Đà Nẵng: Hàng loạt "khu đất vàng" bắt đầu chuyển động

Cập nhật 13/01/2008 09:00

Trước sự kiên quyết của UBND TP Đà Nẵng, trong quý 1/2008, hàng loạt “khu đất vàng” sẽ chính thức khởi công xây dựng sau nhiều năm “trùm mền”.

Quý 1/2008, hàng loạt “khu đất vàng” khởi công dự án

Ngay đầu năm mới 2008, Đà Nẵng đã đón nhận nhiều thông tin lạc quan về sự chuyển động của hàng loạt “khu đất vàng” sau suốt nhiều năm “trùm mền”.

Trong đó, được dư luận quan tâm nhất là khu đất hơn 10.000m2 với ba mặt tiền Phan Chu Trinh - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai (gọi chung là khu đất 08 Phan Chu Trinh) và khu đất 10.600m2 với 4 mặt tiền đường Phạm Hồng Thái - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Thái Học - Yên Bái (gọi chung là khu đất Phạm Hồng Thái) nằm ngay giữa trung tâm TP.

Ông Võ Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long (Đà Nẵng) cho hay, sau khi tiếp nhận khu đất 08 Phan Chu Trinh từ một nhà đầu tư trước đó (đã được chuyển quyền sử dụng đất từ năm 2003), đơn vị này đã mời các nhà thiết kế Đài Loan và Singapore tham gia thiết kế công trình. Hiện dự án đã được trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

“Tại đây, chúng tôi sẽ xây dựng khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, khách sạn 3 sao cao 33 tầng và 4 tầng hầm cùng khu căn hộ cao cấp 27 tầng với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Hiện công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương để dự án có thể khởi công vào ngày 28/3, đúng vào dịp kỷ niệm 33 năm giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2008)” – ông Võ Ngọc Châu cho biết.

Không những thế, cùng ngày 28/3, Công ty Vũ Châu Long cũng sẽ khởi công xây dựng khu văn phòng cho thuê và 4 cụm căn hộ cao cấp gồm 27 tầng và 4 tầng hầm trên khu đất rộng 14.000m2 ở phía Đông Bắc cầu sông Hàn với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD. Đây cũng là khu đất mà Công ty Vũ Châu Long tiếp nhận từ một nhà đầu tư khác sau nhiều năm để “trùm mền”, gây bức xúc cho dư luận. Tuy cùng lúc triển khai hai dự án lớn nhưng ông Võ Ngọc Châu khẳng định: “Cả hai dự án này đều sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động ngày 28/3/2010, nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Đà Nẵng!”.

Một tâm điểm chú ý khác là khu đất Phạm Hồng Thái cũng đang có những bước chuyển động khá tích cực sau 5 năm bỏ trống kể từ khi UBND TP Đà Nẵng có quyết định giao cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần An cư Đông Á (nay là Công ty cổ phần địa ốc Đông Á, TP.HCM).

Ông Cao Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đông Á cho biết, nguyên nhân gây chậm trễ là do có sự thay đổi thiết kế theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng, phải nâng lên cao hơn so với thiết kế cũ chỉ là khối căn hộ 5 - 21 tầng cho phù hợp kiến trúc quy hoạch chung của TP. Đến ngày 21/11/2007 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 9231/QĐ-UBND phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết khu phức hợp trung tâm thương mại và căn hộ tại khu đất Phạm Hồng Thái.

“Chúng tôi sẽ xây dựng tại đây khối căn hộ 38 tầng, khối cao ốc văn phòng – trung tâm tài chính 21 tầng và khối khách sạn 4 sao 27 tầng… Hiện Công ty cổ phần địa ốc Đông Á đang phối hợp với Công ty CPG Consultants Pte (Singapore) gấp rút triển khai lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế hệ thống PCCC, đánh giá tác động môi trường… trình các cơ quan chức năng phê duyệt. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối tháng 1/2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng!” - ông Cao Ngọc Vũ nói.

Đối diện khu đất Phạm Hồng Thái là dự án Viễn Đông Meridian Tower ở khu 84 Hùng Vương vừa diễn ra cuộc thi tuyển quốc tế lần đầu tiên tại Đà Nẵng để chọn phương án kiến trúc. Theo đó, phương án đoạt giải nhất của Công ty Mooyoung Architecture & Engineering (Hàn Quốc) đã được chọn để xây dựng khu phức hợp thương mại, mua sắm, giải trí, trung tâm hội nghị, văn phòng cho thuê tiêu chuẩn quốc tế hạng A, khách sạn tiêu chuẩn 6 sao, căn hộ cao cấp… trên diện tích đất hơn 11ha với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD.

Trong đó, nổi bật nhất là toà tháp đôi cao nhất miền Trung từ trước đến nay với 48 tầng (tương đương 200m, ngoài ra còn có 3 tầng hầm) tạo điểm nhấn đặc biệt cho khu phức hợp. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư - Chuyển giao công nghệ Viễn Đông Nguyễn Tâm Thịnh khẳng định, dự án cũng sẽ được khởi công vào dịp kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng Đà Nẵng và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng sau 3 năm.

Chưa hết, thông tin từ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng còn cho biết, cũng vào dịp kỷ niệm 33 năm giải phóng TP, Tập đoàn VinaCapital sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp Capotal Square 40 tầng gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn 4 - 5 sao và khu căn hộ cao cấp… trên khu đất 9ha ở phía Đông Nam cầu sông Hàn (thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) với tổng vốn đầu tư 325 triệu USD…

Hiệu quả từ sự kiên quyết của chính quyền

Theo khảo sát của Công ty CB Richard Elliss (CBRE) chuyên về tư vấn bất động sản, đến hết năm 2006, Đà Nẵng có khoảng 20.000m2 văn phòng được cung cấp và ngay lập tức đạt tỉ suất cho thuê đến 96%. Đến cuối năm 2007, TP có thêm khoảng 35.000m2 văn phòng được đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.



