Là địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị cùng với việc mở rộng các tuyến đường hay đầu tư mới những tuyến đường kết nối với nhau tạo cho Đà Nẵng phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, trở thành địa phương đi đầu cả nước về phát triển trên mọi phương diện.
Xây dựng cầu Rồng nối đường Nguyễn Văn Linh ra sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Thái Anh
|
Đột phá bằng hạ tầng giao thông đô thị
10 năm trở lại đây Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khá nhanh. Nếu tính từ năm 1997 Đà Nẵng chưa có một KĐTM nào và hệ thống giao thông chỉ có những tuyến đường chính được xây dựng từ rất lâu, thì việc chia tách tỉnh và trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương là bước đệm đầu tiên cho việc phát triển của Đà Nẵng như ngày hôm nay. Việc đưa vào sử dụng cầu Sông Hàn là một bước đột phá mới cho Đà Nẵng trong việc phát triển hệ thống giao thông và trở thành biểu tượng của Đà Nẵng. Cùng với đó là việc xây dựng những tuyến đường giao thông như đường Bạch Đằng, đường 2/9, đường Phạm Văn Đồng, tiếp đến cung đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa, Trường Sa, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, mới đây nhất là việc xây dựng cầu Rồng, cầu Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Hoà Xuân… đã tạo giao thông đi lại và thông thương trong khu vực được thuận lợi.
Việc phát triển hạ tầng giao thông đã tạo cho Đà Nẵng khai thác được một lượng lớn về quỹ đất và nâng cao được giá trị của những mảnh đất tại các khu vực này. Với cầu Rồng được xây dựng, đất tại đường Nguyễn Văn Linh nối với cầu Rồng trở nên đắt đỏ và con đường này trở thành một trong những phố tài chính của Đà Nẵng trong thời gian tới. Còn đối với việc mở rộng giao thông tại các vùng ven trung tâm đã làm thay đổi lớn về bộ mặt đô thị và từng bước xoá được khoảng cách giữa nông thôn và thành thị tại Đà Nẵng.
Mở ra các KĐTM
Việc phát triển hạ tầng đồng bộ đã hút được các nhà đầu tư vào Đà Nẵng xây dựng các dự án KĐT, KDC. Nếu năm 2004 Đà Nẵng chỉ có KĐT Phú Mỹ An do Cty CP 579 làm chủ đầu tư, thì đến nay Đà Nẵng có khoảng 10 dự án KĐT đã được khởi công như: The Empire, Riveside, ThienPark, Gold Hills, Hoà Xuân, FPT, Phương Trang… Hiện Đà Nẵng có khoảng 12 nghìn lô đất nền, không kể các lô đất nền tại các dự án tái định cư, các khu biệt thự nghỉ dưỡng được xây dựng tại các khu vực dọc biển và các khu căn hộ cao cấp xây dựng tại trung tâm TP Đà Nẵng đã thu hút các DN đến từ Sài Gòn, Hà Nội đến đầu tư là do có sự phát triển vượt bậc về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không và trong tương lai, Đà Nẵng là một TP phát triển nhất tại Việt Nam.
Một điều cho thấy, dù tình hình kinh tế của cả nước bị khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương giảm nhưng Đà Nẵng vẫn giữ được sự ổn định kinh tế. Thị trường BĐS cả nước đang đóng băng và tụt giảm giao dịch mua bán cũng như giá cả nhưng BĐS tại Đà Nẵng vẫn giữ giá ổn định, chỉ có một số khu vực giảm nhẹ từ 2-5%. Chính vì thế, Đà Nẵng có tốc độ GDP của 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 13,1%, vượt qua TP.HCM và Hà Nội.
Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng thu hút đầu tư, Đà Nẵng có triển vọng trong phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao và một ký kết thoản thuận gần đây nhất đó là việc hợp tác với IBM trong việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Đà Nẵng và EADS - nhà sản xuất công nghiệp hàng không vũ trụ của châu Âu đang cân nhắc để phát triển một KCN tại Đà Nẵng. Với sự phát triển này đã tạo cho Đà Nẵng xứng tầm là một TP trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng