Đà Nẵng hút vốn mạnh vào bất động sản

Cập nhật 06/05/2008 16:00

Theo các chuyên gia kinh tế, Đà Nẵng đang trong thời kỳ bùng nổ đầu tư bất động sản, nổi bật là thị trường văn phòng, khách sạn và khu du lịch nghỉ dưỡng.

Nhiều nhà đầu tư giải thích quyết định đổ vốn vào thành phố này vì Đà Nẵng đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Một làn sóng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản ở Đà Nẵng đang được hình thành và điều này được nhìn nhận do thành phố này có cơ sở hạ tầng tốt, quy hoạch đồng bộ với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế... đã đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đánh giá trên, thời gian gần đây hàng loạt các dự án tổ hợp cao ốc đã được khởi công tại trung tâm kinh tế khu vực miền Trung này. Ngoài các cao ốc được xây dựng trên những khu đất “vàng” ngay trung tâm thành phố như Golden Square của Công ty cổ phần địa ốc Đông Á, Danang Centre của Công ty Vũ Châu Long, Vien Dong Meridian của Công ty Viễn Đông Land... còn có các tòa nhà khác đang đua nhau mọc lên dọc ven biển và bờ sông Hàn như Indochina Riverside Towers, Han Riverside, dự án của VinaCapital, Deawon Cantavil...

Phần lớn các dự án này đều có vốn đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ, có dự án lên đến 200, 300 triệu đô la Mỹ như dự án của VinaCapital (325 triệu đô la Mỹ), Deawon Cantavil (250 triệu đô la Mỹ).

Thị trường chưa hoàn toàn thuận lợi

Giới chuyên môn cũng nhận định rằng kinh doanh cao ốc ở Đà Nẵng không dễ dàng do nhu cầu của thị trường này còn yếu.

Đại diện của một tập đoàn lớn đang đầu tư nhiều dự án bất động sản, trong đó có cao ốc tại Đà Nẵng đã cho biết họ chỉ quan tâm đến đối tượng khách hàng là Việt kiều và người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Vì đối tượng khách hàng là người bản xứ chỉ chiếm một lượng không đáng kể trong danh sách khách hàng đăng ký mua hoặc thuê căn hộ của họ.

Ngoài ra, nhu cầu thuê văn phòng tại Đà Nẵng cũng không cao như hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TPHCM. Mặc dù giá thuê văn phòng tại Đà Nẵng không cao so với mặt bằng chung, khoảng từ 15 đến 25 đô la Mỹ/mét vuông nhưng do những nhà sản xuất, tập đoàn kinh doanh lớn chưa hiện diện nhiều tại Đà Nẵng nên nhu cầu trong lĩnh vực này không cao.

Vậy nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư đổ xô vào xây dựng cao ốc văn phòng tại Đà Nẵng?

Đón đầu cơ hội

Nhiều chuyên gia nhận xét, thành phố Đà Nẵng trong tương lai sẽ là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông-Tây dài 1.450 km, nối ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan. Do đó, việc đầu tư trước để đón đầu cơ hội là lời giải thích chung của nhiều nhà đầu tư.

Ông Vũ Châu Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long - doanh nghiệp đầu tư hai dự án bất động sản lớn là Danang Center và Han Riverside, cho rằng mục đích của công ty không ngoài việc đón đầu cơ hội. Theo ông, thị trường bất động sản hiện nay đang bước vào một giai đoạn cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm ngày càng nhiều và đa dạng cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Trong cuộc cạnh tranh này, khách hàng sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất vì họ sẽ có quyền lựa chọn những sản phẩm xứng đáng với khoản đầu tư mà họ bỏ ra.

Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT của Trung Nam Group - cổ đông lớn nhất của dự án Vien Dong Meridian, cho biết để đảm bảo thành công cho dự án này, công ty quyết tâm phát triển sản phẩm đặc sắc để tung ra thị trường. Yếu tố vị trí và tính thẩm mỹ cũng được đặt lên hàng đầu. "Ngoài vị trí chiến lược thì các giá trị mang tính chiều sâu như thẩm mỹ, tính hài hòa với thiên nhiên chính là những yếu tố dẫn đến thành công của một dự án", ông Thịnh nói thêm.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital cho biết, sở dĩ tập đoàn này đầu tư lớn vào Đà Nẵng vì đây là thị trường đầy tiềm năng. Ông hy vọng sẽ khai thác được tiềm năng của bãi biển đẹp ở Đà Nẵng. Đây có lẽ cũng là lý do mà VinaCapital luôn chọn vị trí ven biển hoặc gần biển cho các dự án của mình.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Cảnh Dương, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố Đà Nẵng, nhận định rằng việc các nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản với mục đích đón đầu thị trường là điều dễ hiểu. Nguyên do là hiện nay toàn thành phố đã không còn những khu đất đẹp, đất sạch (không phải đền bù giải toả) thuận lợi cho việc đầu tư trung tâm thương mại và khu du lịch.

"Hiện có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu để đầu tư vào các khu đất ngay trung tâm thành phố nhưng tất cả đều đã có chủ. Trong vòng 10 năm tới, nếu muốn đầu tư vào Đà Nẵng các nhà đầu tư đành phải chấp nhận những khu đất ở xa trung tâm với vị trí không thể đẹp như hiện tại", ông Dương nói.

Theo số liệu của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE, tính đến hết năm 2007, toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 55.000 mét vuông văn phòng cho thuê với các hạng A, B và C được đưa vào sử dụng. Hầu hết diện tích dùng cho mục đích văn phòng và thương mại đều nằm trong quận Hải Châu, đặc biệt tập trung tại đường Trần Phú và Nguyễn Văn Linh - khu vực trung tâm thành phố.

CBRE dự đoán đến năm 2010, Đà Nẵng sẽ có khoảng 500 biệt thự, 3.200 phòng khách sạn và resort, 14 trung tâm mua sắm, hơn 1.000 chung cư và khoảng 100.000 mét vuông diện tích văn phòng cho thuê.


Theo TBKTSG