Đà Nẵng: Kiến nghị công nhận sở hữu tư nhân về đất đai

Cập nhật 11/12/2011 08:30

Theo TP Đà Nẵng, mỗi miếng đất gắn với chủ sở hữu rõ ràng sẽ làm giảm tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai.

Tại Hội nghị tổng kết việc thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 về vấn đề sở hữu đất đai tổ chức vào ngày 3-12, báo cáo của chính quyền TP Đà Nẵng cho rằng đang có những bất cập trong quá trình thi hành quy định về đất đai. Và hiện trên thế giới, không quốc gia nào có hệ thống pháp luật về quản lý đất đai đồ sộ, phức tạp như nước ta: đã có Luật Đất đai 2003 lại có hơn 400 văn bản hướng dẫn về đất đai.

Nhập nhằng sở hữu đất đai

Theo báo cáo này, khi hiến pháp quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thì đó là tuyên ngôn chính trị về sở hữu hơn là một chế định pháp lý. Bởi đất đai nói chung không thể là tài sản thuộc phạm trù sở hữu của luật dân sự, mà các “mảnh đất” hay “thửa đất” cụ thể mới là đối tượng của sở hữu. Sở TN&MT cũng cho rằng “đất đai là sở hữu toàn dân thì đương nhiên đã chấm dứt về mặt pháp lý toàn bộ sở hữu tư nhân về đất đai. Nhưng Nhà nước vẫn thừa nhận một thực tế khách quan là chỉ có thể can thiệp vào hai khía cạnh: kiểm soát quyền sử dụng và quyền định đoạt chứ không tước đoạt toàn bộ quyền sở hữu của người dân.

Chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai cũng đã giảm ý nghĩa trên thực tế đời sống hiện nay, ảnh hưởng đến quá trình làm giàu của người dân vì người dân không thể biến các mảnh đất, thửa đất của mình thành tài sản hoặc vốn đầu tư. Trong khi đó, lại có một quá trình tư nhân hóa về sở hữu đất đai đã và đang diễn ra trên thực tế một cách không tránh khỏi.


Trên thực tế, người dân có nhiều quyền trong việc định đoạt tài sản đất đai của cá nhân. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho rằng: “Sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước về đất đai đang có sự bất minh, không rõ ràng. Bởi thực tế người dân cứ nghĩ đất đai là sở hữu của họ, họ có quyền quyết định. Có như thế mới có chuyện ở Hà Nội đất giá 80 triệu đồng/m2 nhưng dân vẫn đòi 1 tỉ đồng/m2. Thế là Nhà nước đã thua dân rồi và đất là sở hữu của người dân chứ đâu phải đất là của Nhà nước nữa”.

Báo cáo tại buổi tổng kết thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 về vấn đề sở hữu đất đai cũng chỉ rõ: Việc giao đất và bồi thường thiệt hại đã được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật nhưng việc thỏa thuận bồi thường với dân hết sức khó khăn. Chủ sử dụng đất có thể đưa ra mức giá quá cao so với giá quy định của Nhà nước. Chế độ công hữu về đất đai có một số nhược điểm như: người sử dụng đất không có động lực sử dụng đất một cách tốt nhất, không muốn đầu tư dài hạn vào đất đang sử dụng. Ngoài ra, quyền định đoạt về đất đai thuộc về các cơ quan nhà nước cũng dễ dẫn đến sự can thiệp hành chính vào thị trường quyền sử dụng đất, tạo nguy cơ phát sinh tham nhũng.

Sở TN&MT và Sở Tư pháp cũng cho rằng các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đất đai cơ bản là phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: Quyền sử dụng đất chưa được làm rõ bản chất; Nhà nước là chủ sở hữu đất đai và giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng lâu dài, như vậy các chủ thể này không phải là chủ sở hữu đất đai mà chỉ là người sử dụng; một quá trình tư nhân hóa về sở hữu đất đai thực tế đã và đang ngầm diễn ra.

Thực tế đã có sở hữu tư nhân

Đà Nẵng kiến nghị cần xem xét sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Mỗi miếng đất phải gắn với chủ sở hữu rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Ngay cả đất thuộc sở hữu nhà nước cũng phải nêu rõ ai là đại diện chủ sở hữu mảnh đất đó. Có như vậy sẽ làm giảm tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai. Khi đã là chủ sở hữu thì người dân có quyền bán hay không bán đất của mình, có thể mặc cả để đảm bảo đúng mức lợi ích của mình.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở TN&MT cho rằng khi thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, thị trường đất đai sẽ dần minh bạch. Khi đó lợi ích người dân và đất nước sẽ đảm bảo tốt hơn. Trong đó, nên trao quyền sở hữu tư nhân về đất đai đối với các loại đất như: đất ở, đất chuyên dùng, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất rừng sản xuất nhưng phải nằm trong mức hạn điền. Cần phải cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế sở hữu đối với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh của họ. DN có bỏ tiền ra mua đất làm cơ sở kinh doanh thì chắc chắn sẽ đầu tư và sử dụng đất mang lại lợi ích cao nhất, bền vững nhất. DN cũng vẫn có thể thuê đất của Nhà nước, người dân một cách công khai, minh bạch và không có sự can thiệp hành chính của Nhà nước.

Ông Điểu cũng cho rằng văn bản nói đất đai là sở hữu nhà nước, toàn dân nhưng trên thực tế lại không khác gì sở hữu tư nhân. Sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước nhiều khi không còn có vai trò nữa. Ông nói: “Ở Hà Nội làm gì có chuyện 1 tỉ đồng/m2 đất nếu Nhà nước quản lý tốt. Vì vậy cần phải trả đất đai về lại giá trị thực của nó”. Cũng theo ông Điểu: “Sở hữu tư nhân về đất đai nhưng phải có hạn chế quyền định đoạt. Nhà nước có quyền định đoạt, thu hồi đất để sử dụng vì lợi ích quốc gia và các lợi ích cần thiết”. Trong đó, Đà Nẵng cũng cho rằng người dân hoặc DN không thể tùy tiện bán đất cho nước ngoài hoặc khai thác tài nguyên trong lòng đất.

Trong hiến pháp, Luật Đất đai thì ghi “sở hữu toàn dân” nhưng luật dân sự lại ghi “sở hữu nhà nước”. Như vậy, đã có sự không thống nhất trong các văn bản pháp luật. Sở hữu nhà nước trong đất đai nhiều khi dẫn đến sự tùy tiện, đẻ ra đủ thứ, người quản lý muốn làm gì thì làm. Còn sở hữu toàn dân thì người ta không thể làm tùy tiện được vì chỉ có thể thay mặt nhà Nước điều hành thôi.

Ông NGUYỄN ĐIỂU, Giám đốc Sở TN&MT


Đã có nhiều chuyên gia bàn luận và nhắc đến ba hình thức sở hữu đất đai nói trên nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên một địa phương có kiến nghị như vậy. Đó là hướng đột phá và trong quá trình sửa đổi hiến pháp cần ghi nhận để đa dạng hóa loại hình sở hữu nhưng không làm mất đi sự thống nhất quản lý xuyên suốt của Nhà nước.

Ông LÊ VĂN CAO, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng)
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP