũi phía Đông) sẽ xây dựng các khu ở, biệt thự, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp theo nhịp điệu và độ cao khoảng từ 100m trở xuống.
“Đề xuất này có 2 ý nghĩa: Một là khai thác tốt quỹ đất (ĐN phát triển trong tương lai đến 2 triệu người là thiếu đất xây dựng). Kiến trúc cho các công trình nhà ở, du lịch ở trên sườn phía Nam sẽ làm cảnh quan đô thị sầm uất, đầy sức sống làm cho Sơn Trà gắn bó với ĐN hơn. Hai là, từ TP chúng ta nhìn lên Sơn Trà, ở đó có 1 cuộc sống đô thị mới trên cao như Hồng Kông, Ma Cao, Vũng Tàu...
Dải kiến trúc này vừa làm cho đô thị thêm quy mô hơn, quan trọng là tạo được 1 cuộc sống đô thị ở trên cao với sự khác biệt và làm phong phú hơn không gian đô thị ĐN. Mặt khác, cuộc sống từ trên núi cao nhìn về sông Hàn- ĐN là điểm nhìn lý tưởng nhất cho mỗi người.
Sở hữu 1 căn hộ, 1 ngôi biệt thự hay uống ly cà phê trong khách sạn sang trọng ở độ cao này khi nhìn về TP với sông Hàn tuyệt đẹp thì ý nghĩa cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người ĐN có nơi nào sánh được?”- TS-KTS Trần Ngọc Chính nói.
Khi được hỏi, liệu ý tưởng “bán” bán đảo này có là... hoang tưởng khi yếu tố an ninh quốc gia phải đặt lên hàng đầu ? TS-KTS Trần Ngọc Chính cho hay: “Ở đây vấn đề quốc phòng, vấn đề rừng cảnh quan bảo vệ thiên nhiên, vấn đề xói lở và các thể chế cần phải được đặt ra để nghiên cứu, xem xét và lựa chọn có 1 kế hoạch tốt cho việc khai thác bán đảo Sơn Trà 1 cách hiệu quả nhất. Chúng ta cũng phải cần nhìn nhận báo đảo Sơn Trà có ý nghĩa quốc phòng quan trọng bởi vị trí tiền tiêu của nó. Bởi thế các phần đỉnh phía Đông sẽ dành cho quốc phòng. Thế kỷ hội nhập, đất nước phát triển, chúng ta đã mạnh hơn và nhìn về tương lai cho mỗi đô thị cởi mở hơn nên yếu tố an ninh quốc gia là yếu tố quan trọng nhưng không phải mọi chỗ, mọi nơi và là tất cả”.
Đề xuất độc đáo của TS TKS Trần Ngọc Chính cũng nhận được sự quan tâm của Chủ tịch TPĐN Văn Hữu Chiến. Ông cho rằng, đến lúc này, khi ĐN đã phát triển cao, có bước đột phá và công tác quy hoạch - quản lý quy hoạch đã tốt, thì ý tưởng xây 1 dự án trên cao đưa ĐN thành đô thị có đẳng cấp thế giới và là 1 TP đáng sống không còn là chuyện không tưởng.