Phối cảnh khu phức hợp Capital
 Square sẽ được khởi công trong
 quý 1/2008.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc Công ty CBRE VN, ngoài văn phòng cho thuê thì lĩnh vực khách sạn và hệ thống khu nghỉ dưỡng cũng được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Hiện tại hiệu suất sử dụng phòng khách sạn ở Đà Nẵng đang khá cao với khoảng 70% đối với hệ thống khách sạn 3 sao, 65% với khách sạn 4 sao và 5 sao.

Với sức “nóng” như vậy về thị trường văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, khách sạn và hệ thống khu nghỉ dưỡng, có thể nói việc hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn, kể cả những dự án đã “trùm mền” nhiều năm, dồn dập khởi công tại Đà Nẵng ngay trong quý 1/2008 là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tác động lớn nhất đến sự chuyển động này phải kể đến sự kiên quyết của chính quyền địa phương. Bức xúc trước tình trạng hàng loạt dự án “ngâm tôm” khiến các khu đất vàng rơi vào cảnh bị bỏ hoang, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư của địa phương, cuối năm 2007, UBND TP Đà Nẵng đã liên tục ra các “tối hậu thư” yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Riêng với khu đất 08 Phan Chu Trinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh có văn bản 3287 chấp nhận cam kết của nhà đầu tư về việc lùi thời hạn khởi công dự án đến cuối tháng 12/2007. Với khu đất Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính có văn bản 5839 cho gia hạn lần cuối thời gian khởi công xây dựng đến 15/2/2008. Tại các văn bản này, lãnh đạo TP Đà Nẵng đều nhấn mạnh: Nếu quá các thời hạn trên mà các nhà đầu tư vẫn chưa khởi công công trình thì UBND TP Đà Nẵng sẽ thu hồi lại các khu đất đã giao để quản lý, sử dụng theo quy hoạch của TP!

Một câu hỏi được đặt ra tại thời điểm đó: Liệu “tối hậu thư” có khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai dự án? Nói khác đi, hiệu quả thực sự của các tối hậu thư này đến đâu? Theo luật sư Đỗ Pháp (Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp thuộc Đoàn Luật sư Đà Nẵng), việc chính quyền địa phương có thể thu hồi lại đất dự án đã chuyển quyền sử dụng đất hay không tuỳ thuộc vào các điều khoản cam kết ban đầu trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.

Nếu trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có điều khoản ghi rõ chủng loại, quy mô công trình, thời gian, tiến độ thực hiện dự án… mà bên nhận đất không thực hiện đúng hoặc không đủ khả năng để thực hiện theo đúng cam kết thì chính quyền địa phương có quyền thu hồi lại diện tích đất đã giao để quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch đã được duyệt!

Một cán bộ có trách nhiệm của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay: “Rất may cho Đà Nẵng là lãnh đạo TP đã dự phòng từ trước bằng các điều khoản có tính ràng buộc trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Nên không phải sau khi nhận được đất rồi, nhà đầu tư muốn làm gì thì làm!”

Đơn cử như trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng khu đất Phạm Hồng Thái cho Công ty cổ phần địa ốc Đông Á có ghi rõ trách nhiệm của bên B là lập quy hoạch thiết kế trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt. Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bên B phải khởi công xây dựng công trình, nếu không thì UBND TP Đà Nẵng sẽ thu hồi lại khu đất!

Đó chính là “cây gậy” để UBND TP Đà Nẵng mạnh tay ra các “tối hậu thư” đòi thu hồi đất kể cả khi đã chuyển quyền sử dụng đất. Đây cũng là điều mà nhiều địa phương khác có thể rút kinh nghiệm!

Một cán bộ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng dẫn chứng về hiệu quả sự kiên quyết của chính quyền TP bằng trường hợp của dự án xây dựng Trung tâm Xuất bản phát hành sách miền Trung - Tây Nguyên do NXB Giáo dục làm chủ đầu tư tại khu đất số 30 Phan Đình Phùng (2 mặt tiền Phan Đình Phùng - Nguyễn Chí Thanh).

Sau nhiều năm được chuyển quyền sử dụng nhưng không triển khai dự án, bị hối thúc quá, NXB Giáo dục xin hoặc chỉ xây dựng ở đây công trình thấp tầng, hoặc chuyển đổi công năng của khu đất (lại chia lô!), thậm chí xin chuyển nhượng khu đất cho đối tác khác và sẽ bàn giao phần chênh lệch về giá đất cho UBND TP Đà Nẵng!

Tuy nhiên UBND TP Đà Nẵng kiên quyết bác bỏ, buộc họ phải làm đúng theo quy hoạch đã được duyệt. Tại “tối hậu thư” số 1668 (18/6/2007), lãnh đạo TP Đà Nẵng ra hạn định đến cuối tháng 6/2007, nếu NXB Giáo dục không triển khai khởi công xây dựng công trình theo quy hoạch đã được duyệt thì UBND TP Đà Nẵng sẽ thu hồi lại khu đất này để quản lý, sử dụng theo quy hoạch của TP.

Kết quả là hiện NXB Giáo dục đang triển khai xây dựng Trung tâm Xuất bản phát hành sách miền Trung - Tây Nguyên cao 12 tầng, do Công ty A.D.C làm tư vấn thiết kế, liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư - xây dựng và Công ty Xây dựng - dịch vụ tổng hợp số 3 thi công.



Theo VietNamNet