Sốt đất ảo do “cò” làm loạn khiến nhiều người đầu tư “sập bẫy”, hàng loạt dự án liên quan đến pháp lý, tranh chấp, nhiều dự án được chính quyền “khui” ra những sai phạm sau nhiều năm im lặng… đang là những bất ổn đối với thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng thời gian gần đây.
Môi trường đầu tư của Đà Nẵng ít nhiều bị ảnh hưởng sau hàng loạt vấn đề liên quan đến thị trường BĐS.
Ma trận thị trường
Đà Nẵng đang trong giai đoạn phát triển “nóng” các dự án BĐS, chính vì thế giá đất liên tục có những biến động. Không thể phủ nhận việc quản lý không chặt của chính quyền thành phố khiến thị trường đất đai có những thời điểm hỗn loạn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Cụ thể là tình trạng sốt đất ảo liên tục diễn ra.
Thời điểm sau Tết Nguyên Đán 2018, nhiều đợt sốt đất kéo dài đến giữa 2019 đã đẩy giá đất tại một số dự án như Golden Hill, Phước Lý, Nam Hòa Xuân…, các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu tăng đột biến. Đất “sốt” khiến nhiều người lao vào đầu tư và sau đó “ôm hận”. Nguyên nhân do các nhà đầu cơ, đội ngũ “cò đất” bắt tay nhau tạo nên những cơn sốt ảo. Sau khi kiếm được khoản lời lớn, các nhà đầu cơ rút đi, để lại hậu quả cho những người đầu tư thứ cấp, người dân địa phương và các tỉnh cân lận “ôm hận”.
Nghiêm trọng hơn khi có công ty BĐS vẽ dự án với những lời quảng cáo mỹ miều để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của hàng trăm khách hàng. Tiêu biểu như trường hợp của Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà - Quảng Đà Land trong tháng 4 vừa qua đã bị Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Đà Nẵng thực hiện ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Bích Thuận (Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà - Quảng Đà Land) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà - Quảng Đà Land có trụ sở tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng; liên quan đến hành vi lừa bán đất tại “dự án ma” Khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất đường Đô Đốc Lân ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Kết quả điều tra cho thấy, dự án và các lô đất kể trên không phải thuộc sở hữu của Công ty Quảng Đà mà thuộc quản lý của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng. Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để thực hiện đầu tư dự án bán đất nền...
Chưa hết, ở Đà Nẵng còn xảy ra trường hợp nhân viên công ty BĐS rao bán đất không có thật như trường hợp của bà Trần Yến Dung, 25 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Bà Dung bị Công an quận Liên Chiểu xử phạt 10 triệu đồng vì hành vi rao bán trên mạng xã hội 23 lô đất không có thật.
Một trong những vụ tranh chấp gây rúng động thị trường BĐS Đà Nẵng, Quảng Nam là vụ giữa Công ty Cổ phần Bách Đạt An và Công ty Cổ phần dịch vụ BĐS Hoàng Nhất Nam (đều có trụ sở ở Đà Nẵng) tại 3 dự án là Bách Đạt 1, 7B mở rộng và Hera Comiplex Riverside tại Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trong vụ tranh chấp này, Bách Đạt An bị cho đã “bẻ kèo” với đối tác Hoàng Nhất Nam, khiến 1.000 khách hàng mua đất điêu đứng, nhiều lần tụ tập đông người khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự.
Buông lỏng quản lý (!?)
Hàng loạt dự án BĐS tại Đà Nẵng đã và đang cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền Đà Nẵng. Ngày 6/9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND quận Ngũ Hành Sơn thông báo về việc dừng thi công đối với 36 căn nhà, thu hồi giấy phép 35 căn nhà tại Khu đô thị Phú Mỹ An, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn của Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung. UBND TP Đà Nẵng còn yêu cầu công ty này phải chấp hành xử phạt hành chính về hành vi không tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định.
Những căn hộ của Đất Xanh miền Trung vừa bị chính quyền Đà Nẵng thu hồi giấy phép. Ảnh:ĐXMT
Những căn hộ của Đất Xanh miền Trung vừa bị chính quyền Đà Nẵng thu hồi giấy phép. Ảnh:ĐXMT Những căn hộ của Đất Xanh miền Trung vừa bị chính quyền Đà Nẵng thu hồi giấy phép. Ảnh:ĐXMT Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức thu hồi 35/36 giấy phép xây dựng nhà ở gia đình do UBND quận này cấp cho Công ty Đất xanh miền Trung không bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Sau văn bản này, UBND quận Ngũ Hành Sơn sẽ chỉ đạo Đội kiểm tra Quy tắc đô thị quận theo dõi, giám sát việc ngừng thi công đối với toàn bộ 36 công trình.
Đất Xanh miền Trung sau đó cho biết đã chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính do không tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng đối với công trình theo quy định phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Công ty này cho biết thêm, 36 nhà biệt thự trên thuộc dự án One River đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được mua lại từ nhiều cá nhân. Và các công trình nhà ở riêng lẻ mà công ty này đang xây dựng thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng. Vì vậy, ngày 14/5/2018, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có văn bản xác nhận trường hợp miễn giấy phép xây dựng các công trình nhà ở thuộc dự án khu đô thị Phú Mỹ An. Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện khi thực hiện các thủ tục cập nhật nhà lên sổ và đảm bảo về công tác xây dựng 36 nhà biệt thự, công ty đã lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Đất Xanh miền Trung đang thực hiện hồ sơ công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án đối với công trình 36 biệt thự trên.
Cũng liên quan đến việc cấp phép sai quy định, Dự án công trình xây dựng tại Kiệt 108 Nguyễn Chánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang gặp khó trong xử lý. Theo kết luận của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, qua kiểm tra giấy phép xây dựng do UBND quận Liên Chiểu cấp năm 2018, việc cấp phép theo giấy phép xây dựng (tại thời điểm cấp phép) là không đúng theo quy định.
Cũng vì “vướng” giấy phép nên công trình tại Kiệt 108 Nguyễn Chánh đang gây lúng túng trong việc tìm cách tháo gỡ, còn doanh nghiệp chủ dự án cũng gặp vô cùng khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh và nỗ lực ra sổ đỏ cho khách hàng. Những hộ dân đang sinh sống trong dự án tại Kiệt 108 Nguyễn Chánh cũng đang hoang mang, lo lắng và mong muốn chính quyền quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cùng doanh nghiệp sớm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết thủ tục đất đai để họ an tâm sinh sống, làm việc.
Trên đây chỉ là hai dự án nhỏ nằm trong hàng trăm dự án BĐS ở Đà Nẵng bị cơ quan chức năng Đà Nẵng “khui” ra sai phạm. Và câu hỏi đặt ra là phải chăng trong thời gian qua các cấp chính quyền ở đây đã buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai? Điều đáng nói, theo dư luận, hiện nay các dự an bị “khui” ra mới chỉ là những dự án nhỏ, còn hàng loạt đại dự án của những tập đoàn lớn thì chưa thấy “tín hiệu” kiểm tra, xử lý. Thực trạng này đang gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng.
“Nhiều dự án do quận cấp phép sai quy trình, vậy vì sao có những cái “nằm im” 2 đến 3 năm mới được phát hiện? Dư luận đang đặt câu hỏi về sự chậm trễ này của chính quyền”, một chủ doanh nghiệp BĐS ở Đà Nẵng chia sẻ.
DiaOcOnline.vn – Theo Công luận